Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Gần 20 năm gắn với sự nghiệp báo chí và Sinh Vật Cảnh

Từ một cơ duyên ngay từ những năm đầu đang học đại học vào năm 1999, anh Vương Xuân Nguyên đã gặp Nhà báo lão thành Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN. Kể từ đó đến nay, anh theo đuổi và gắn trọn đam mê theo nghề báo và sự nghiệp Sinh Vật Cảnh.

Nhà báo Vương Xuân Nguyên,Trưởng Ban Biên tập Diễn đàn Văn hóa & Đời sống; Diễn đàn Đời sống & Phát triển

Nhà báo Vương Xuân Nguyên,Trưởng Ban Biên tập Diễn đàn Văn hóa & Đời sống; Diễn đàn Đời sống & Phát triển

Một cơ duyên hiếm có đã thay đổi cuộc đời

Kể từ buổi gặp Nhà báo Đỗ Phượng, khi anh đang đi gia sư cho một gia đình người thân, anh đã được nhà báo Đỗ Phượng hướng nghiệp với lời nhắn nhủ mà cho đến tận bây giờ anh vẫn nhớ như in: "Ngoài thời gian đi học, đi làm gia sư, cháu có thể đến Văn phòng làm việc riêng của chú tại 33 Lê Thánh Tông, Hà Nội, chú sẽ hướng dẫn cháu viết báo và tìm hiểu về hoạt động Sinh Vật Cảnh. Bằng cách đó, sau khi ra trường cháu có thể sẽ vững vàng hơn trong cuộc sống...".

Vậy là ngoài thời gian học tại Học viện Ngân hàng, đi dạy gia sư cho con gái một người cô đồng hương, anh Vương Xuân Nguyên thường qua lại Văn phòng làm việccủa nhà báo Đỗ Phương. Tại đây, anh được nhà báo Đỗ Phượng hướng dẫn viết báo và tìm hiểu về hoạt động Sinh Vật Cảnh. Cậu bé nhà quê ngơ ngác và còn vụng về trong cách ăn mặc, giao tiếp đã được Nhà báo Đỗ Phượng chỉ dạy từng ly từng tý.

Nhà báo Đỗ Phượng cũng không ngần ngại giới thiệu anh làm giao liên cho mình để anh có cơ hội tiếp xúc với một số nhà báo, nhà hoạt động cách mạng khác cũng đang tham gia hoạt động Sinh Vật Cảnh như: Đồng chí Nguyễn Văn Trân - nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, nguyên Bí Thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam; Giáo sư Vũ Khiêu - Nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN; Nhà báo Hoàng Tùng - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân; Nhà báo Trần Lâm - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Việt Nam Hương Sắc; Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam); Đồng chí Tráng A Pao - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam...

Nhà báo Vương Xuân Nguyên lưu niệm bên Giáo sư Vũ Khiêu và nhà báo Nguyễn Ngọc Châu năm 2003

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2002 với kết quả xuất sắc ở học kỳ cuối, anh Vương Xuân Nguyên đã từ chối lời mời làm việc tại Victoria Hotels & Resorts Sapa với mức lương khởi điểm là 270 USD để được tiếp tục làm những công việc thời sinh viên cùng nhà báo Đỗ Phượng. Để có kinh phí trang trải cuộc sống, nhà báo Đỗ Phượng cùng người cô họ đã sắp xếp cho anh làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Sinh Vật Cảnh Việt Nam. Cũng trong giai đoạn này, anh chính thức làm công tác báo chí với Nhà báo Đỗ Phượng ở Tạp chí Việt Nam Hương Sắc. Với anh, việc gặp gỡ Nhà báo Đỗ Phượng ngay từ những năm đầu ra Thủ đô học đại học là một cơ hội thay đổi cuộc đời, một cơ duyên hiếm có giúp anh nhận ra giá trị của mình khi gắn bó với nghề báo và sự nghiệp Sinh Vật Cảnh những năm tiếp theo.

