Đam mê cháy bỏng nghệ thuật điêu khắc gỗ

Bằng sự tỉ mỉ, tài hoa và đam mê cháy bỏng nghệ thuật điêu khắc gỗ, nghệ nhân Nguyễn Văn Đức - làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh, huyện Ý Yên (Nam Định) đã chế tác ra được những sản phẩm chạm khắc độc đáo, mang phong cách thuần Việt.

Đến đầu làng nghề La Xuyên, hỏi từ già đến trẻ không ai không biết nghệ nhân Nguyễn Văn Đức, người đã có gần nửa thế kỉ gắn bó với nghề điêu khắc gỗ. Gặp tôi, ông gật đầu, nở nụ cười cởi mở thân thiện rồi tiếp tục miệt mài với công việc của mình. Ông phân trần: “Nhà báo thông cảm, “tớ” đang hoàn thiện bức tượng để kịp chiều nay giao cho khách hàng!”.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Đức với sự đam mê cháy bỏng nghệ thuật điêu khắc gỗ

Nghệ nhân Nguyễn Văn Đức với sự đam mê cháy bỏng nghệ thuật điêu khắc gỗ

Nhấp vội chén trà nóng, rồi vừa làm ông vừa kể cho tôi chuyện nghề của mình, cũng như những “bí kíp” trong nghề diêu khắc gỗ. Sinh năm 1955, trong một gia đình có truyền thống làm nghề mộc mỹ nghệ nên từ nhỏ ông đã say mê học cách cầm chàng, cầm đục chế tác các sản phẩm gỗ đơn giản. Năm 1976, ông được những bậc cao niên có tay nghề truyền dạy tại lớp học điêu khắc gỗ mỹ nghệ HTX mộc Đồng Tâm. Kết thúc khóa học, các sản phẩm của ông đã được Ban chủ nhiệm HTX đưa vào làm mẫu chào hàng xuất khẩu và làm mẫu cho các lớp sau làm thực hành.

Kiên trì, tài hoa và đam mê là những tiêu chí của người thợ điêu khắc gỗ

Để tiếp tục ước mơ theo đuổi đam mê, năm 1984, ông đã thi đỗ vào khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Kết quả sau 5 năm học với những kiến thức tiếp thu được kết hợp với nghề, các sản phẩm của ông làm ra ngày càng đẹp và tinh xảo hơn. Trong thời gian học, ông đã được Trường trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội mời cộng tác, sáng tác nhiều mẫu mã phục vụ cho xuất khẩu và giảng dạy tại nhà trường. Các mẫu tượng gỗ mĩ nghệ như: Phật Di Lặc, ông già câu cá, thiếu nữ Chăm, bộ tượng Phúc, Lộc, Thọ…; các con vật như: Hổ, trâu, bò, ngựa… được khách nước ngoài rất ưa chuộng.

Từ những năm 1990, ông mở xưởng sản xuất tại nhà kết hợp với tham gia giảng dạy tại các trường nghề, các trung tâm dạy nghề ở nhiều tỉnh, thành phố. Ông tâm sự: "Nghề tạc tượng đòi hỏi nhiều kỹ năng nên kén người học và làm. Muốn tạc được bức tượng đẹp, đầu tiên người thợ phải biết vẽ, hiểu được chủ thể được tạc, đồng thời phải chú ý đến các tiểu tiết trên khuôn mặt tượng như nhân trung, sơn căn, địa các, lưỡng quyền…". Bên cạnh đó người thợ còn phải vận dụng thuật lý tướng số để chạm các đường nét để nhấn mạnh tính cách bức tượng.

