Đam mê – truyện ngắn của LÊ TRƯƠNG THÚY DIỄM
Tiếng xe dừng trước một lối nhỏ hai bên phủ đầy cỏ dại. Đã mấy năm từ ngày ba má rời quê lên phố, lần đầu tiên Khang được trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Vừa bước xuống xe, Khang như bị cuốn hút bởi những điều quen quen, lạ lạ. Phía đông, mặt trời lấp lánh những tia nắng đầu ngày. Tiếng chim chóc ríu rít trên ngọn cây hòa với tiếng gà gáy sớm tạo nên một thanh âm dân dã diệu kỳ. Một làn gió thoảng qua mang theo hương thơm của đồng nội, của lúa hè thu chớm mùa trổ bông.
Có tiếng chuông điện thoại reo, là số máy quen thuộc của má. Như biết chắc câu hỏi ở đầu dây bên kia nên vừa áp màn hình lên tai, Khang đã nhanh chóng trả lời:
- Con vừa đến nơi má ạ!
Chẳng rõ đầu dây bên kia má dặn dò điều gì mà Khang dạ liên hồi. Cuộc gọi kết thúc bằng một câu nói đùa và nụ cười hiếu thuận của Khang:
- Khi nào ông bà hết gạo thì con sẽ về, má ạ!
Chiếc ba lô trên vai Khang lách luồn theo lối nhỏ. Sương sớm phơi mình trên cỏ hoa, lấp lánh như từng hạt ngọc mà thượng đế cố tình đánh rơi. Khang ngồi xuống trước bụi hoa xấu hổ, nghịch ngợm rung rinh những phiến lá hình lông chim khiến chúng e thẹn khẽ khép mình. Khang tranh thủ lia chiếc máy ảnh để bắt kịp những khoảnh khắc vô giá hiện diện.
Căn nhà ba gian của ông bà hiện dần ra trước mặt, hiện thực chẳng mấy đổi thay so với những gì còn trong ký ức. Men hết bờ rào bụi duối được cắt tỉa gọn gàng là đến chiếc cổng đưa lối vào nhà.
Nhè nhẹ đi vào trong, Khang muốn tạo bất ngờ cho ông bà nên qua những cuộc gọi video thường ngày, dự định về thăm quê chưa bao giờ được Khang tiết lộ. Mùi khói bếp loáng thoáng thơm lừng trong khứu giác, Khang đoán giờ này nội đang lụi cụi đun ấm nước sôi để dành pha trà. Sợ bà giật mình nên Khang gõ vào cánh cửa tôn ra hiệu.
- Đứa nào đó bay?
Bà thổi vào ống thổi lửa một hơi cho củi trong bếp nhanh bắt cháy rồi cái lưng lom khom chậm chạp xoay về hướng có tiếng động. Như chẳng thể tin vào mắt mình, bà kéo vạt áo dụi đôi mắt kèm nhèm, cố nhìn thật kỹ cậu thanh niên trước mặt.
- Tổ cha mày, thằng Khang phải không con? - Nói rồi bà gọi với ra vườn: Ông ơi, xem đứa nào đây này!
- Trời đất ơi, thằng cháu nội của tôi đây mà! Càng lớn càng giống cha như đúc. Về sao chẳng nói chẳng rằng vậy con? Ông nội nheo đôi mắt, đập hai tay lên vai Khang rồi gật đầu tấm tắc trước dáng vẻ chững chạc, rắn rỏi của đứa cháu nội.
Vậy là kế hoạch tạo bất ngờ cho ông bà của Khang thành công ngoài mong đợi. Bà nội vừa mừng, vừa tủi:
- Bao năm rồi, lần này về phải ở chơi với ông bà lâu lâu nghe con.
- Khi nào ông bà hết gạo con mới về!
Cả ba rôm rả nói cười trong không khí quây quần, sum họp. Cầm chặt tay ông bà, Khang như tự dằn vặt trách mình. Anh đã đi khắp năm châu bốn bể, hạ cánh đến bao nhiêu đất nước khác nhau, vậy mà ngay nơi mình sinh ra, đã gần chục năm rồi Khang mới sắp xếp được thời gian về lại.