Nhà báo Vương Xuân Nguyên có cơ duyên gần gũi, giúp việc nhiều nhà văn hóa, cây viết lớn trong làng báo

Nhận xét về cơ duyên hiếm có ảnh hưởng đến sự nghiệp của Nhà báo Vương Xuân Nguyên, GS. TSKH Trần Duy Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hợp tác KHKT Châu Á Thái Bình Dương nhận xét: "Chính những năm tháng được gần gũi nhiều bậc lão thành cách mạng, nhà báo, nhà văn hóa, nhà khoa học và nhiều nhân sĩ trí thức tiêu biểu đã giúp Nhà báo Vương Xuân Nguyên không chỉ có nguồn tư liệu phong phú, phương pháp luận khoa học, cách tiếp cận và giải quyết các vấn đề có liên quan bằng nhãn quan chính trị sắc bén. Điều này trở nên rất quan trọng để tạo nên sức nặng, sự thuyết phục, sức hấp dẫn và tính chiến đấu trong mỗi bài viết sau này của Nhà báo Vương Xuân Nguyên. Tiêu biểu như các bài viết: Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp Trồng cây và Trồng người; Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ mãi mãi soi đường chúng ta đi; Bác Hồ với Tết Trồng cây năm Kỷ Hợi 60 năm về trước; Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người anh cả của Quân đội còn sống mãi trong lòng dân và nhân loại yêu chuộng hòa bình!; Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với ngành Sinh Vật Cảnh; Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải với ngành Sinh Vật Cảnh Việt Nam; Giáo sư Hoàng Tụy: Một trí thức lỗi lạc, một kẻ sĩ nặng lòng với nước với dân; Nữ sĩ Sầm Phố: Mẫu thân của hai nhà trí thức tiêu biểu Việt Nam; Vĩnh biệt người thầy mẫu mực, nhà khoa học uyên bác - GS, NGND Phan Huy Lê; Giáo sư Đào Duy Anh: Từ chí sĩ cách mạng yêu nước đến học giả lỗi lạc; Quan niệm về xin và cho chữ đầu xuân của một nhà nho trường thọ; Những kỷ niệm với cụ Cù Văn Chước "Một người con tinh thần của Bác Hồ; Một vài kỷ niệm về đồng chí Nguyễn Văn Trân; Nhớ Nhà báo, Đại tá Nguyễn Ngọc Châu: Người học trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một tâm hồn yêu thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh; Đức vua tôn kính Bhumibol Adulyadej trong lòng người dân Thái Lan...".

Nhà báo Vương Xuân Nguyên có một thời gian dài giúp việc nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam Nguyễn Văn Trân

Phát triển Sinh Vật Cảnh trở thành một ngành kinh tế Sinh thái

Sinh Vật Cảnh vốn được biết đến là một thú chơi văn hóa có lịch sử phát triển lâu đời gắn với lối sống hòa đồng với thiên nhiên của người Việt được trao truyền qua bao thế hệ. Nhưng thú chơi đó, trong thời đại Hồ Chí Minh đã phát triển dưới góc độ khoa học, môi trường, kinh tế, xã hội thiết thực. Ngay những năm 60 của Thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào Tết Trồng cây với tư cách một cuộc cách mạng cảnh quan, thiên nhiên và môi trường sinh thái góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Để rõ hơn những nội hàm của phong trào giàu ý nghĩa nhân văn này theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà báo Đỗ Phượng cùng lãnh đạo Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam khi đó đã cử anh Vương Xuân Nguyên gần gũi giúp việc cụ Cù Văn Chước, một người giúp việc Bác Hồ suốt 15 năm tại Phủ Chủ tịch để sưu tầm lại những tư liệu có liên quan, cũng như ghi chép lại những câu chuyện có liên quan đến việc trồng, chăm sóc, và chữa bệnh cho cây của Bác Hồ.Trong khoảng thời gian từ năm 2003 - 2006, cụ Cù Văn Chước đã tập trung hướng dẫn anh sưu tập tài liệu có liên quan đến phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động những năm 1960.

