Dâm ô, xâm hại tình dục ở Việt Nam: Nạn nhân đau đáu vì chứng cứ đâu?

Nhiều vụ xâm hại tình dục ở Việt Nam kéo dài dai dẳng khiến nạn nhân mệt mỏi, hay có những vụ đưa ra tòa nhưng cũng không xử lý được vì chứng cứ không có, hoặc quá yếu? Câu hỏi chứng cứ luôn là một thách thức lớn với nạn nhân và những người thân khi lên tiếng tố cáo.

Những em bé bị xâm hại tình dục luôn sống trong sợ hãi và mặc cảm - Ảnh: Yến Trinh

Vừa qua, nhiều vụ việc liên quan đến quấy rối tình dục, sàm sỡ và dâm ô đã xảy ra và nạn nhân đã mạnh mẽ tố cáo như vụ: Phó trưởng công an xã thừa nhận nắm tay, ôm hôn nữ sinh lớp 9 ở Vĩnh Long hay mới đây đại tá Vũ Minh Phương, Trưởng Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết đang xác minh một vụ dâm ô trẻ em (sờ vùng kín) ở chung cư số 275 Nguyễn Trãi.

Nạn nhân tố cáo sớm và công an vào cuộc điều tra ngay lập tức thì cơ hội để xử lý người bị tố cáo là thuận lợi hơn rất nhiều. Thế nhưng có nhiều vụ việc nạn nhân bị hoảng loạn lo sợ, một thời gian sau mới tố cáo, hoặc có những hành vi mà chỉ có nạn nhân chứng kiến (giữa 2 bên) thì việc tìm và cung cấp bằng chứng cụ thể rất mong manh.

Trước đó, nhiều vụ việc nạn nhân tố cáo bị xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em cũng khó xử lý hoặc xử lý trong thời gian dài khiến nạn nhân mệt mỏi, dư luận bất bình. Lý do chính thường được cơ quan điều tra, hay tòa án nhận định đưa ra là: không đủ chứng cứ, không xác định được hành vi xâm hại do chỉ có lời khai một chiều từ nạn nhân...

VIDEO: Người mẫu tố họa sĩ hiếp dâm: 'Tôi suy sụp mấy ngày liền!'

Chứng cứ ở đâu ra?

Luật sư (LS) Trần Ngọc Nữ, Chi hội trưởng chi hội Luật sư, Hội bảo vệ trẻ em TP.HCM cho biết các vụ xâm hại tình dục nào cũng đòi chứng cứ, vậy chứng cứ ở đâu ra? Chứng cứ là lời khai trùng khớp với những gì cơ quan điều tra thu thập được. Thực tế, đa số các vụ không khởi tố là do cơ quan điều tra chỉ nghe về phía bị can mà không nghe về phía bị hại thành ra cứ không đủ cơ sở khởi tố.

LS Nữ cũng cho hay, có những vụ giám định có tế bào nam rồi nhưng cũng không khởi tố vì đủ lý do, vậy nên càng không có tính răn đe. Một vụ án cứ kéo dài 6 - 7 năm trời khiến những người tố cáo cũng sống trong mệt mỏi.

LS Thanh nhận định, đối với các vụ án hiếp dâm, nạn nhân thường ít biến đến thủ tục khám và giám định ngay để xem xét “tế bào nam” trong cơ thể.

LS Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn LS TP.HCM thì cho rằng, hiện nay, cơ quan tiến hành tố tụng xử lý đơn thư tố giác tội phạm này chưa đạt hiệu quả cao. Việc chứng minh tội phạm là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng nhưng để có cơ sở khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong các vụ án xâm hại tình dục là rất khó khăn. Để khởi tố vụ án đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, trong khi đó các vụ án xâm hại tình dục chứng cứ là thứ quan trọng nhất.

