Đàm phán Astana không thành, Idlib vẫn trong vòng vây

Hòa đàm Astana về Syria không đạt tiến bộ rõ rệt, thỏa thuận ở Idlib tiếp tục mong manh.

Sau 2 ngày đàm phán tại thủ đô Astana của Kazakhstan, Hội nghị quốc tế về Syria gồm sự tham gia của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã kết thúc vào ngày 29/11 mà không đạt được tiến bộ rõ rệt nào về việc thành lập một ủy ban hiến pháp Syria.

Đàm phán về Syria tại Astana. Ảnh: Arshif

Đàm phán về Syria tại Astana. Ảnh: Arshif

Ba nước bảo trợ Syria không đạt được thỏa thuận nào về thời hạn thành lập ủy ban hiến pháp mà chỉ xác nhận quyết tâm tăng cường nỗ lực chung nhằm khởi động ủy ban hiến pháp với sự ủng hộ của các bên Syria và quyết định đẩy mạnh các cuộc tham vấn ở tất cả các cấp để đẩy nhanh việc thành lập ủy ban hiến pháp.

Các bên tham gia đàm phán bao gồm cả đại diện chính phủ Syria và lực lượng đối lập đồng ý thực hiện nỗ lực chung để khởi động Ủy ban Hiến pháp Syria. Theo đó danh sách 142 người trong số 150 người của Ủy ban Hiến pháp Syria được thông qua.

Một trong số các nội dung chính của hòa đàm là thỏa thuận ngừng bắn mong manh tại khu vực Idlib mà Nga với Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được hồi tháng 9/2018.

Đến nay các bên vẫn đổ lỗi cho nhau về vi phạm thỏa thuận này.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung, đại diện chính phủ Syria Bashar Jafari tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm thỏa thuận khu vực phi quân sự tại Idlib cũng như đang triển khai 11 quân đội, cảnh sát cùng vũ khí hạng nặng trên biên giới Syria. Chính phủ Syria cho rằng, hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm làm thay đổi quyền kiểm soát khu vực sau khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm lãnh thổ Syria bất hợp pháp.

Ông Bashar Jafari cho biết: “Chúng tôi lo lắng rất nhiều về việc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện cam kết đối các thỏa thuận tại Astana và Sochi. Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hiện diện trên lãnh thổ Syria bất hợp pháp và điều này ảnh hưởng tới việc thực hiện thỏa thuận khu vực phi quân sự ở Idlib ở phía Bắc Syria, cũng như làm thay đổi tình hình ở khu vực này”.

Đại diện phe đối lập Ahmed Tohma bày tỏ lo ngại về các hành động của liên minh do Mỹ dẫn đầu và "Lực lượng dân chủ Syria" ở phía bắc và nhấn mạnh yêu cầu duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ Syria.

Dẫu thỏa thuận Nga- Thổ Nhĩ Kỳ về tình hình ở Idlib trở nên mong manh, các nước bảo trợ vẫn bày tỏ chung chung mối quan ngại về các vi phạm lệnh ngừng bắn tại tỉnh Idlib và cam kết sẽ tăng cường nỗ lực để đảm bảo thực hiện lệnh ngừng bắn.

Đồng thời, các bên bảo trợ khẳng định quyết tâm tiếp tục hợp tác tiêu diệt hoàn toàn tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các tổ chức khủng bố khác.

Nạn nhân có dấu hiệu bị nhiễm khí clo trong vụ tấn công hóa học vào Aleppo.

Kết quả này không nằm ngoài dự đoán khi xảy ra những vụ tấn công hóa học từ khu vực phi quân sự dọc Idlib nhằm vào thành phố Aleppo hôm 24/11 ngay trước khi cuộc hòa đàm diễn ra ở Astana, cho thấy những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria là chưa đủ.

Các nhà ngoại giao coi thỏa thuận Nga – Thổ Nhĩ Kỳ như một biện pháp trì hoãn cuộc tấn công đẫm máu sẽ do các lực lượng thân chính phủ Assad tiến hành, vào tỉnh Idlib.

Tuy nhiên, cuộc tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào Aleppo đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ chịu nhiều áp lực tại cuộc hòa đàm Astana.

Ankara đã cam kết có thể thuyết phục các nhóm cực đoan, bao gồm cả HTS - lực lượng được cho là hung thủ tiến hành những vụ tấn công hóa học vào Aleppo hôm 24/11 - rút khỏi khu vực ranh giới với những vùng hiện do quân chính phủ kiểm soát. Tuy nhiên, các nhóm này đã không đáp ứng lời kêu gọi của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo chuyên gia Nga Kerim Has, các bên ở Syria sẽ buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu mọi trách nhiệm khi để phiến quân tại Idlib tấn công hóa học, đồng thời yêu cầu quốc gia này phải chấm dứt các hoạt động hậu thuẫn phiến quân.

Các chuyên gia đều cho rằng, thời gian tới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đứng trước một lựa chọn hết sức khó khăn, một là sẽ “tự tay” tấn công các phiến quân không chịu tuân thủ hoặc chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn Idlib đổ vỡ sau bao cố gắng để có được.

Một nội dung quan trọng khác là không phải Chính phủ Syria bị chỉ trích vì đã tấn công vào Idlib bằng những vụ tấn công nhỏ lẻ mà đại diện phe đối lập Syria lại hướng sự chỉ trích về phía Mỹ.

Đại diện phe đối lập Ahmed Tohma xác nhận rằng vòng đàm phán kết thúc với tiến bộ về vấn đề Ủy ban Hiến pháp và có thể tạo cơ sở để tiến tới một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột. Phe đối lập ở Syria bày tỏ lo ngại về các hành động của liên minh do Mỹ dẫn đầu và "Lực lượng dân chủ Syria" ở phía bắc và nhấn mạnh yêu cầu duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ Syria.

“Tôi mong muốn và khẳng định rằng phe đối lập sẵn sàng thúc đẩy đối thoại giải quyết bất đồng, xây dựng nhà nước Syria dân chủ. Chính vì vậy, các cuộc đàm phán giữa chúng tôi trong hai ngày qua tập trung vào tất cả các vấn đề. Vòng đàm phán rất hiệu quả với việc bàn về Ủy ban hiến pháp” - ông Ahmed Tohma nói.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/dam-phan-astana-khong-thanh-idlib-van-trong-vong-vay-3370131/