Đầm Hà: Nỗ lực đưa các xã đạt chuẩn NTM

Cuối tháng 10 vừa qua, huyện Đầm Hà đã có thêm 3 xã là: Tân Lập, Đại Bình, Tân Bình hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn NTM. Dự kiến cuối năm nay, Đầm Hà sẽ có 6/9 xã đạt chuẩn NTM. Với một địa phương có nhiều xuất phát điểm thấp, kết quả này khẳng định nỗ lực rất lớn của huyện trên hành trình đạt chuẩn NTM.

Khu sản xuất tại Nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Thanh Lâm (xã Tân Bình, huyện Đầm Hà).

Với đặc thù là huyện miền núi nên quá trình đưa các xã đạt chuẩn NTM, Đầm Hà gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện một số tiêu chí như: Đường giao thông, kênh mương nội đồng, điện, nước sinh hoạt... Đây đều là những tiêu chí cần rất nhiều vốn đầu tư, nhưng số dân được hưởng lợi không nhiều, lượng doanh nghiệp ít, nên việc huy động đóng góp khó khăn, đặc biệt là giai đoạn cuối của chương trình. Vì vậy, huyện Đầm Hà đã tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả đầu tư các mục tiêu xây dựng NTM. Trên cơ sở đó, huy động, cân đối nguồn lực cho các xã đăng ký về đích NTM.

Đáng chú ý, từ năm 2016 đến nay, ngoài 288 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, huyện đã huy động được hơn 1.100 tỷ đồng từ vốn tín dụng, doanh nghiệp, người dân đóng góp tiền mặt, ngày công... Từ nguồn lực này, trong 3 năm qua trên địa bàn toàn huyện đã triển khai, hoàn thiện nhiều công trình quan trọng với số lượng lớn như: Xây mới, sửa chữa nâng cấp 36 công trình thủy lợi vừa và nhỏ; xây mới, sửa chữa nâng cấp 4 công trình cấp nước sạch; kiên cố hóa gần 40km kênh mương; xây dựng cứng hóa 24,05km đường trục thôn, 17,67km đường ngõ xóm, 16,63km đường trục chính nội đồng; xây mới 5 trường học và sửa chữa 7 trường học các cấp; xây mới và nâng cấp 5 hội trường đa năng các xã; sửa chữa 31 nhà văn hóa thôn, bản và nhiều công trình khác...

Xác định sản xuất nông nghiệp là hướng phát triển kinh tế chủ lực, tạo nguồn xây dựng NTM, nên những năm qua, huyện cũng đã tập trung vận động, định hướng người dân sản xuất nông, lâm, thủy sản chuyển dịch theo đúng định hướng tái cơ cấu của ngành. Đồng thời, tập trung hỗ trợ sản xuất tạo điều kiện nguồn lực để nhân dân phát triển kinh tế.

Từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ lãi suất vốn vay cho 365 lượt hộ, kinh phí gần 2,5 tỷ đồng; hỗ trợ giống thủy sản với diện tích trên 112ha cho 59 hộ, kinh phí hỗ trợ gần 2,6 tỷ đồng; hỗ trợ giống quế với gần 90ha cho 81 hộ; hỗ trợ thành lập mới cho 8 HTX; hỗ trợ 1.792 hộ dân di chuyển kết hợp xây mới 2.152 công trình chuồng trại chăn nuôi, nhà tiêu hợp vệ sinh với tổng kinh phí hỗ trợ là 4 tỷ đồng; hỗ trợ triển khai 19 dự án/mô hình phát triển sản xuất.

Mô hình chăn nuôi gà thương phẩm của gia đình ông Cao Văn Thắng (thôn Đồng Tâm, xã Dực Yên).

Qua đó đã hình thành được một số vùng sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn như: Vùng trồng quế 2.600ha, vùng nuôi trồng thủy sản trên 700ha, vùng trồng củ cải trên 100ha. Đồng thời, huyện cũng kêu gọi các nhà đầu tư có tâm huyết, tiềm lực đầu tư vào các vùng quy hoạch tập trung về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, chế biến nông sản và dược liệu. Hiện trên địa bàn huyện có 10 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; nhiều doanh nghiệp khác cũng đang tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư như: Công ty FAM Quảng Ninh nghiên cứu dự án nông nghiệp công nghệ cao; Công ty TNHH Minh Châu nghiên cứu trang trại sản xuất giống lợn ngoại tập trung...

Từ việc cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch, cùng với nhiều cách làm hay, sáng tạo được áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, tin rằng Đầm Hà sẽ đạt chuẩn NTM vào năm 2020 đúng như mục tiêu của huyện đặt ra.

Hoàng Nga

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201811/dam-ha-no-luc-dua-cac-xa-dat-chuan-ntm-2410130/