Đàm phán hạt nhân bế tắc, 'chuyện tình' Trump - Kim đã đến hồi kết?

Tổng thống Mỹ từng nói đã 'phải lòng' nhà lãnh đạo Triều Tiên qua những lá thư, nhưng sau nhiều leo thang căng thẳng còn đàm phán vẫn bế tắc, 'quan hệ đặc biệt' có thể sẽ chấm dứt.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gần 2 năm qua có nhiều nỗ lực để “dành lời ngon ngọt” cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Song, đã 3 cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo trôi qua, từ Singapore đến Việt Nam và gần nhất là Khu phi quân sự liên Triều (DMZ), đối đầu Mỹ - Triều, di sản cuối cùng của kỷ nguyên Chiến tranh lạnh, vẫn chưa kết thúc.

Trái lại, với những diễn biến và phát ngôn thời gian gần đây từ cả hai phía quanh vấn đề hạt nhân Triều Tiên, mọi việc dường như đang trở lại với quỹ đạo thù địch quen thuộc.

Triều Tiên cho thử nghiệm động cơ tên lửa ngay tại cơ sở từng được Tổng thống Trump tuyên bố đã thuyết phục nước này tháo dỡ thành công. Ảnh: KCNA.

Triều Tiên cho thử nghiệm động cơ tên lửa ngay tại cơ sở từng được Tổng thống Trump tuyên bố đã thuyết phục nước này tháo dỡ thành công. Ảnh: KCNA.

Khẩu chiến quay trở lại

Bình Nhưỡng ngày 8/12 vừa xác nhận thực hiện thành công “cuộc kiểm tra rất quan trọng”. Vụ thử nghiệm diễn ra tại bãi phóng mà Tổng thống Trump năm 2018 khẳng định đã được tháo dỡ.

Tuần trước, Tổng thống Trump đã nhắc lại biệt danh “Người đàn ông tên lửa” mà chính ông đặt cho ông Kim Jong Un vào năm 2017. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo không ngại sử dụng lại biệt danh “lão già ngớ ngẩn” cho tổng thống Mỹ nếu những phát ngôn cực đoan tiếp tục xuất hiện giữa thời điểm nhạy cảm. Bình Nhưỡng còn bóng gió đang chuẩn bị “quà giáng sinh” cho nước Mỹ.

Triều Tiên cáo buộc Tổng thống Trump kiềm chế nước này trong đàm phán để làm lợi cho chiến dịch tái tranh cử năm 2020. Họ đồng thời bác bỏ khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo nếu tiếp tục phải tay trắng rời bàn đàm phán. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un thể hiện rõ mong muốn gặt hái thành quả trước cuối năm nay, cùng lúc đó cảnh báo vấn đề phi hạt nhân hóa không còn trên bàn đàm phán.

Mặt khác, Washington có vẻ không sẵn sàng để tiếp tục kiểu ngoại giao tinh tế xoa dịu ông Kim. Ngày 7/12, trước tình hình căng thẳng Mỹ - Triều có dấu hiệu leo thang trở lại, Tổng thống Trump khẳng định với các phóng viên tại Nhà Trắng mối quan hệ với ông Kim Jong Un vẫn “rất tốt” và cả hai muốn “giữ nguyên như thế”.

“Mối quan hệ vẫn rất tốt, tuy nhiên các bạn biết đấy, vẫn có sự thù địch nhất định. Không có gì phải hoài nghi về điều đó”, ông cho biết.

Chỉ một ngày sau, tổng thống Mỹ lại đăng tải trên Twitter thông điệp cảnh cáo Triều Tiên. Ông nhấn mạnh nhà lãnh đạo Triều Tiên “không muốn đánh mất mối quan hệ đặc biệt với tổng thống của nước Mỹ”.

“Ông Kim Jong Un đủ thông minh và có quá nhiều thứ để mất nếu hành động một cách thù địch, thậm chí là mất hết tất cả”, ông khẳng định.

Mối quan hệ đặc biệt giữa Tổng thống Trump và ông Kim có nguy cơ kết thúc vì đàm phán hạt nhân không tiến triển. Ảnh: AP.

Canh bạc nhiều rủi ro

Theo Bruce Klingner, chuyên gia tại Quỹ Heritage, chính phủ của Tổng thống Trump thời gian qua vẫn còn nhẹ tay đối với Bình Nhưỡng. Washington chưa áp dụng nhiều phương án trừng phạt khác mang sức ảnh hưởng lớn hơn đối với Triều Tiên hoặc những nước làm ăn với họ, đơn cử là Trung Quốc.

Nhà Trắng cũng liên tục nhượng bộ ông Kim, hủy hoặc hoãn các cuộc tập trận chung cùng Hàn Quốc. Lần trì hoãn tập trận chung gần nhất là vào tháng 11, sau các phản ứng gay gắt từ chính quyền Bình Nhưỡng. Dù vậy, mọi bước đi ngoại giao đều không thu lại bước tiến trong đàm phán phi hạt nhân hóa mà Washington mong muốn.

“Tổng thống Trump sử dụng một phiên bản còn nhẹ tay hơn cả kiên nhẫn chiến lược dưới thời ông Obama, đồng thời gia tăng thực thi lệnh trừng phạt một cách dè chừng”, Klingner nhận định.

Nhà lãnh đạo 73 tuổi cũng không quá đơn độc nếu không đạt được thành quả từ đàm phán với Triều Tiên. Chưa có tổng thống nào của Mỹ đủ cao tay và buộc Bình Nhưỡng phải nhượng bộ. Thực tế là Tổng thống Trump dường như tập trung nhiều hơn để buộc Hàn Quốc chi thêm tiền hỗ trợ quân đội Mỹ đồn trú.

Trong trường hợp các tuyên bố của Bình Nhưỡng là sự trở lại của đàm phán bên bờ vực xung đột, Tổng thống Trump cần sáng suốt không khởi động lại vòng xoáy đe dọa qua lại và gia tăng căng thẳng.

Stephen Collinson, bình luận viên CNN về các chuyển động chính sách của Nhà Trắng, đánh giá đây là một canh bạc nhiều rủi ro. Mọi diễn biến đẩy Mỹ trở lại tình thế đối đầu ở vĩ truyến 38 trên bán đảo Triều Tiên đều ẩn chứa nguy hiểm. Tổng thống Trump không thể chấp nhận sự hồi sinh của phóng tên lửa tầm xa và thử nghiệm hạt nhân.

Về mặt chính trị, đối đầu mới Washington - Bình Nhưỡng đồng nghĩa rằng nỗ lực đối thoại gần 2 năm qua trở thành màn ngoại giao “rỗng ruột” và chỉ nhằm mục đích tạo hình ảnh. Viễn cảnh đó cũng đập tan ảo tưởng rằng “kết bạn” với những nhà lãnh đạo gây tranh cãi rồi sẽ mang lại lợi ích cho nước Mỹ.

"Nếu Triều Tiên thật sự đã thử nghiệm động một loại nhiên liệu tên lửa mới, dù là nhiên liệu rắn hay lỏng, đó sẽ là tín hiệu đủ rõ để chúng ta nhận thức cánh cửa ngoại giao đang đóng sập lại rất nhanh", Vipin Narang, chuyên gia về các vấn đề hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), cảnh báo.

“Thông điệp này có thể báo hiệu chính xác điều gì đang đón chờ thế giới trong năm mới”, Narang nhấn mạnh.

Thanh Danh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dam-phan-hat-nhan-be-tac-chuyen-tinh-trump-kim-da-den-hoi-ket-post1023272.html