Trong đó, nhà báo Vương Xuân Nguyên hệ thống lại: "Khi nói đến Bác, chúng ta đều cảm nhận một điều rất sâu sắc đó là sự hòa đồng với thiên nhiên, gần gũi với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, đó như lẽ sống tự nhiên của Bác. Những ai đã từng được nghe, được đọc những mẩu chuyện do Bác kể, những tài liệu do Bác viết, thì ngay từ thuở ấu thơ đến thời trai trẻ ở trong nước đến khi bôn ba khắp các châu lục, cảnh quan thiên nhiên nơi Bác từng sống vẫn ẩn sâu trong tâm trí Bác gắn liền với đời sống con người nơi đó. Về nước sau 30 năm xa cách, ta đã biết Bác xúc động thế nào khi đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất quê hương, đất nước. Và rất dễ hiểu khi Pắc Bó hiện lên núi Các Mác, suối Lê – nin. Cảnh sắc thiên nhiên đã được Bác gửi gắm hoài bão, ý tưởng cách mạng của mình. Trong thời gian hoạt động bí mật cũng như trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác đều yêu cầu các đồng chí chọn cho Bác nơi ở và làm việc gần rừng, gần suối và cũng không được xa cách với đồng bào. Khi ở chiến khu Việt Bắc, lán Bác ở, nhà họp của Bác đều gắn với khung cảnh thiên nhiên nơi đó. Có đất để trồng cây, trồng rau. Ngay bãi bóng chuyền, nơi tập thể dục cũng không ngoại lệ. Khi về Hà Nội, ta đã biết Bác sống tại đó mà hôm nay chúng ta có khu di tích nơi ở và làm việc của Bác trong Phủ Chủ tịch. Khu di tích đó, không bao gồm các tòa nhà mà chỉ tính từ đường xoài đến vườn cây, ao cá và Nhà sàn Bác Hồ. Hồ Chí Minh và di sản của Người còn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế. Nhiều nhà nghiên cứu về Việt Nam, về Hồ Chí Minh đã viết và diễn giảng về Bác Hồ của chúng ta là một vị lãnh tụ, nhưng Hồ Chí Minh sống hết sức giản dị, giàu lòng nhân ái. Người mang tư duy của tương lai, luôn đi trước thời đại, không chỉ có về triết học, kinh tế, chính trị học mà trước hết là về thiên nhiên. Bác Hồ với thiên nhiên là như vậy. Hòa đồng với thiên nhiên không chỉ vì cảnh sắc của thiên nhiên đẹp mà chính vì cần môi trường sống trong lành. Có nhiều cây xanh, rừng rậm, bãi sú vẹt, rừng ngập mặn sẽ giảm bớt tai họa của bão lũ, khô hạn, sông biển, triều cường. Nhất là ngày nay với nguy cơ của biến đổi khí hậu toàn cầu, tư duy của Bác Hồ về thiên nhiên, quan niệm về trồng cây xanh, về cách ứng xử với thiên nhiên của Bác càng gần gũi và thời sự hơn bao giờ hết đối với chúng ta. Với thiên nhiên, tư duy và cách ứng xử với thiên nhiên của Bác Hồ như trên chỉ có thể hiểu theo tầm nhìn về một nhân cách Hồ Chí Minh...".

Nhà báo Vương Xuân Nguyên (bên phải) lưu niệm cùng cụ Cù Văn Chước

Từ những tư liệu quan trọng về phong trào Tết Trồng cây có liên quan và hệ thống những ý tưởng của những nhà sáng lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, cùng với tổng kết thực tiễn 15 năm xây dựng và phát triển Sinh Vật Cảnh Việt Nam, năm 2004, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, anh cùng một số nhà văn hóa, khoa học của Hội đã dự thảo về phương hướng phát triển Sinh Vật Cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái. Nội dung phương hướng này là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải chỉ đạo các ngành, các cấp quan tâm phối hợp để thúc đẩy Sinh Vật Cảnh trở thành một ngành kinh tế sinh thái đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Hội vào ngày 13/5/2004. Đây cũng là cơ sở để Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng có chỉ đạo về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để thúc đẩy phát triển Sinh Vật Cảnh trở thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam vào năm 2009.

Cuốn sách Bác Hồ với Thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh có sợ đóng góp cụ thể của Nhà báo Vương Xuân Nguyên

Đặc biệt, để hệ thống toàn diện những quan điểm tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh về vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển Nông thôn mới và xây dựng đời sống mới của nhân dân được thể hiện qua phong trào Tết Trồng cây, được sự đồng ý của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tỉnh ủy Nghệ An, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo quốc gia "Bác Hồ với Thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh" vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2010).

