Đam mê sống xanh

Từ bỏ mức lương 2.000 USD/tháng tại doanh nghiệp nước ngoài, Nguyễn Minh Châu khởi nghiệp cùng ống hút cỏ bàng với mong muốn chung tay bảo vệ môi trường

Với cô gái trẻ Nguyễn Minh Châu, CEO Công ty TNHH YNI (quận 2, TP HCM), ống hút cỏ bàng không chỉ là niềm đam mê mà còn là niềm tự hào khi sản phẩm công ty có mặt trên nhiều quốc gia trên thế giới. Khởi nghiệp xanh, một hướng đi đầy thử thách nhưng Châu cảm thấy vui với những gì công ty mang lại và lợi ích của sản phẩm đối với môi trường.

Thích chinh phục thử thách

Năm 2008, tốt nghiệp trung cấp kế toán tại Đà Nẵng, Châu quyết định "khăn gói" vào TP HCM để tìm công việc phù hợp. "Với kiến thức kế toán học được cùng vốn tiếng Anh gần như bằng không, tôi chật vật khi xin việc tại TP HCM. Tôi nghĩ mình dở chỗ nào phải bắt đầu bằng chỗ ấy. Tôi quyết định lên mạng tìm những bạn làm kế toán giống mình để lập nhóm học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Ban đầu nhóm chỉ có vài người rồi nhiều dần lên, tôi quyết định mở trung tâm anh ngữ dành cho người đi làm nhưng yếu ngoại ngữ mang tên "Yes, English".

Nguyễn Minh Châu khởi nghiệp cùng ống hút cỏ bàng

Nguyễn Minh Châu khởi nghiệp cùng ống hút cỏ bàng

Trung tâm của Châu được rất nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP HCM ủng hộ, hỗ trợ mặt bằng, điện nước và cho nhân viên đi học. Trung tâm nhanh chóng lớn mạnh với 8 chi nhánh khắp các quận, huyện tại TP. Tại các trung tâm anh ngữ, Châu không chỉ học được ngoại ngữ mà còn kiến thức chuyên ngành về kế toán, kiểm toán. Từ một người chỉ "bập bẹ" về ngoại ngữ, Châu đã có thể phiên dịch, dịch thuật chuyên ngành kế toán, kiểm toán cho các DN nước ngoài.

Năm 2018, tình cờ cô gái trẻ đọc được thông tin của một doanh nhân người Hungary tìm kế toán giỏi tiếng Anh để mở một DN xuất khẩu ống hút cỏ bàng xuất khẩu ra thế giới. Châu ứng tuyển và là người làm tất cả giấy tờ, thủ tục thành lập công ty đến tận vùng Long An tìm cỏ bàng, rồi lên huyện Củ Chi, TP HCM mở nhà xưởng.

Trong những ngày lặn lội xem từng cây cỏ bàng đến tự tay cắt, sấy và nhìn thấy từng chiếc ống hút được hình thành, Châu cảm thấy say mê với công việc này. Cô mạnh dạn đến xin sếp chuyển từ người làm công sang đối tác hợp tác, phụ trách thị trường Việt Nam. Cô bỏ ngang công việc kế toán cho một DN nước ngoài đang làm với mức lương 2.000 USD/tháng để lao vào niềm đam mê mới. Châu dốc hết số tiền 1 tỉ đồng sau 10 năm dành dụm để hùn vốn vào công ty với niềm đam mê cháy bỏng sống xanh và làm cái gì đó để bảo vệ môi trường, xây dựng một hành tinh xanh cho thế hệ tương lai.

Gần gũi với thiên thiên

Để tạo ra một chiếc ống hút cỏ bảng đòi hỏi người làm kỳ công và sự tỉ mỉ, nhẹ nhàng. Cây cỏ bàng được trồng từ vùng đất phèn Long An từ 16-18 tháng mới đủ tiêu chuẩn thu hoạch. Cỏ bàng sau khi thu hoạch được tuyển chọn để đưa về nhà máy sản xuất tại Củ Chi. Công nhân (CN) rửa sạch phèn, dùng lưỡi lam cắt lam cắt từng đoạn 20 cm, dùng ống tre thông ống và cuối cùng là sấy khô.

Ống hút sấy khô có thể bảo quản được 12-16 tháng. Châu kể: "Mỗi cây cỏ bàng dài 1,8 đến 2 m nhưng chỉ lấy được 3 đoạn, phần còn lại không đạt chuẩn phải bỏ đi. Chưa kể trong quá trình rửa, cắt, thông ống, ống hút dễ bị hư hại, dập nát nên chúng tôi thường đùa với nhau phải nâng từng chiếc ống hút như nâng trứng, hứng như hứng hoa". Xưởng đang có 35 CN người địa phương làm việc, đa số là lao động nữ.

Ống hút cỏ bàng đảm bảo vệ sinh vì quá trình thu hoạch, cắt, rửa, sấy không có chất bảo quản nào. Khi bỏ vào đồ uống nóng hoặc lạnh, ống hút cỏ bàng không bị biến dạng hay thay đổi màu sắc. Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Chủ nhà hàng chay Bông Súng (quận 1, TP HCM) chọn ống hút cỏ bàng để phục vụ nước uống cho khách. Chị Tuyền nhận xét: "Khách đến với quán rất thích chiếc ống hút bằng cỏ bàng tươi. Ống hút cỏ bàng màu sắc bắt mắt lại thân thiện với môi trường. Tôi cũng tự hào về việc góp một phần nhỏ vào việc bảo vệ môi trường".

Nguyễn Minh Châu với sản phẩm ống hút cỏ bàng do công ty sản xuất

Hiện ống hút cỏ bàng của Công ty TNHH YNI đã có mặt tại Nhật, Đức, Úc, Hungary. Tại thị trường Việt Nam, ống hút cỏ bàng của Châu đã có mặt tại 15 chuỗi nhà hàng, quán cà phê. "Hiện ống hút cỏ bàng của công ty có giá 280 đồng/ống, vẫn rất cao hơn ống hút nhựa nên vẫn chưa được nhiều quán nước, cửa hàng cà phê tiện dụng sử dụng. Hơn 90% sản phẩm của công ty là xuất ra nước ngoài. Chúng tôi đang cố gắng để đưa máy móc, công nghệ vào sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, để tiếp cận với khách hàng nhiều hơn"- Châu chia sẻ.

Cô gái trẻ còn ấp ủ dùng phần bỏ đi của cây cỏ bàng để làm những chiếc quai xách cho các tiệm cà phê mang đi, thay thế chiếc quai nhựa hiện nay. Không chỉ vậy, Châu còn có kế hoạch đưa vào sản xuất ống hút cỏ lau để tiếp cận với các tiệm trà sữa tại Việt Nam vì hiện nay ống hút cỏ bàng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu các món uống có thạch, trân châu.

Theo số liệu của hiệp hội bảo tồn Đại Dương, Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia hàng đầu thế giới thảy rác nhựa ra đại dương. Trong số rác nhựa, ống hút nhựa sử dụng một lần trở thành thảm họa môi trường của Việt Nam và thế giới. Vì thế, sản phẩm thay thế như ống hút tre, ống hút cỏ bàng… đang được khuyến khích.

Bài và ảnh: Hồng Đào

Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/chuyen-trang-phu-nu/dam-me-song-xanh-20210416153827702.htm