Đàm phán đổ vỡ, tình hình Sudan tiếp tục diễn biến phức tạp

Tình hình Sudan vẫn diễn biến phức tạp khi đàm phán giữa Hội đồng Quân sự với đại diện người biểu tình và phe đối lập đổ vỡ.

Lời đề nghị nối lại đối thoại của Hội đồng quân sự Sudan hôm qua (5/6) cũng đã bị bên còn lại bác bỏ. Trước tình hình đó, Liên Hợp Quốc đã phải quyết định di dời một bộ phận nhân viên dân sự ra khỏi Sudan; nhiều quốc gia đồng loạt ban bố cảnh báo công dân hạn chế đi lại tới quốc gia Bắc Phi này.

Tình hình Sudan tiếp tục diễn biến phức tạp. Ảnh: Reuters

Trong một tuyên bố, ông Amjad Farid, người phát ngôn Hiệp hội Nhà nghề Sudan (SPA) - lực lượng đầu tiên phát động làn sóng biểu tình dẫn tới việc quân đội phế truất Tổng thống Omar al-Bashir hồi tháng 4 - tuyên bố, sẽ không chấp nhận lời đề nghị nối lại đối thoại của Hội đồng quân sự Sudan.

Theo đó, các phe nhóm biểu tình sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ phi bạo lực và bất tuân dân sự nhằm phản kháng các bước đi của Hội đồng Quân sự. Phe biểu tình cũng yêu cầu Hội đồng Quân sự phải tiến hành giải trình và đưa những người đã sử dụng bạo lực nhằm giải tán các cuộc biểu tình ngồi bên ngoài trụ sở quân đội tại thủ đô Khartoum, hôm 3/6 vừa qua, ra trước pháp luật.

Trước đó, hôm qua, Người đứng đầu Hội đồng quân sự Sudan, Tướng Abdul Fattah Al-Burhan đã có bài phát biểu trên truyền hình nhân dịp Tết xả chay của người Hồi giáo – Eid Al- Fitr, bày tỏ sự hối tiếc trước những diễn biến đang xấu đi tại nước này:

“Hội đồng Quân sự lấy làm tiếc về tình hình hiện nay. Nó vượt ra ngoài các cam kết đã đạt được giữa các bên. Cuộc cách mạng ngay từ khi bắt đầu, đã chứng kiến sự đổ máu. Tuy nhiên, các lực lượng vũ trang, phản ứng nhanh có trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia. Họ chỉ hợp tác với cuộc cách mạng để bảo vệ Sudan, họ không có quyền cai trị quốc gia này. Con đường duy nhất để tìm ra người lãnh đạo đất nước là thông qua thùng phiếu”.

Hiện phe đối lập và nhiều quốc gia phương Tây đã lên án kế hoạch tiến hành bầu cử trong vòng 9 tháng tới của Hội đồng Quân sự Sudan. Phe đối lập cho rằng, trước khi có thể tổ chức bầu cử, cần phải thành lập Hội đồng chuyển tiếp dân sự; trong khi các nước phương Tây cho rằng, Sudan hiện chưa thể tổ chức 1 cuộc bầu cử “dân chủ” trên toàn quốc.

Ngược lại, Nga và hầu hết các quốc gia Arab Hồi giáo đều lên tiếng ủng hộ các bước đi của Hội đồng quân sự Sudan. Bộ ngoại giao Nga ngày 6/6 tuyên bố ủng hộ việc tổ chức bầu cử và kêu gọi các quốc gia bên ngoài ngừng can thiệp và tình hình Sudan. Nga cho rằng, Chính quyền quân sự Sudan cần phải “khuất phục” những kẻ mà họ cho là cực đoan.

Kể từ khi đàm phán giữa các bên Sudan đổ vỡ, các cuộc biểu tình tiếp diễn tại Sudan. Một số trong đó đã biến thành bạo lực. Lực lượng Phản ứng nhanh Sudan (RSF) bị người biểu tình cáo buộc tấn công một trại biểu tình ở thủ đô Khartoum. Theo Ủy ban Trung ương Các bác sĩ Sudan, số người chết trong các vụ bạo lực đến nay đã tăng lên 108 người và hơn 500 người khác bị thương.

Trước tình hình đó, Liên Hợp Quốc hôm qua đã ra quyết định tạm thời điều chuyển một số cán bộ, nhân viên không quan trọng của cơ quan này ra khỏi Sudan. Theo người phát ngôn Liên Hợp Quốc, Farhan Haq, vì vấn đề an ninh, việc sơ tán đã được bắt đầu. Tuy nhiên vẫn còn 1 lượng nhân viên Liên Hợp Quốc ở đây để đảm nhiệm các công việc quan trọng.

Hiện Mỹ cũng đã kêu gọi các bên tại Sudan kiềm chế, nối lại đàm phán, đồng thời chỉ trích các vụ tấn công khiến nhiều người thiệt mạng. Bên cạnh đó, Washington còn cho biết, đã đóng cửa Đại sứ quán và cảnh báo công dân nước này ở Sudan cần “hết sức thận trọng” và nên có kế hoạch rời khỏi Sudan.

Còn Vương quốc Anh cũng đã rút các nhân viên không có nhiệm vụ quan trọng và thân nhân ở đại sứ quán nước này tại Sudan về nước, khuyến cáo người dân không nên đến các khu vực miền Nam và miền Tây Sudan. Theo tuyên bố của Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung của Anh, các công dân nước này ở Sudan cần đánh giá cẩn thận tình hình, hết sức cẩn trọng và tránh xa các cuộc biểu tình và khu vực tập trung đông người.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cho biết, nước này đang theo dõi chặt chẽ diễn biến ở Sudan, ủng hộ việc các bên ở Sudan tiếp tục tham gia đối thoại. Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia Ai Cập (EgyptAir) đã hủy bỏ một số chuyến bay từ Cairo đến Khartoum trong 2 ngày 5 và 6/6 do lo ngại bạo lực.

Kể từ khi Tổng thống Sudan Omar al-Bashir bị phế truất hôm 11/4, an ninh tại nước này vẫn bất ổn và hàng nghìn người dân tiếp tục biểu tình đòi Hội đồng Quân sự chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước. Người biểu tình và Hội đồng quân sự đã nhiều lần đàm phán nhưng chưa thống nhất được về những nội dung cơ bản của việc thành lập Hội đồng chuyển tiếp hỗn hợp, một bước đệm để quân đội chính thức chuyển giao quyền lãnh đạo./.

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dam-phan-do-vo-tinh-hinh-sudan-tiep-tuc-dien-bien-phuc-tap-918232.vov