Đậm nét văn hóa biển bên dòng Bạch Đằng giang

Quảng Yên quê tôi là dải đất chạy dọc đôi bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, nơi có những con người bao đời nay thấm trong mình nét văn hóa miền biển. Những phong tục, tập quán, lễ hội, các di sản tín ngưỡng và cả những hoạt động sản xuất của cư dân Bạch Đằng còn lưu giữ và phát huy cho đến tận ngày nay, đủ để vẽ nên bức tranh mà ở đó văn hóa biển là chủ đạo, đậm nét.

Thi đan lưới tại lễ hội cầu ngư Tân An (TX Quảng Yên). Ảnh: Ánh Tuyết (Trung tâm TT-VH Quảng Yên)

Thi đan lưới tại lễ hội cầu ngư Tân An (TX Quảng Yên). Ảnh: Ánh Tuyết (Trung tâm TT-VH Quảng Yên)

Theo sử sách, từ đời Trần, mạn bờ phía bắc sông Bạch Đằng dân cư đã sinh sống đông đúc; nhà Trần đã lập các đồn canh để duy trì trật tự, đảm bảo cuộc sống của người dân bản địa. Cuộc chiến chống giặc phương Bắc nổ ra, trong đó trận địa cọc trên cửa sông Bạch Đằng của tướng quân Trần Quốc Tuấn, theo giới sử học là không thể không có sự tham gia, hỗ trợ, chứng kiến của người dân bản địa. Như một lẽ tự nhiên, “Hào khí Đông A”, tinh thần “Sát Thát”, kinh nghiệm thủy chiến và hình ảnh thủy binh Bạch Đằng thấm vào họ, truyền từ đời này sang đời khác. Cho đến tận bây giờ, người dân vùng Bạch Đằng giang vẫn luôn kiên gan sẵn sàng đương đầu với khó khăn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đến thăm miếu Vua Bà thuộc cụm di tích Bạch Đằng, cùng với lòng tự hào về một trận đánh lịch sử, một chiến lược quân sự tài tình của dân tộc, không ai là không nể trọng, biết ơn một bà hàng nước đã mách tướng quân Trần Quốc Tuấn lịch con nước, góp phần làm nên chiến thắng. Nhân vật bà hàng nước trong lịch sử ấy có thể là thật, có thể hư cấu, nhưng chắc chắn đó phải là sự hiện thân, hình bóng, tham góp của người dân bản địa, thể hiện tinh thần của cư dân bên bờ sông Bạch Đằng.

Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên) được tổ chức hằng năm, thu hút hàng chục nghìn người tham gia.

Khoảng thế kỷ XV, sau khi những người con kinh kỳ Thăng Long xuống khai hoang, lập ấp, mạn bờ phía Nam sông Bạch Đằng bắt đầu có nhiều người ở. Quá trình phát triển dân số, hình thành làng, xã ở nơi này gắn liền với các hoạt động quai đê, lấn biển, làm thủy lợi…, từ đó hun đúc nên truyền thống chinh phục tự nhiên, mà ở đây là chinh phục biển cả. Chiều dài lịch sử ấy giúp cho vùng đất, con người Hà Nam (TX Quảng Yên) thấm đượm nét văn hóa biển với các sinh hoạt văn hóa hát đúm, hò biển; lễ hội Tiên Công; nghề truyền thống khai thác thủy sản, đóng tàu bè, thuyền nan, đan lát lưới, ngư cụ…

Hát đúm ở Hà Nam bản chất là lối hát giao duyên của trai gái trong lúc lao động sản xuất, nhất là khi quai đê, lấn biển hoặc khai thác thủy sản trên biển. Những người dân Hà Nam yêu mến nghệ thuật truyền thống, bao đời gìn giữ hát đúm để đến ngày nay, các nghệ nhân hát đúm vẫn biểu diễn được những bài hát lời cổ, lối hát cổ. Đáng mừng hơn hiện nghệ thuật hát đúm đã và đang được nhân rộng, phát triển trong giới trẻ, thông qua các câu lạc bộ hát đúm.

Lễ hội Tiên Công được tổ chức từ ngày 5-7 tháng Giêng tại xã Cẩm La. Lễ hội độc đáo, với hồn cốt là hoạt động rước người (cụ Thượng), gắn liền với tín ngưỡng của người dân vùng biển. Người được rước là các cụ Thượng thọ (tuổi 80, 90, 100…), được đại diện dòng họ, con cháu tạ ơn các vị tiên công có công khai hoang, lấn biển, lập ấp, đắp đê, trị thủy, để cổ vũ tinh thần chinh phục thiên nhiên của hậu thế…

Các nghệ nhân CLB hát đúm Quảng Yên truyền dạy kỹ năng hát đúm cho lớp trẻ. Ảnh: Huỳnh Đăng

Cùng với lễ hội Tiên Công, lễ hội Cầu ngư (phường Tân An) mang nét đặc trưng văn hóa biển, nơi mà người dân Bạch Đằng giang gửi vào đó sự tri ân các vị thần biển, cũng như nỗi niềm, mong ước một năm mưa thuận gió hòa, một mùa bội thu. Trong lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, trong đó tiêu biểu nhất là các hoạt động đua thuyền và thi đan lưới…

Từ việc mang trong mình niềm tự hào là cư dân vùng đất lịch sử Bạch Đằng, cộng với những kinh nghiệm trị thủy, làm chủ ngư trường, người dân vùng đất Bạch Đằng giang từ xưa đến nay luôn xung phong đi khai mở các vùng biển mới, tạo lập nên những làng biển ở Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà, Móng Cái… Ngày nay, người dân đôi bờ Bạch Đằng giang còn tự tin phát triển nghề truyền thống khai thác thủy sản vươn khơi, đánh bắt xa bờ, trên những con tàu lớn, hiện đại.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201907/dam-net-van-hoa-bien-ben-dong-bach-dang-giang-2447917/