Dám đối đầu với nguyên soái Liên Xô, nữ phi công không bao giờ được phong tướng

Xung đột xảy ra giữa nữ phi công Valentina Grizodubova và Nguyên soái Alexander Golovanov đã khiến giấc mơ được phong quân hàm cấp tướng của bà không bao giờ trở thành hiện thực.

Nữ phi công đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô

Valentina Grizodubova là người phụ nữ đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Bà lập sáu kỷ lục thế giới và chỉ huy một trung đoàn không quân tầm xa. Tuy nhiên, xung đột xảy ra giữa bà và Nguyên soái Không quân Alexander Yevgeniyevich Golovanov đã khiến giấc mơ được phong quân hàm cấp tướng của bà không bao giờ trở thành hiện thực.

Cuộc đời của Valentina Stepanovna Grizodubova gắn bó chặt chẽ với ngành hàng không ngay từ khi còn nhỏ. Cha bà, ông Stepan Grizodubov, là một trong những người tiên phong của ngành công nghiệp máy bay Nga.

Năm 1912, khi Grizodubova vừa tròn hai tuổi, ông Grizodubov đã đưa bà lên chuyến bay đầu tiên. “Ngay từ thuở nhỏ, tính cách nó đã rất kiên quyết và bền bỉ. Với một đưa con gái, như thế đã là anh hùng”, cha của Grizodubova kể lại.

Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện tại một câu lạc bộ bay và trường đào tạo phi công, năm 1929 Grizodubova gia nhập Phi đội Gorky Agit.

Phi đội máy bay tuyên truyền này đã thực hiện rất nhiều chuyến bay trên khắp đất nước, phát tờ rơi, chiếu phim, tổ chức các cuộc gặp gỡ với các nhà khoa học, nghệ sĩ và các quan chức của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Với nhiều người ở những vùng xa xôi của đất nước, đây là lần đầu tiên họ được nhìn thấy một chiếc máy bay, và không cần phải nói, họ cũng ngạc nhiên không kém khi thấy máy bay được điều khiển bởi một nữ phi công.

Lần đầu tiên Grizodubova trở nên nổi tiếng là vào năm 1937 khi bà lập 5 kỷ lục thế giới về độ cao, tầm bay và tốc độ trong đội ngũ những phụ nữ lái máy bay hạng nhẹ. Tuy vậy, danh tiếng của bà chỉ thực sự được khẳng định vào năm kế tiếp sau chuyến bay liên tục trên máy bay ném bom ANT-37bis xuyên đất nước, từ Moscow đến Viễn Đông.

Từ ngày 24 - 25/9/1938, chiếc máy bay Rodina được điều khiển bởi phi công Grizodubova, lái phụ Polina Osipenko và hoa tiêu Marina Raskova đã bay được quãng đường 6.450 km trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt suốt 26 giờ 29 phút, lập kỷ lục về phạm vi bay với một phi hành đoàn đều là nữ giới.

Thế nhưng thật không may, do mây cao, họ đã mắc phải lỗi điều hướng. Sau khi quay đầu, máy bay đã đánh mất rất nhiều nhiên liệu. Không về được sân bay, Valentina Stepanovna đã phải hạ cánh xuống một đầm lầy ở rừng taiga, cách khu dân cư gần nhất 70 km. Phải sau 9 ngày tìm kiếm, người ta mới tìm thấy phi hành đoàn.

Khi trở về nhà, Grizodubova, Osipenko và Raskova được chào đón như những người anh hùng. Họ trở thành những phụ nữ đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Phi công Grizodubova (giữa), phi công phụ Polina Osipenko (trái) và hoa tiêu Marina Raskova

Phi công Grizodubova (giữa), phi công phụ Polina Osipenko (trái) và hoa tiêu Marina Raskova

Giấc mơ lên tướng không bao giờ trở thành hiện thực

Năm 1942, vào giai đoạn cao trào của cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, Grizodubova trở thành chỉ huy của Trung đoàn Không quân Tầm xa 101 gồm toàn các phi công nam. Những hoài nghi ban đầu của họ sớm nhường chỗ cho sự tôn trọng. Grizodubova đã thể hiện mình là một nhà quản lý và chỉ huy chiến đấu khéo léo: Bà đã thực hiện 200 phi vụ, trong đó có 132 chuyến bay đêm.

