Đam mê của nghệ nhân rèn kiếm Nhật Bản

Trong một chuyến tham quan đến Bảo tàng quốc gia Tokyo, cậu thanh niên Shimojima Fusahiro đã bị 'hút hồn' bởi vẻ đẹp của một thanh kiếm katana 800 năm tuổi. 24 năm sau, cậu thanh niên đó trở thành một trong số những nghệ nhân bậc thầy đang nỗ lực bảo tồn nghệ thuật rèn kiếm-hình ảnh gắn liền với lịch sử xứ sở hoa anh đào.

Kể từ khi xuất hiện cách đây hơn 1.000 năm, kiếm katana trở thành vũ khí bất ly thân của các võ sĩ samurai. Katana không chỉ nổi tiếng về độ tinh xảo và sự lợi hại trong cận chiến, mà còn là vật được truyền từ đời này sang đời khác, mang giá trị tinh thần, tâm linh sâu sắc.

Shimojima Fusahiro đang hoàn thiện lưỡi kiếm katana. Ảnh: CNN.

Đến thời hiện đại, vai trò của katana trong xã hội Nhật Bản đã thay đổi hoàn toàn, tuy nhiên cách thức làm ra chúng vẫn không có sự khác biệt. “Trong suốt tiến trình lịch sử, nghệ thuật này được truyền từ đời này qua đời khác, vẫn giữ nguyên phương thức, giá trị và ý nghĩa của nó”, Shimojima Fusahiro nói. Hiện nay, Shimojima Fusahiro chuyên chế tác loại kiếm có tên gọi “mamori katana”, được cho có tác dụng bảo vệ chủ nhân khỏi bệnh tật, tai ương.

Trong lò rèn của mình, Shimojima Fusahiro cùng trợ lý mặc y phục trắng, làm việc trong một “vành đai” cuốn vải trắng, biểu tượng cho sự thuần khiết. Thông thường, phải mất hơn một năm để chế tác một thanh katana hoàn chỉnh, hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Ông cho biết, chỉ cần một sai sót nhỏ trong quá trình rèn cũng có thể làm hỏng toàn bộ lưỡi kiếm và buộc ông phải bắt đầu lại.

Theo thống kê của Ủy ban nghệ thuật rèn kiếm Nhật Bản, cuối những năm 80 có khoảng 300 nghệ nhân rèn katana. Đến nay, con số đó chỉ còn gần một nửa. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bởi để được công nhận là nghệ nhân rèn katana, người học việc phải mất nhiều năm học tập vất vả. Điều này khiến số người theo đuổi môn nghệ thuật này ngày càng ít đi. Thêm vào đó, công nghệ sản xuất hiện đại cũng là mối đe dọa lớn với nghề rèn kiếm. Bằng máy móc, người ta có thể tạo ra sản phẩm tương tự nhưng có giá thành rẻ hơn nhiều lần.

Tuy nhiên, Shimojima Fusahiro tin rằng, nghề rèn kiếm Nhật Bản sẽ vẫn trường tồn thông qua những thanh kiếm thủ công tinh xảo. Khi nói về niềm đam mê của mình, Shimojima Fusahiro chia sẻ: “Tôi tìm thấy niềm vui trong việc tạo ra vật có giá trị tinh thần và tâm linh quý giá cho khách hàng, và hơn hết đó là vật có thể truyền lại cho thế hệ sau trong hàng trăm năm”. Để khẳng định quan điểm, ông nói: “Những thanh kiếm từ xa xưa vẫn không có dấu hiệu bị gỉ sét hay xuống cấp là minh chứng rõ nhất cho chất lượng của chúng. Chúng sẽ vẫn tồn tại và được người đời nhớ đến”.

ĐĂNG SƠN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/dam-me-cua-nghe-nhan-ren-kiem-nhat-ban-552931