* * *
Bao nhiêu năm qua, Khang đã dành tất cả vốn thời gian để toàn tâm toàn ý cho việc học tập. Tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng về kinh tế giữa lòng thành phố phồn hoa bậc nhất, Khang tiếp tục lên máy bay trở thành du học sinh tại xứ sở hoa anh đào. Ba má đã dần đến tuổi nghỉ ngơi, Khang là con trai duy nhất nên ông bà muốn cậu quý tử phải thật cứng cỏi và thông thạo trên thương trường để gánh vác cơ ngơi.
Sau hai năm làm trợ lý và cũng là khoảng thời gian để ba má truyền đạt những kinh nghiệm nghề nghiệp, Khang tự thấy bản thân là một mảnh ghép không phù hợp với bức tranh hiện thực đang dần hoàn thiện. Khang phát hiện một tâm hồn nghệ sĩ từ lâu đã ẩn nấp trong anh, nó ưa một cuộc sống phong trần lang thang đây đó để săn tìm những bức ảnh đẹp hơn là một công việc quần tây, áo vest, điều hòa.
Mới đầu, ba má buồn lắm. Ba chẳng muốn gặp Khang khi niềm hy vọng bao năm của ông bỗng chốc tan tành, còn má vì buồn mà ủ rũ lâm bệnh. Phải mất một thời gian rất lâu, cả ba người mới có thể ngồi lại, sẻ chia để lắng nghe và hiểu cho nhau. Ba miễn cưỡng chấp nhận để Khang được sống với niềm đam mê, nhưng kèm theo điều kiện. Đó là Khang phải tự kiếm tiền nuôi sống chính mình và làm những điều có ích cho ba hài lòng.
Khang vừa mừng vừa lo trước những lời dặn của ba. Anh lao đầu vào bất cứ công việc tay chân nào có thể kiếm tiền mà không phạm pháp. Công việc nặng nhọc khiến Khang mất đi dáng vẻ thư sinh ngày nào, thay vào đó là dung mạo vạm vỡ, chắc nịch. Thương con, má Khang nhiều lần lén ba gửi tiền nhưng anh nhất quyết từ chối. Vừa làm, Khang vừa tự tìm hiểu rồi mày mò học thêm kỹ năng chỉnh sửa hình ảnh bằng những phần mềm trên máy tính. Được làm điều bản thân thích phần nào giúp Khang quên đi những mệt nhoài của cuộc sống áo cơm. Nhiều tác phẩm của nhiếp ảnh gia Khang dần dần xuất hiện trong những cuộc triển lãm, chúng thu hút và gây ấn tượng trong mắt người xem.
Trong một lần lang thang trên mạng xã hội, Khang tình cờ đọc được dòng trạng thái mang nội dung tìm kiếm mộ người thân đã hy sinh thời kháng chiến. Bức ảnh hiếm hoi của người tử sĩ mờ nhòe trên gam màu trắng đen thật khó nhìn rõ. Như có luồng điện chạy qua làm Khang bật hẳn người dậy, anh sung sướng như Newton nhìn thấy quả táo rơi mà khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn. Một ý tưởng nảy ra trong trí óc. Khang liền nhắn tin cho những người bạn cùng hội nhiếp ảnh của mình, bàn về kế hoạch phục dựng di ảnh miễn phí không chỉ những tử sĩ nằm lại nơi chiến trường mà cho cả những linh hồn đã khuất thuở xa xưa.
Khang muốn chọn một nơi vừa có thể thực hiện kế hoạch, vừa có đủ điều kiện để anh dành thời gian thanh lọc lại chính mình. Hai từ “về quê” lần đầu tiên hiện diện rõ rệt trong tâm trí. Đúng, bản chất bình yên và thuần khiết của làng quê chắc chắn là liều thuốc tinh thần tốt nhất cho Khang. Anh hứa với lòng sẽ đáp đền bằng toàn bộ tâm huyết và khả năng mình có được.