Nhà báo Vương Xuân Nguyên cũng là cầu nối tích cực trong hoạt động giao lưu hợp tác Quốc tế trong lĩnh vực Sinh Vật Cảnh

Từ đây, tổ chức Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam và phong trào phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh, Sinh Vật Cảnh chính thức đánh dấu bước phát triển mới khi nhận được sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền các cấp. Sinh Vật Cảnh ngày càng có vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông qua những con số ấn tượng. Diện tích trồng hoa cây cảnh, cá cảnh của cả nước ước đạt 35.240 ha, thu nhập bình quân đạt 550 triệu đồng/ha/năm đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng hơn 2 triệu lao động nông thôn và đóng góp đáng kể vào kim gạch xuất khẩu 4 triệu USD hàng năm trong nhóm ngành Rau, Hoa quả, Cây cảnh của nước ta. Hoạt động sản xuất kinh doanh Sinh Vật Cảnh được Chính phủ chính thức công nhận là một trong 7 nhóm ngành phát triển Nông thôn theo Nghị định số 52/2018/NĐ - CP ngày 12/4/2018. Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp dẫu nhỏ bé nhưng bền bỉ, liên tục của những người như anh Vương Xuân Nguyên trong gần 20 năm qua. Đó là sự ghi nhận của đông đảo giới nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn và những người làm công tác Sinh Vật Cảnh trên mọi miền của Tổ Quốc.

Nhà báo Vương Xuân Nguyên và Ban Thường vụ Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2012

Một Nhà báo năng động trưởng thành từ thực tiễn cuộc sống

Chính những năm tháng có cơ duyên được gần gũi nhiều nhà báo, nhà văn hóa, nhà hoạt động cách mạng tiền bối, cùng với sự lăn lộn trong thực tiễn hoạt động Sinh Vật Cảnh, Phát triển Nông thôn đã góp phần làm nên sự trưởng thành của Nhà báo Vương Xuân Nguyên. Đó là nhận xét chung của nhiều đồng chí, đồng nghiệp của anh trên các lĩnh vực công tác mà anh từng trải qua. Với anh Vương Xuân Nguyên đến với nghề báo và sự nghiệp Sinh Vật Cảnh là một sự tình cờ và trải nghiệm tuyệt vời của đời mình.

Nhà báo Vương Xuân Nguyên nhận vinh danh tại Hội báo toàn Quốc năm 2017

Trước hết, phải kể đến là vinh dự hiếm người có được là cơ hội được gần gũi, tiếp xúc và nhận được sự hướng dẫn tận tình như những người bạn của nhiều nhà báo lão thành, những cây viết lớn trong làng báo chí, thông tấn của cả nước như: Nhà báo Đỗ Phượng, Nhà báo Hoàng Tùng, Giáo sư Vũ Khiêu, Nhà báo Trần Lâm...Đặc biệt, phải kể đến là sự hướng dẫn, giúp đỡ của cụ Cù Văn Chước, một người từng được giao nhiệm vụ điểm báo cho Bác Hồ. Qua đó, những sự hướng dẫn giúp đỡ cụ thể nêu trên đã góp phần hình và có ít nhiều ảnh hưởng trong cách viết của Nhà báo Vương Xuân Nguyên sau này ở mỗi bài báo.

Ở đó, Nhà báo Vương Xuân Nguyên luôn nhắc nhở mình phải thường xuyên rèn luyện, học tập phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối đi trước với các đặc trưng: Viết có căn cứ xác thực; Viết cho sát đối tượng; Viết ngắn gọn, giản dị; Viết sinh động lôi cuốn; Viết thẳng thắn có tính chiến đấu; Viết khiêm tốn và nghiêm khắc với chính mình; Thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng của người làm báo...

Nhà báo Vương Xuân Nguyên, sau trở thành một cây bút viết về nhiều lĩnh vực, nhưng nổi bật hơn cả là đề tài môi trường, phát triển bền vững, Sinh Vật Cảnh và phát triển Nông thôn