“Sau nhiều lần, tôi đã phải tin rằng chỉ huy của tôi - một phụ nữ chưa từng phục vụ trong lực lượng vũ trang trước đây, hóa ra lại vượt trội hơn tôi về khả năng tổ chức các hoạt động bay và huấn luyện phi hành đoàn máy bay ném bom. Bà thực sự đã được chuẩn bị đầy đủ để lãnh đạo các hoạt động chiến đấu của trung đoàn”, Tham mưu trưởng trung đoàn Alexander Verkhozin nhớ lại.

“Các binh sĩ thậm chí còn gọi Grizodubova với biệt danh thân yêu là “Mẹ”, mặc dù lúc đó bà mới ngoài 30 tuổi”.

Một nhiệm vụ đặc biệt được giao cho trung đoàn của Grizodubova là cung cấp vật tư cho các phân đội du kích hoạt động phía sau phòng tuyến của kẻ thù. Chính bà thường là người trực tiếp lãnh trọng trách nguy hiểm này và nhờ những chiến công đó bà đã được tặng thưởng huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng Nhất.

Phi công Valentina Grizodubova

Alexander Saburov, chỉ huy một đơn vị hoạt động ở Ukraine viết lại sau chiến tranh: “Đó là một phụ nữ rất dũng cảm, quyết đoán và dám thực hiện những gì đã lên kế hoạch”.

Tuy nhiên, sự nghiệp của Valentina không phải đều toàn suôn sẻ. Năm 1944, bà có xung đột với chỉ huy lực lượng hàng không tầm xa, Nguyên soái Không quân Alexander Yevgenievich Golovanov. Theo như tường thuật của ông thì bà Grizodubova, bằng cách sử dụng các mối quan hệ cá nhân của mình, đã trực tiếp khiếu nại lên Stalin chống lại cấp trên và yêu cầu thăng cấp cho bà lên cấp tướng (lúc đó là đại tá), đồng thời phong cho trung đoàn của bà danh hiệu “Vệ binh”.

“Bị mờ mắt trước những cơ hội đã mở ra với bà, Trung đoàn trưởng Grizodubova đã không thèm để ý đến những gì có thể xảy ra với những người mà bà ấy đang gây ác ý. Bà ấy đã tự xem mình là người phụ nữ đầu tiên trên cả nước mặc quân phục cấp tướng.... ”, Golovanov nhớ lại.

Bất chấp sức ép từ phía trên, Alexander Golovanov cương quyết không chịu thua cuộc trước Grizodubova. Ông thậm chí còn kết tội bà có ý thức kỷ luật kém ở trung đoàn và đã gây ra một số lượng lớn các vụ tai nạn bay không liên quan đến nhiệm vụ chiến đấu.

Golovanov cũng cáo buộc Grizodubova thường xuyên vắng mặt tại đơn vị mà không có lý do chính đáng. Sau các thủ tục kỷ luật kéo dài, ủy ban xét xử vụ việc đã đứng về phía Alexander Golovanov.

"Do vu khống cấp trên trực tiếp vì mục đích vị kỷ và vì cố tình vu khống Nguyên soái Golovanov", vụ việc của Grizodubova đã được đưa ra tòa án binh.

Tuy nhiên, cuối cùng vụ án cũng không bao giờ đưa ra tòa xét xử, nhưng Valentina vẫn phải rời khỏi lực lượng vũ trang. Những năm sau đó, bà đã có những đóng góp rất đáng ghi nhận trong việc phát triển hệ thống thiết bị điện tử cho lĩnh vực hàng không quân sự và dân dụng. Năm 1986, Grizodubova được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội Chủ nghĩa.

Valentina Stepanovna không bao giờ bình luận về hoàn cảnh xung đột với Nguyên soái Golovanov, vì vậy người ta chỉ biết được câu chuyện qua lời kể của ông. Có một điều chắc chắn là, Grizodubova đã mơ ước trở thành nữ tướng không quân đầu tiên trên thế giới nhưng rất tiếc, điều đó đã không thành hiện thực.

Anh Tú

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/nu-phi-cong-khong-bao-gio-duoc-phong-tuong-vi-uong-buong-doi-dau-voi-nguyen-soai-lien-xo-820201112111135882.htm