Đàm phán hạt nhân Iran: Vừa mừng vừa lo

Đàm phán hạt nhân Iran đã đạt tiến triển đáng kể, song vẫn còn đó ẩn số từ Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi và tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett.

Ngày 20/6, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cho biết dù còn một số bất đồng, đàm phán hạt nhân Iran tại Vienna đã tới “gần hơn bao giờ hết” tới khôi phục Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Ông cho biết các phái đoàn sẽ về nước tham vấn sau phiên họp cùng ngày.

Trong khi đó, bà Enrique Mora, quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) tại đàm phán hạt nhân Iran, khẳng định các bên đã đạt kết quả tích cực nhằm nối lại JCPOA. Trước đó một ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định thảo luận gián tiếp tại Vienna giữa Washington và Tehran, với Brussels làm trung gian, đã đạt một số “tiến triển có ý nghĩa”.

Những phát ngôn trên rõ ràng là tín hiệu tốt về đối thoại tại Vienna nhằm tái hiện thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, mừng là vậy, song lo âu cũng không ít, khi đàm phán JCPOA còn hai ẩn số lớn.

Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi. (Nguồn: WSJ)

Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi. (Nguồn: WSJ)

Thứ nhất là thái độ của Tổng thống đắc cử Iran, nguyên Bộ trưởng Tư pháp, Giáo sĩ Ebrahim Raisi. Hiện lập trường của ông về thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn chưa rõ ràng.

Một số lo ngại rằng, là người của phe bảo thủ từng chỉ trích JCPOA là “nỗi ô nhục quốc gia”, Tổng thống đắc cử Iran sẽ thể hiện lập trường cứng rắn, qua đó đảo ngược thành quả đàm phán JCPOA.

Chuyên gia Ali Vaez, Giám đốc Dự án Iran thuộc International Crisis Group tại Brussels (Bỉ), nhận định dường như các bên đều muốn khôi phục JCPOA trước khi ông Raisi nhậm chức tháng 8 tới. Như vậy, theo The Times of Israel, Tehran có thể phải nhượng bộ về giới hạn làm giàu uranium và cho phép quan sát viên Tổ chức Năng lượng quốc tế (IAEA) tiếp cận cơ sở hạt nhân của mình.

Song học giả Talal Mohammad thuộc Viện St. Anthony, Đại học Oxford (Anh) lại nghĩ khác. Tehran dưới thời của Tổng thống đắc cử Raisi có thể duy trì giọng điệu chống phương Tây, song sẽ giữ thỏa thuận hạt nhân của chính quyền ông Hassan Rouhani.

Lý do là “điều này không chỉ quan trọng với Tổng thống, mà còn là vấn đề được Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei đặc biệt quan tâm”.

Tương tự, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh rằng việc Washington trở lại JCPOA sẽ phụ thuộc vào Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, thay vì Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammed Javid Zarif bày tỏ sự lạc quan về khả năng nối lại JCPOA sau đối thoại Vienna trước khi nhiệm kỳ kết thúc. Cao ủy EU về Chính sách đối ngoại Josep Borell thì tin tưởng kết quả của cuộc bầu cử tại Iran sẽ không hủy hoại tiến trình đàm phán.

Thứ hai là lập trường của người Do Thái. Tại cuộc họp nội các đầu tiên, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã chỉ trích ông Ebhraim Raisi đứng đầu “ủy ban chết chóc” khiến hàng nghìn người thiệt mạng, trong khi Ngoại trưởng Yair Lapid gọi Tổng thống đắc cử Iran là “đồ tể”.

Tuyên bố này đã cho thấy dù ai là người đứng đầu, lập trường chống Tehran của Tel Aviv là không đổi.

Tại cuộc họp nội các đầu tiên, Thủ tướng Israel Naftali Bennett chỉ trích ông Ebhraim Raisi đứng đầu “ủy ban chết chóc” khiến hàng nghìn người thiệt mạng. (Nguồn: Haaretz)

Quan trọng hơn, Israel khẳng định chiến thắng của ông Raisi, người có quan điểm cứng rắn hơn ông Rouhani về chính sách hạt nhân và ngoại giao, khiến nước này “không còn lựa chọn nào” ngoài việc tấn công chương trình hạt nhân Iran.

Hồi tháng 4, Tehran đã từng cáo buộc Tel Aviv đứng đằng sau vụ nổ “chưa rõ nguyên nhân” tại Cơ sở làm giàu Uranium Natanz, song không nhận được hồi đáp. Mới đây, cựu Giám đốc cơ quan tình báo Mossad Yossi đã chia sẻ rằng đặc vụ Israel thường xuyên “để mắt” tới các nhà khoa học nguyên tử của Iran và sẵn sàng ra tay khi cần thiết.

Trong bối cảnh Israel tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn với Iran nói chung và phản đối đàm phán JCPOA nói riêng, các chiến dịch phá hoại của Tel Aviv này nhiều khả năng sẽ không dừng lại. Nó có thể tác động tiêu cực, thậm chí đảo ngược kết quả đàm phán mà Iran và các nước P5+1 đã đạt được.

Điều này có thể đặt Washington vào thế khó khi vừa phải duy trì quan hệ với đồng minh thân thiết, vừa phải thỏa thuận để thông qua JCPOA kiểm soát đối thủ hàng đầu tại Trung Đông.

Do đó, thái độ của Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi và chính quyền Israel của Thủ tướng Naftali Bennett sẽ là hai yếu tố quan trọng, tác động tới kết quả đàm phán về JCPOA thời gian tới.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dam-phan-hat-nhan-iran-vua-mung-vua-lo-149091.html