Không chỉ may mắn được gần gũi với những cây bút lớn trong làng báo cách mạng Việt Nam, Nhà báo Vương Xuân Nguyên còn may mắn được gần gũi lớp nhà báo tài năng trưởng thành từ thực tế lãnh đạo các cơ quan báo chí. Đó là những cây bút chính luận nổi tiếng như: Nhà báo Vũ Xuân Bân - nguyên trưởng Ban tin trong nước TTXVN, phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn Hiến Việt Nam, người từng kinh qua là phóng viên chiến trường trong chiến tranh chống Mỹ và Chiến tranh biên giới Tây Nam, và có nhiều tác phẩm báo chí nổi tiếng đã đạt giải thưởng báo chí Quốc gia; Nhà báo Phạm Việt Long, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa - Thông tin, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn Hiến Việt Nam, một cựu phóng viên chiến trường của TTXVN, một cây viết tài năng được khẳng định qua một loạt bài viết trong chiến trường được tập hợp thành tác phẩm B Trọc, Nhật ký chiến tranh...; Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, nguyên phóng viên của báo Thanh Niên, Tổng Biên tập Báo Đời sống & Pháp luật...Qua những phong cách báo chí của những cây bút tài năng nêu trên đã giúp Nhà báo Vương Xuân Nguyên nhận ra một xu hướng báo chí trong thời đại mới. Đó là hơn cả tin tức, tri thức quyết định tương lai của báo chí trong thời đại Công nghệ 4.0. Ở đó, chất lượng báo chí không chủ yếu nằm ở việc "các nhà báo kinh nghiệm đi đến các nơi, phát hiện các nguồn tin, xác minh và tái xác minh dữ kiện"...mà chất lượng báo chí thực sự nằm ở những hoạt động báo chí làm tăng biểu biết của chúng ta về thế giới.

Nhà báo Vương Xuân Nguyên còn gắn bó với nhiều hoạt động xã hội sôi nổi

Và cũng không thể không nhắc đến sự ảnh hưởng của những nhà quản lý, nhà khoa học trong cách viết của Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Đó là TS. Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản, Phó chủ tịch Thường trực Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam; Ông Lã Tất Thắng, nguyên vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương - Văn phòng Chính phủ; Bà Đắc Thị Ất - nguyên Trưởng Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình; Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát triển Sinh Vật Cảnh Việt Nam; PGS. TS Phạm Thanh Hải - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề NN&PTNT đồng bằng Bắc Bộ; GS. TSKH Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hợp tác KHKT Châu Á Thái Bình Dương, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; PGS. TS Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Khoa học Khoa học Phát triển Nông thôn; TS. Lê Thành Ý, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam...

Nhà báo Vương Xuân Nguyên (hàng đầu bên phải) đang giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại triển lãm thành tựu Nông nghiệp Hà Nội sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới năm 2019

Với những lợi thế nêu trên, Nhà báo Vương Xuân Nguyên không chỉ khẳng định được vai trò của mình qua hàng loạt bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khắc họa chân dung một số chính khách, văn nghệ sĩ, nhà khoa học và một số cây bút lớn trong làng báo Việt Nam, mà còn được nhiều người biết đến với những bài viết chuyên luận về đề tài Xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh; Phát triển Sinh Vật Cảnh thành ngành kinh tế sinh thái; Phát triển Nông thôn; Tài cấu trúc ngành Nông nghiệp...Và cả những tuyến bài phóng sự điều tra về các khía cạnh đời sống, xã hội, nhất là giai đoạn anh công tác ở Báo Đời sống & Pháp luật; Báo điện tử Người Đưa Tin của Hội Luật gia Việt Nam. Những trang viết mang hơi thở của cuộc sống đương đại và cả sự đấu tranh không khoan nhượng với những thói hư tật xấu đang ẩn sâu len lỏi trong nhiều ngõ ngách của cuộc sống. Và hơn hết đó là kết quả của cả một quá trình lao động hăng say, bền bỉ, không biết mệt mỏi, có cả những hi sinh thầm lặng, sự hiểm nguy mà một nhà báo chân chính đấu tranh cho cái đúng, sự thật khó tránh khỏi.

Để phù hợp với hoạt động báo chí truyền thông trong tình hình mới theo quy hoạch của Nhà nước, từ cuối năm 2019, nhà báo Vương Xuân Nguyên đã mạnh dạn đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thiết lập và quản lý hai mạng xã hội là Diễn đàn Đời sống & Phát triển; Diễn đàn Văn hóa & Đời sống do anh làm Trưởng Ban Biên tập. Đây là kênh chia sẻ thông tin bổ ích của người dân trên các lĩnh vực văn hóa, đời sống, kinh tế, xã hội. Trải qua, 6 tháng hoạt động, số lượng tin bài, hình ảnh và số lượng thành viên tham gia chia sẻ đã tăng lên nhanh chóng, nội dung đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật và đang dần dần trở thành những mạng xã hội có uy tín trong cộng đồng.

