Dám nghĩ, dám làm để sản xuất giỏi

Dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi, nhiều nông dân đã thành công với các mô hình kinh tế, qua đó nâng cao thu nhập cho gia đình, trở thành nông dân sản xuất giỏi.

Anh Phùng Minh Vũ (ấp Tân Giao, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) chăm sóc vườn lan.

Anh Phùng Minh Vũ (ấp Tân Giao, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) chăm sóc vườn lan.

Anh Nguyễn Văn Thông (thôn Quảng Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) được nhiều người địa phương biết đến như một điển hình về nông dân dám nghĩ, dám làm, biết vận dụng kinh nghiệm, áp dụng KH-KT vào sản xuất và thu được hiệu quả cao.

Gia đình anh Thông có 1ha đất trồng điều. Trước năm 2010, vườn điều mang lại cho gia đình anh nguồn thu ổn định. Tuy nhiên, từ năm 2010, giá hạt điều giảm mạnh. Sau những ngày trăn trở, suy nghĩ tìm hướng đi mới, anh Thông quyết định thay thế vườn điều bằng vườn tiêu. Quan sát thấy nhiều vườn tiêu trong vùng bị chết cây, hiệu quả thấp, anh Thông tìm hiểu nguyên nhân để rút kinh nghiệm cho mình. Theo đó, trước khi trồng, anh đào hố sâu tối thiểu 50cm, rộng 50cm rồi dùng vôi bột trộn vào đất để diệt trừ mầm bệnh. Khi cây tiêu lớn lên phải theo dõi kỹ từ lá, thân đến rễ cây để kịp thời phát hiện và xử lý sớm các mầm bệnh. Nhờ áp dụng KH-KT vào trồng, chăm sóc cây tiêu cũng như các phương pháp phòng trừ sâu bệnh mà vườn tiêu của anh Thông phát triển tốt, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Anh Nguyễn Văn Thông (thôn Quảng Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) chăm sóc vườn tiêu của gia đình.

Khi vườn tiêu đã ổn định, đầu năm 2016, anh Thông mạnh dạn đầu tư hơn 30 triệu đồng để nuôi dê nhằm tận dụng nguồn thức ăn từ nọc sống cây tiêu, đồng thời dùng chất thải của dê để bón cho cây tiêu, giúp cây sai hạt và cải tạo đất. Mô hình trồng tiêu kết hợp nuôi dê của gia đình anh Thông cho lãi gần 200 triệu đồng/năm. Năm 2019, giá tiêu giảm nhưng mô hình kinh tế của gia đình anh vẫn bảo đảm nguồn thu đạt hơn 100 triệu đồng.

Với anh Nguyễn Tiến Công (ấp An Phước, xã An Ngãi, huyện Long Điền) lại là sự mạnh dạn trong chuyển đổi sang chăn nuôi. Do không có nhiều đất để sản xuất nên dù chịu khó làm lụng, gia đình anh Nguyễn Tiến Công cũng chỉ đủ chi tiêu, không có khoản để dành. Năm 2015, được “Quỹ hỗ trợ nông dân” huyện Long Điền cho vay 30 triệu đồng, anh Công mượn thêm người thân để mua 4 con bò cái về nuôi. Mỗi khi Hội Nông dân xã An Ngãi mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng, chống bệnh dịch trên gia súc, anh Công đều sắp xếp thời gian tham dự. Kiến thức học được, anh áp dụng vào thực tiễn nên đàn bò của gia đình luôn khỏe mạnh, mỗi năm sinh sản thêm 3-4 con bê. Hiện nay, đàn bò của gia đình anh đã phát triển lên 9 con, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Hội Nông dân tỉnh có 60 cơ sở Hội xã, phường, thị trấn với 73.081 hội viên. Từ năm 2005 đến nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã vận động 6.989 hộ nông dân khá đóng góp hơn 21 tỷ đồng cho “Quỹ hỗ trợ nông dân”, giúp 15.310 hộ nông dân nghèo vay để phát triển kinh tế. Bên cạnh việc tập huấn, hỗ trợ về kỹ thuật, từ năm 2014 đến nay, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp tổ chức hơn 240 lớp dạy nghề cho hơn 4.600 lượt hội viên. Qua đó, 4.544 người có việc làm ổn định.

Trên thực tế, việc hỗ trợ từ chính quyền, Hội Nông dân các cấp về vốn, kỹ thuật, con giống thì bản thân người nông dân phải chủ động tìm phương thức phù hợp với điều kiện của bản thân, gia đình để phát triển sản xuất đúng hướng. Như trường hợp anh Phùng Minh Vũ (ấp Tân Giao, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức). Trước năm 2015, gia đình anh Vũ chỉ trồng các loại cây hoa màu cho giá trị kinh tế thấp trên 300m2 đất sản xuất nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề trồng hoa, cây cảnh do Hội Nông dân xã Láng Lớn tổ chức năm 2015, anh Vũ mạnh dạn trồng 4.000 chậu lan ngọc điểm. Hiện nay, trung bình mỗi năm, anh Vũ cung cấp ra thị trường gần 1.500 chậu lan chất lượng cao, thu lãi gần 250 triệu đồng/năm.

Ông Trần Văn Mảng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động giúp nông dân phát triển sản xuất thông qua hình thức hỗ trợ vốn vay ưu đãi; tổ chức cho nông dân tham quan các mô hình kinh tế mới, có hiệu quả; chuyển giao kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề nông nghiệp cho nông dân. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng triển khai sâu rộng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”. Nhờ đó, nông dân có kiến thức, vốn, kỹ thuật và động lực phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/201912/dam-nghi-dam-lam-de-san-xuat-gioi-887798/