“Chứng cứ của các vụ xâm hại tình dục thường rất mong manh, rất yếu bởi vì người bị xâm hại sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm nên không dám báo ngay, mà thường đợi sau một khoảng thời gian. Mà sau thời gian dài chứng cứ bị mất đi, thời điểm đó cơ quan tố tụng bắt đầu cuộc thì không còn chứng cứ nữa nên vấn đề khởi tố càng trở nên khó khăn hơn”, LS Thanh nêu ý kiến.

Vì sao khó xử lý?

LS Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM) nêu rõ 4 nguyên nhân khiến các vụ xâm hại tình dục ở Việt Nam khó xử lý:

Thứ nhất, xuất phát từ ý thức chủ quan, có rất nhiều trường hợp vì tâm lý e ngại phải đi tố cáo trước cơ quan chức năng, trong khi một số người phạm tội lại có quan hệ là những người thân với bị hại nên họ sợ đi tố cáo sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ với nhau. Từ đó, có nhiều vụ không được tố giác để pháp luật xử lý triệt để.

Thứ hai, khi vụ việc xảy ra, một số người không trình báo ngay, không giữ nguyên hiện trường, dấu vết của người bị xâm phạm để trình báo, vô tình họ làm cho các dấu vết khó xác định, giám định khi phải để quá lâu.

Thứ ba, một số vụ án thiếu chứng cứ rõ ràng, lời khai giữa các bên không phù hợp nhau. Trong khi cơ quan chức năng lại chưa có biện pháp đối chiếu, đấu tranh hoặc sử dụng các máy móc có thể phát hiện lời khai nào là đúng, là sai. Dẫn đến việc một số vụ án chỉ dựa vào những lời khai, nên công tác giải quyết còn khó khăn.

Thứ tư, các cơ quan chức năng chậm trễ trong việc điều tra, dẫn đến người tố cáo dù có muốn bảo vệ người thân của mình, họ cũng cảm thấy chán nản vì phải đi lại nhiều lần mà vụ việc vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do vậy, nhiều vụ việc ko được đưa ra trước cơ quan pháp luật để giải quyết.

Nạn nhân của xâm hại tình dục bị ám ảnh lâu dài - Ảnh: Khải Đơn

Đồng quan điểm, LS Huỳnh Công Thư, Đoàn LS tỉnh Long An cũng nêu ý kiến, các vụ quấy rối tình dục không vì mục đích hiếp dâm, không vì mục đích quan hệ tình dục thì gọi là dâm ô. Tuy nhiên, các trường hợp này thường rất khó tố vì không có chứng cứ mà chỉ có nhân chứng, trong khi đó, nhân chứng là chứng cứ gián tiếp. Nhiều khi còn không có nhân chứng mà chỉ có lời khai của bị hại nên việc bị sờ mông, sờ má,… lại càng khó giải quyết vì không thể tìm ra tinh trùng hay dấu tích gì.

LS Thanh cũng cho rằng, trong những vụ án hiếp dâm, đặc biệt là các vụ án dâm ô (hành vi dâm ô chỉ là “sờ nắn bên ngoài bộ phận sinh dục” nhưng không nhằm mục đích giao cấu), việc chứng minh được đối tượng “có sờ nắn hay không” hoặc có phạm tội hay không là rất khó khăn, vì hành vi chỉ xảy ra ở bên ngoài. Đôi khi sự việc chỉ dựa vào lời khai của nạn nhân khiến các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng không có căn cứ để xử lý vụ việc.

Do vậy, LS Thanh kiến nghị, cần phải thành lập một cơ quan chuyên trách về xử lý xâm hại tình dục. Đây có thể là cơ quan tách ra từ bộ phận của cơ quan điều tra, để họ làm chuyên môn thì mới tập trung và nâng cao chuyên môn, nếu không thì rất khó đòi công lý cho những người bị hại.

Vũ Phượng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/dam-o-xam-hai-tinh-duc-o-viet-nam-nan-nhan-dau-dau-vi-chung-cu-dau-967252.html