Tác phẩm đầu tay của ông Nguyễn Văn Đức: “Đấu vật”

Tượng có các dòng gồm: Tượng tạc các danh nhân trưng bày ở nơi công cộng, nhà lưu niệm, trường học; tượng thờ ở các đình, đền, chùa, phủ như: Phật tổ, Ngọc Hoàng, Hộ pháp... và tượng mỹ nghệ có tính chất thể hiện sinh hoạt của con người như ông lão câu cá, bát tiên, em bé chăn trâu... Nhiều tác phẩm tượng gỗ nổi tiếng của ông như tượng: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Trạng nguyên Lương Thế Vinh với kích thước từ 0,6m - 2m đã thể hiện rõ thần thái của chủ thể... Công trình chạm khắc Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, bộ tranh tứ quí chim hoa đặt ở phòng khách Trung ương Đảng. Công trình nhà tưởng niệm Hồ Chủ tịch tại huyện Na Rì- Cao Bằng, tác phẩm tiên rồng, bịt mắt bắt dê… được các nhà chuyên môn đánh giá rất cao.

Đặc biệt, năm 2016, ông được Ban quản lý di tích Đình phủ làng La Xuyên giao tạc tượng ông tổ nghề gỗ mỹ nghệ của làng. Bức tượng hoàn thành đã đáp ứng được sự mong mỏi của người dân, là nguồn động lực cho những người thợ trong làng phát huy tay nghề và phát triển sản xuất.

65 tuổi nhưng ông Đức vẫn tận tụy truyền dạy cho con cháu

Theo ông Đức, điêu khắc là nghề thủ công mĩ nghệ cao cấp đòi hỏi người thợ phải tính kiên trì và đam mê. Khi học nghề cũng cần phải học kĩ thuật cơ bản, không được coi nhẹ. Đồng thời muốn làm nghề giỏi phải học vẽ cơ bản để biết cách tạo dáng, biết phác thảo những đường nét lớn cũng như từng họa tiết nhỏ. Còn khi đục phải tạo khối lớn trước rồi mới đi vào các chi tiết nhỏ không sẽ bị sai dáng.

Ông Đức bật mí: Riêng nghề tạc tượng, ngoài học vẽ chung ra, người thợ phải học “giải phẫu con người” và họ vẽ các mẫu người để nắm được tỉ lệ. Có như vậy thì tượng làm ra mới đúng dáng, có hồn và đạt yêu cầu về mĩ thuật. Bên cạnh đó, phải có bộ đồ nghề chuẩn, sắc, mới thể hiện được những đường nét sắc sảo, nuột nà, có hồn và sản phẩm mới đạt tiêu chuẩn.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Đức vinh dự được tạc tượng ông tổ nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên

Với những đóng góp cho làng nghề và nghệ thuật điêu khắc gỗ truyền thống, năm 1993 ông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận có 2 tác phẩm được trưng bày tại “Triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc 1983-1993”. Năm 2000 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng chứng nhận cho tác phẩm “Gặp gỡ” được trưng bày tại “Triển lãm mĩ thuật toàn quốc 1996-2000”. Năm 2007, tác phẩm “Tâm sự” đạt “Giải thưởng triển lãm mĩ thuật khu vực II” do Ban chấp hành Trung ương Hội Mĩ thuật Việt Nam trao tặng. Năm 2009, ông được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận danh hiệu nghệ nhân. Năm 2017 được Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt nam tặng kỉ niệm chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam...

Ông Đức là nguồn động lực cho những người thợ trong làng phát huy tay nghề và phát triển sản xuất.

Đến nay, đã 65 tuổi đời, 46 năm tuổi nghề nhưng với lòng đam mê, ông vẫn tận tụy làm nghề và truyền nghề miễn phí cho lớp thợ trẻ. Trong số gần 200 học trò được ông Đức đào tạo, nhiều người đã thành danh với nghề, tiêu biểu như anh Nguyễn Hữu Thạo được Nhà nước phong tặng “Nghệ nhân Ưu tú” năm 2015. Nghệ nhân Nguyễn Văn Đức rất vui khi đa số học trò của ông đã có “vốn nghề” đi khắp nơi mưu sinh hoặc mở xưởng chế tác tại làng. Ông cũng rất tự hào khi các học trò của mình là những người kế tục, tiếp nối truyền thống phát huy khả năng sáng tạo, chế tác ra được những sản phẩm chạm khắc độc đáo, mang phong cách thuần Việt, khẳng định danh tiếng và thương hiệu cho làng La Xuyên.

Phạm Tiệp

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dam-me-chay-bong-nghe-thuat-dieu-khac-go-132917.html