Nhận xét về Nhà báo Vương Xuân Nguyên, trong văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 15/06/2017, Nhà báo Đỗ Phượng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN, Tổng Biên tập Tạp chí Việt Nam Hương Sắc đã nhấn mạnh: "Nhà báo Vương Xuân Nguyên, Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam, Báo cáo viên Tuyên giáo Trung ương, đã được cấp thẻ Nhà báo giai đoạn (2010 - 2015) và giai đoạn (2016 - 2020), hiện phụ trách nội dung của Tạp chí Việt Nam Hương Sắc. Trong suốt quá trình công tác, dưới các bút danh Vương Xuân Nguyên, Xuân Nguyên, Quyết Tuấn, Văn Phong, Minh Châu...đồng chí đã có hàng trăm tin bài, phóng sự góp phần cùng Ban Biên tập không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng nội dung và hình thức của Tạp chí Việt Nam Hương Sắc nhằm phục vụ bạn đọc ngày một tốt hơn. Đồng chí không ngừng học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, tu dưỡng rèn luyện đạo đức tác phong người làm báo cách mạng, một nhà báo trẻ năng động trưởng thành từ thực tiễn cuộc sống...".

Nhà hoạt động xã hội sôi nổi với nhiều đóng góp thiết thực cho cộng đồng

Không chỉ được biết đến với vai trò là một nhà báo năng động với nhiều bài viết sắc xảo, người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Sinh Vật Cảnh, Phát triển Nông thôn được đông đảo cán bộ, hội viên, các cấp Hội ghi nhận, mà Nhà báo Vương Xuân Nguyên còn được biết đến là nhà hoạt động xã hội sôi nổi với nhiều đóng góp thiết thực cho cộng đồng trên nhiều lĩnh vực.

Trên lĩnh vực văn hóa, lễ hội, Nhà báo Vương Xuân Nguyên đã để lại dấu ấn khi tham gia cùng nhiều tổ chức, cá nhân kiến nghị với Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan về việc cần thiết phải tổ chức Lễ hội hoa Đà Lạt thường niên 2 năm một lần nhằm quảng bá du lịch, hình ảnh về Việt Nam - Đất nước - Con người, cũng như tăng cường xúc tiến thương mại trong một số ngành có liên quan. Từ thành công của Lễ hội hoa Đà Lạt được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2005, Nhà báo Vương Xuân Nguyên tiếp tục đồng hành hỗ trợ và kết nối giúp nhiều địa phương tổ chức các lễ hội văn hóa gắn với nét đẹp và đặc trưng vùng miền như: Lễ hội hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), Lễ hội hoa Đỗ Quyên (Lào Cai), Lễ hội Hoa ban (Điện Biên), Lễ hội hoa Tam Giác Mạch (Hà Giang); Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và tham gia hàng trăm Lễ hội, Festival Sinh Vật Cảnh của các tỉnh thành trong cả nước...Để đến hôm nay, hoạt động trưng bày, triển lãm Sinh Vật Cảnh gắn với các sự kiện kinh tế, xã hội cũng như những ngày lễ lớn của đất nước đã trở thành một nét đẹp văn hóa, một mỹ tục mới không thể không nhắc tới.

Nhà báo Vương Xuân Nguyên tham gia góp ý cho Lễ hội Hương Sắc Lai Châu

Trong hoạt động kiến trúc cảnh quan, cây xanh, thảm cỏ, công trình ngoại viên và kiến tạo không gian văn hóa gắn với các di tích lịch sử, Nhà báo Vương Xuân Nguyên là người nhiều năm có vinh hạnh được tham gia thiết kế, giám sát thi công, duy trì chăm sóc, bảo tồn tôn tạo vườn hoa thảm cỏ, cây xanh hoa viên ở nhiều công trình tiêu biểu như: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Khu Di tích Phủ chủ tịch; Trung tâm Hội Nghị Quốc gia; Trung tâm Hội nghị Quốc tế; Vươn hoa Việt Nam tại Hoàng cung Thái Lan...Nhà báo Vương Xuân Nguyên cũng tích cực tham gia phản biện, góp ý một số dự án cũng như tham gia nhiều hội thảo và hoạt động có liên quan đến quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Kể cả việc lên tiếng trước thực trạng chặt hạ hàng loạt cây xanh ở Hà Nội và đề ra một số giải pháp tăng cường quản lý cây xanh đô thị ở Việt Nam. Qua những việc làm cụ thể đó, Nhà báo Vương Xuân Nguyên đã góp phần nhỏ bé của mình trong việc gìn giữ và tôn vinh bản sắc văn hóa Việt Nam trong lối sống hòa đồng giữa con người với thiên nhiên.

