Đẫm nước mắt cảnh mẹ già chỉ mong gặp lại con trước khi chết trong cuộc đoàn tụ Hàn - Triều

Nỗi đau bị chia cắt của những người ở cái tuổi gần đất xa trời chờ đến ngày gặp mặt người thân đã khiến họ mong mỏi mãi không thôi. Nỗi đau ấy khắc họa rõ nét trong cuộc đoàn tụ Hàn - Triều diễn ra vào ngày 20/8 và kéo dài đến ngày 26/8.

Chẳng ai muốn đoàn tụ chỉ vỏn vẹn mấy tiếng rồi phải chia ly con cái mãi mãi. Thậm chí đến lúc nhắm mắt xuôi tay cũng không được nhìn thấy đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Nhưng chuyện ấy vẫn cứ xảy ra trong cuộc đoàn tụ Hàn - Triều. Có những người mẹ gần đất xa trời buộc lòng phải xa các con mà mình yêu thương bởi thời gian đoàn tụ ngắn ngủi. Họ chấp nhận và rồi đau đến thắt tim khi lên chuyến xe tiễn biệt.

Cụ Lee trong cuộc họp báo về lần đoàn tụ Hàn - Triều diễn ra vào ngày 20-26/8.

Đợt đoàn tụ diễn ra từ ngày 20-26/8 tại khu du lịch nghỉ dưỡng núi Kumkang trên lãnh thổ Triều Tiên đã khiến nhiều người vô cùng xúc động. Cuộc đoàn tụ khiến thấm đẫm nước mắt về tình mẫu tử, tình thân trong gia đình.

Được biết, ban đầu có hơn 57.000 người Hàn Quốc đã đăng ký lên chính phủ, hy vọng có cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với những người thân yêu của họ.

Tuy nhiên, cuộc lựa chọn người tham gia lại chỉ được tính bằng máy và tỉ lệ được chọn có 0,16% tức là chỉ 93 người Hàn Quốc và 88 người Triều Tiên được chọn cho cuộc đoàn tụ sắp tới.

Nhiều người đã bất lực đau đớn vì tính khốc liệt trong cách chọn lọc này bởi họ đã đến tuổi gần đất xa trời, thời gian gặp bị lùi lại tương đương với cơ hội đoàn tụ trở nên hiếm hoi. Có người cho đến lúc chết vẫn không thể gặp lại gia đình. Nỗi đau chia ly khiến người dân hai miền Nam - Bắc Triều Tiên không thể nguôi ngoai.

Trong số những người được chọn lựa ấy có bà cụ 92 tuổi, cụ Lee Keum Seom. Câu chuyện của cụ đã khiến hàng triệu người đọc rơi nước mắt vì đau đớn. Ngày 20/8 là ngày cụ mong chờ nhất, vì cụ sẽ gặp được con trai 72 tuổi của mình.

Vật mà cụ muốn mang đến cho con trai chính là một chiếc mũ mới. Đã 68 năm trôi qua, kể từ khi con trai 4 tuổi, cụ đã không được gặp mặt con. Cụ kể, năm Sang Chol lên 4 tuổi, cậu bé cùng cha mẹ và em gái đi về phía nam, chạy trốn khỏi tiền tuyến khi Chiến tranh Triều Tiên đang ở những ngày đầu.

Cụ Kim và con gái khi chưa chia cắt.

Hàng trăm nghìn người khác cũng đang cố gắng chạy trốn. Không may mắn, cụ và con gái mất dấu chồng cùng con trai. Không kịp chờ đợi, 2 mẹ con tiếp tục đi về phía nam, hòa vào dòng người tị nạn vượt qua khu vực ngày nay đã trở thành khu phi quân sự. Mãi đến sau đó, cụ mới phát hiện ra rằng chồng và con trai cụ vẫn ở phía bên kia của đường phân chia, tức Triều Tiên ngày nay.

Từ lúc lạc mất chồng và con, cụ đã ôm con gái đứng trên một tảng đá và khóc mất một năm trời vì nhớ thương con trai. Nỗi đau đớn ấy, bất cứ người làm mẹ nào cũng đều thấu hiểu. Những tưởng mãi mãi không được gặp con trai, vậy mà ở tuổi 92 cụ mới được chọn lựa để đi gặp người thân vào ngày 20/8. Cụ chỉ muốn mua 1 cái mũ mới và ôm chặt con trai vào lòng. Nỗi đau của người mẹ 92 tuổi gặp con ở tuổi 72 đã khiến rất nhiều người nghẹn ngào đau đớn.

Cũng giống như cụ Lee, một người mẹ khác là bà Kim cũng kể lại câu chuyện gặp con gái của mình. Cách đây 3 năm, cụ Kim Hyun Sook, 91 tuổi đã được đoàn tụ với con gái của mình. Ban đầu, cụ không thể tin vào tai mình và tưởng bị lừa nhưng không ngờ đó lại là sự thật khiến cụ vừa mừng vừa buồn.

Một người đàn ông đang nhìn về quê cũ.

Được biết, mỗi cuộc gặp sẽ chỉ vỏn vẹn vài tiếng dưới sự giám sát chặt chẽ của những người lính Triều Tiên thực sự đã khiến họ càng thêm đau khổ và day dứt. Nói về nỗi buồn, cụ Kim tâm sự: "Khi thời gian kết thúc, tôi buông tay con gái và đi lên xe buýt. Khoảng khắc ngồi trên xe, tôi không thể nói bất cứ lời nào”.

Dù muốn gặp con gái thêm nhiều lần nữa nhưng không phải dễ để có một cơ hội đoàn tụ nên cụ Kim đau lòng tâm sự rằng, có lẽ đến lúc chết, cụ vẫn không được gặp con gái của mình.

Trong cuộc đoàn tụ Hàn - Triều, có rất nhiều cuộc gặp đẫm nước mắt về tình mẫu tử, tình cha con, tình vợ chồng, tình anh em ruột thịt. Những câu chuyện ấy khiến nhiều người xót xa và đớn đau mãi về sự chia ly trong mỗi cuộc chiến tranh.

Đỗ Quyên (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/bon-phuong/dam-nuoc-mat-canh-me-gia-chi-mong-gap-lai-con-truoc-khi-chet-trong-cuoc-doan-tu-han-trieu-20180820093747518.htm