Đàm phán hạt nhân Iran: Triển vọng giữa nhiều thách thức

Thế giới đang dồn nhiều sự quan tâm tới vòng đàm phán hạt nhân giữa nhóm P5+1 với Iran bắt đầu từ ngày 6/4 (giờ địa phương) tại Thủ đô Vienna của Austria, với hy vọng có thể 'hồi sinh thỏa thuận thế kỷ' được ký vào năm 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Sự kiện này được coi là một bước đột phá sau nhiều năm căng thẳng giữa Mỹ và Iran với nhiều lúc tưởng chừng chiến tranh đã cận kề.

Cộng đồng quốc tế và cả những người trong cuộc đều dự báo rằng, vòng đàm phán này diễn ra không hề dễ dàng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định Washington không đánh giá thấp quy mô của những thách thức trước mắt: "Đây mới là những ngày đầu. Chúng tôi không dự đoán sẽ lập tức hoặc sớm có một bước đột phá vì chúng tôi hoàn toàn dự kiến được rằng các cuộc thảo luận này sẽ hết sức khó khăn. Nhưng chúng tôi tin rằng những cuộc thảo luận với các đối tác của chúng tôi và đến lượt các đối tác của chúng tôi với Iran là một bước tiến lành mạnh".

Máy ly tâm IR-6 tại cơ sở làm giàu uranium Natanz của Iran. Ảnh: AP

Máy ly tâm IR-6 tại cơ sở làm giàu uranium Natanz của Iran. Ảnh: AP

Đồng quan điểm, Người phát ngôn Chính phủ Mỹ (Nhà Trắng) Jen Psaki cũng thừa nhận: "Chúng tôi nhận thức rõ về những trở ngại còn tồn tại. Các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức giữa các nhóm làm việc do Liên minh châu Âu (EU) thành lập, bao gồm cả Iran. Các vấn đề chính sẽ được thảo luận là những bước đi hạt nhân mà Iran cần thực hiện để quay trở lại tuân thủ thỏa thuận, cũng như những bước giảm nhẹ trừng phạt mà Mỹ cũng cần thực hiện. Tôi không chắc chắn về một cuộc gặp giữa Mỹ và Iran, song chúng tôi luôn cởi mở".

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh tuyên bố kết quả cuộc đàm phán ở Vienna nhằm cứu vãn JCPOA sẽ phụ thuộc vào các bên châu Âu có thuyết phục được Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran hay không.

Chia sẻ quan điểm này, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thì kêu gọi các nước châu Âu tham gia đàm phán lần này phải có tinh thần "xây dựng", khẳng định lập trường từ trước đến nay về thỏa thuận hạt nhân của nước này sẽ không thay đổi. Ông yêu các nước châu Âu phải hành động, thực thi mọi nghĩa vụ trong thỏa thuận và dừng thực thi các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.

Về phần mình, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araqchi khẳng định, nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch "từng bước nào" để khôi phục thỏa thuận hạt nhân và chỉ chấp nhận việc dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt mà chính quyền tiền nhiệm Mỹ đã áp đặt đối với Tehran.

Dư luận thế giới đánh giá, vấn đề hạt nhân Iran đang ngày một nghiêm trọng hơn. Minh chứng cho điều này là việc một báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, Tehran đã lắp đặt một loạt máy ly tâm hiện đại ở nhà máy Natanz dưới lòng đất nhằm mở rộng khả năng làm giàu uranium.

Cùng với đó là lời tuyên bố của Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei rằng, Iran có thể làm giàu urani có độ tinh khiết lên tới 60% trong trường hợp cần thiết, thay vì trong giới hạn 20%. Điều này cho thấy, Iran càng đứng ngoài thỏa thuận lâu thì Tehran càng tiến gần hơn đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân và Tổng thống Mỹ Joe Biden càng chờ đợi lâu, Washington càng khó quay lại thỏa thuận.

Nếu Tổng thống Joe Biden chấp nhận JCPOA, đảng Cộng hòa sẽ gia tăng sức ép với nhà lãnh đạo Mỹ bởi từ lâu, đảng này đã cho rằng thỏa thuận hạt nhân chỉ kiểm soát được một phần trong các hoạt động quân sự của Iran.

Thượng nghị sĩ bang Oklahoma James M. Inhofe, thành viên đảng Cộng hòa cấp cao trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện nhận: "Giải pháp ngoại giao bền vững duy nhất với Iran là giải pháp nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng. Tôi muốn nhắc lại việc một số thành viên Quốc hội từng phản đối JCPOA với sự nhất trí lưỡng đảng năm 2015. Nếu ông Joe Biden lặp lại lịch sử bằng cách quay lại thỏa thuận thất bại đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối nó".

Nếu JCPOA có thể hồi sinh, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết họ sẽ tìm kiếm các cuộc trao đổi với Tehran để phác thảo một thỏa thuận "mạnh hơn và lâu dài hơn" nhằm mở rộng các hạn chế về kho tên lửa ngày càng gia tăng của Iran. Mỹ cũng sẽ tìm cách ngăn cản sự ủng hộ của Iran với các lực lượng ở Iraq, Yemen, Lebanon và Syria. Các quan chức Mỹ khẳng định họ sẽ không nhượng bộ Iran để đổi lấy thỏa thuận.

"Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thể hiện rằng họ sẽ phối hợp với Iran để đàm phán về thỏa thuận song sẽ không nhượng bộ bất kỳ điều gì", ông Kelsey Davenport, giám đốc phụ trách chính sách không phổ biến vũ khí tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ trang cho hay.

Cuộc gặp tại Thủ đô Vienna lần này được đánh giá là nỗ lực nghiêm túc đầu tiên của các bên nhằm khôi phục JCPOA sau gần 3 năm chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận này. Và để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như đảm bảo thỏa thuận được tuân thủ trong tương lai đòi hỏi các bên đối thoại phải tìm cách thỏa mãn điều kiện của nhau. Do đó, nếu không bên nào chịu lùi bước, tuân thủ thỏa thuận thì việc đàm phán sẽ diễn ra vô thời hạn.

Cũng có ý kiến cho rằng, với việc Mỹ và Iran không gặp mặt trực tiếp, lần đàm phán hạt nhân lần này có lẽ mới chỉ là sự "khởi đầu" trong mục tiêu "hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015" trong vòng 2 tháng tới.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/dam-phan-hat-nhan-iran-trien-vong-giua-nhieu-thach-thuc-636552/