Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều: Hy vọng phá vỡ thế bế tắc

Sau 3 cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bất thành trong 2 năm qua giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, một lần nữa hy vọng lại được nhen nhóm. Tín hiệu lần này đến từ phía Mỹ khi tuyên bố sẵn sàng nối lại đàm phán càng sớm càng tốt.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thượng đỉnh Singapore tháng 6/2018.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thượng đỉnh Singapore tháng 6/2018.

Tín hiệu từ ông Trump

“Từ quan điểm của Bộ Ngoại giao, điều vẫn đúng là chúng tôi sẵn sàng, sẵn lòng và đã chuẩn bị nối lại đàm phán cấp làm việc với Triều Tiên. Trong đó họ sẽ triển khai các cam kết đưa ra ở Singapore và tiếp tục tiến tới một giải pháp qua đàm phán mà các lãnh đạo của chúng tôi từ Tổng thống Trump trở xuống đã kêu gọi từ trước tới nay”- ông Christopher Ford, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí khẳng định.

“Chúng tôi hy vọng điều đó và trông đợi phản hồi từ họ để tiến triển càng sớm càng tốt”- ông Christopher Ford phát đi tín hiệu thể hiện sự tích cực từ phía Mỹ, một động thái được coi là “bật đèn xanh” cho Bình Nhưỡng sẽ sắp xếp một cuộc đàm phán vào ngay trong thời gian tới.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Trump cho biết quan hệ của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên “rất tốt,” đồng thời nhấn mạnh rằng ông đã đối xử tốt với Bình Nhưỡng mà không nhượng bộ bất cứ điều gì.

Tại cuộc vận động tranh cử Tổng thống năm 2020 ở Scranton, Pennsylvania, khi được hỏi sẽ làm gì với Triều Tiên nếu tái đắc cử, ông Trump cho biết: “Chúng tôi có quan hệ rất tốt. Chúng ta hãy xem chuyện gì xảy ra”. Ông Trump nói thêm: “Tôi không thể đảm bảo điều gì, nhưng trong 3 năm qua, chúng ta chưa mất gì. Chúng ta đang thực hiện trừng phạt và chúng ta không có chiến tranh với Triều Tiên. Điều đó không hề tệ”.

Hiện chưa có những phản hồi chính thức từ những cơ quan phát ngôn hay từ chính nhà lãnh đạo Triều Tiên sau những kêu gọi trên. Tuy nhiên, dự đoán của các chuyên gia quốc tế về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cho rằng “họ (tức Bình Nhưỡng –PV) sẽ đón nhận thông tin một cách thận trọng”.

Triều Tiên tập trận, thử “vật thể bay”

Lời kêu gọi của phía Mỹ diễn ra sau 3 ngày khi Triều Tiên đã phóng vật thể bay không xác định, ngày 2/3. Hội đồng tham mưu trưởng Hàn Quốc (JCS) cho biết, Triều Tiên đã phóng 2 vật thể từ vùng Wonsan hướng ra Biển Nhật Bản. Đây là lần phóng vật thể đầu tiên trong năm 2020 của Triều Tiên được báo chí đưa tin. Vào năm 2019, Triều Tiên đã tiến hành hơn 10 lần phóng các vật thể không xác định.

Trước đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giám sát cuộc tập trận quân sự ngày 28/2 nhằm “đánh giá sự cơ động và khả năng tấn công bằng hỏa lực” của lực lượng tuyến đầu cùng các đơn vị ở phía Đông. KCNA khẳng định, cuộc tập trận đã kết thúc bằng “sự hài lòng to lớn” của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Các động thái từ phía Bình Nhưỡng làm Hàn Quốc - đồng minh thân cận và quan trọng của Mỹ lo ngại. Chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên thử nghiệm “vật thể bay”, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn các Bộ trưởng liên quan an ninh.

Trong cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong-doo và Giám đốc Cơ quan tình báo Quốc gia Suh Hoon bày tỏ quan ngại sâu sắc, cho rằng việc Triều Tiên phóng vũ khí tầm ngắn sau ba tháng, đặc biệt là tiếp tục tập trận tấn công ở khu vực thành phố Wonsan, đang làm gia tăng căng thẳng quân sự.

Bên cạnh đó, các quan chức an ninh Hàn Quốc cũng kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các hành động như vậy bởi nó “không giúp ích cho những nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên”.

Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) lên tiếng nhấn mạnh, quân đội nước này đang theo dõi tình hình trong trường hợp Triều Tiên có thêm các vụ phóng và duy trì tư thế sẵn sàng.

Theo đánh giá của các chuyên gia đến từ Học viện Quốc phòng Australia, khác với những thiện chí nối lại đàm phán của phía Mỹ, hành động thử tên lửa hay vật thể bay cũng như tập trận quy mô lại là dấu hiệu Bình Nhưỡng muốn nối lại đàm phán.

“Hành động đó chỉ là một sức ép mở màn đến Mỹ và các đồng minh của Mỹ nhằm có được lợi thế hơn trong các lần đàm phán tiếp theo, nếu được nối lai. Nhưng dù sao một hy vọng về thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn được mở ra và phá vỡ thế bế tắc”- Reuters dẫn lời các chuyên gia.

Đình Tú

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/dam-phan-hat-nhan-my-trieu-hy-vong-pha-vo-the-be-tac-tintuc460826