Trong lĩnh vực phát triển nông thôn, Nhà báo Vương Xuân Nguyên đã cùng các nhà khoa học tại Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng đã có nhiều việc làm thiết thực trong lý luận và thực tiễn để kịp thời kiến nghị và phản biện với các cơ quan có liên quan nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nông nghiệp, nâng cao năng lực cho lao động nông thôn; phổ biến kiến thức và ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp; kiến nghị chính sách hỗ trợ phát triển Nông thôn mới, tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; một số giải pháp góp phần xây dựng Nông nghiệp thịnh vượng, Nông dân giàu có, Nông thôn văn minh, hiện đại.

Nhà báo Vương Xuân Nguyên cùng các cộng sự đồng hành phòng chống COVID19

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhà báo Vương Xuân Nguyên gắn bó với quá trình đạo tạo gần 10 năm từ Đại học, Thạc sĩ, Nghiên cứu sinh tại Học viện Ngân hàng và có quá trình công tác gần 2 năm tại Ngân hàng TMCP OCEANBANK. Quá đó, nhà báo Vương Xuân Nguyên đã tham gia nhiều hội thảo chuyên ngành và xuất bản tài liệu chuyên khảo có liên quan. Đặc biệt, phải kể đến chuyên đề nghiên cứu khoa học về thẩm định tài chính doanh nghiệp trong hoạt động tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam và đề tài Chống Đô la hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tại Việt Nam. Những nghiên cứu và tham gia xuất bản tài liệu có liên quan về lĩnh vực tài chính ngân hàng của Nhà báo Vương Xuân Nguyên đã góp phần vào công tác đào tạo tại Học viện Ngân hàng và hoạt động kinh doanh của một số ngân hàng thương mại.

Nhà báo Vương Xuân Nguyên tham gia tổ chức Liên hoan Sinh Vật Cảnh Thủ đô và tặng sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân cho cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa

Ngoài ra, Nhà báo Vương Xuân Nguyên cùng các cộng sự và cộng đồng doanh nhân, nghệ nhân cũng thường xuyên có nhiều nỗ lực trong các hoạt động thiện nguyện, gắn kết cộng đồng, công tác an sinh được xã hội ghi nhận. Gần đây nhất là việc phối hợp tổ chức Tết 0 đồng tại Bệnh viện Nhi Trung ương; Phát động cuộc thi viết "Sống đẹp trong ứng phó với Virus Corona; Quyên góp ủng hộ 10.000 chai dung dịch kháng khuẩn, 10.000 khẩu trang ủng hộ các điểm cách ly Covid19 tại Hà Nội, Hải Dương và Lào Cai; Phối hợp xuất bản sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân để gửi tặng các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ Quốc...

Có thể nó, trải qua gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp báo chí, truyền thông, Sinh Vật Cảnh, Phát triển Nông thôn, Nhà báo Vương Xuân Nguyên không chỉ để lại hàng ngàn bài viết về nhiều lĩnh vực của cuộc sống đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc mà còn có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp cho cộng đồng được bàn bè, đồng nghiệp và nhiều tổ chức tôn vinh ghi nhận.

Trải lòng nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020), Nhà báo Vương Xuân Nguyên cho rằng, với mỗi người làm báo luôn có một bầu trời trước mặt thênh thang rộng mở và tràn ngập những ước mơ khát vọng chân chính, nhưng nghề báo cũng chỉ ra rằng con đường dưới chân mỗi hành trình chúng ta cũng luôn đầy rẫy những chông gai gập gềnh và cả những cạm bẫy khôn lường. Với người cầm bút chân chính sẽ nỗ lực hết mình bằng một tinh thần rộng mở, cầu thị, luôn tự dằn lòng phải "giữ cho trái tim nóng cái đầu lạnh" để "mắt sáng, lòng trong, bút sắc" đóng góp cho đời những trang viết "Nhanh - Trúng - Đúng - Hay"...!

Search Results

Web result

Trung Hoàng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nguoi-dam-me-nghien-cuu-bao-ton-cay-canh-linh-sam-66237