* * *
Ông bà nội vô cùng bất ngờ và hết lòng ủng hộ kế hoạch của đứa cháu. Ông đưa Khang đến gặp bác Sơn trưởng thôn để nhờ bác liên hệ với địa phương hỗ trợ thông tin đến những gia đình có nhu cầu phục dựng di ảnh. Những ngày đầu, chẳng mấy ai ngó ngàng đến tấm lòng của Khang. Nỗi buồn thẳm sâu trong đôi mắt, nhưng niềm hy vọng vẫn cháy mãi trong anh. Ông bà cũng bồn chồn, thay nhau động viên đứa cháu:
- Cứ từ từ con ạ, trời sẽ không phụ lòng người!
Hai tuần trôi qua. Như thường lệ, Khang dậy từ sớm để phụ bà nấu nước, quét dọn. Đang lúi húi trước sân, Khang trông thấy một cụ bà độ chừng ngoài bảy mươi, đã ngồi ở cổng tự khi nào. Vừa thấy Khang, cụ vội vàng đứng dậy:
- Cậu là người phục dựng hình ảnh chi đó mà mấy hôm nay người ta phát trên loa truyền thanh phải không?
- Dạ, cháu mời bà vào nhà! Khang vừa nói vừa lễ phép dắt tay cụ.
- Tôi có đứa con gái đi thanh niên xung phong rồi mất biệt chẳng trở về. Bao nhiêu năm tôi cố tìm cho bằng được phần mộ của con để có chút khói hương mà vô vọng, duy có tấm hình mà nay cũng mờ đi. Cậu ráng giúp giùm để mai mốt khi tôi không còn, lớp trẻ trong nhà còn biết hình, biết mặt.
Khang đón lấy tấm ảnh từ cụ, chân dung một thiếu nữ độ chừng mười bảy, mười tám tuổi, đã bị thời gian bào mòn, nhòe nhoẹt phân nửa. Khang hẹn khi nào xong sẽ mang đến tận nhà để cụ khỏi phải đi lại xa xôi. Niềm vui như trở lại trong Khang, anh lao ngay vào màn hình máy tính. Chỉ trong một giờ đồng hồ, một tấm chân dung mới được dựng lên, sắc nét và giống hệt người thiếu nữ trong ảnh.
Không chần chừ, anh lồng tấm chân dung vào khung tranh rồi mang ngay đến nhà cụ. Cụ bà xúc động ôm tấm ảnh vào lòng, sụt sùi vì hạnh phúc.
Từ hôm đó, nhà ông bà Khang lúc nào cũng có nhiều người lui tới kể cả quen lẫn lạ. Nhiều trường hợp không có di ảnh của người quá cố mà chỉ qua những lời mô tả của người thân, Khang vẫn cố gắng dựng lại chân dung sao cho gần nhất với ký ức người kể. Số lượng ảnh ngày một dày lên, Khang phải làm cả ngày lẫn đêm và tìm sự trợ giúp từ xa của bạn bè cùng nhóm.
* * *
Ba tháng trôi qua, một chiếc ô tô chầm chậm dừng lại trước cổng nhà. Những vị khách đặc biệt từ trên xe bước xuống khiến Khang lẫn ông bà nội đều bất ngờ đến xúc động. Đó là ba má, cả anh chị hai và vài người bạn trong hội nhiếp ảnh.
Ba vừa nói vừa đập hai tay lên vai Khang tấm tắc gật gù, giống hệt cái cách của ông nội mấy tháng trước. Khang ngỡ ngàng trong hạnh phúc, bởi đây là lần đầu tiên ba bày tỏ sự hài lòng về việc anh làm.
Thì ra ba đọc được trên báo một bài viết về việc làm ý nghĩa của cậu con trai. Những chia sẻ chân thành của Khang trên bài phỏng vấn đã làm mềm đi sự nghiêm khắc và cơn giận âm ỉ bấy lâu của ba. Sự căng thẳng giữa hai cha con tan biến, bữa cơm sum vầy giữa chốn quê trở nên ấm áp vô ngần. Lần đầu tiên, Khang cảm thấy thoải mái khi cầm máy ảnh ghi lại khoảnh khắc đẹp đẽ giữa những người thân yêu.