Dẫm đạp cướp lộc chẳng khác gì coi thần linh như 'cỏ rác'

'Hiện tượng dẫm đạp lên đầu nhau để cướp lộc chẳng khác gì con người đang xem thần linh như cỏ rác và đã là cỏ rác thì không bao giờ đem phúc về cho ai' – GS.TS Trần Lâm Biền nói.

“Hiện tượng dẫm đạp lên đầu nhau để cướp lộc chẳng khác gì con người đang xem thần linh như cỏ rác và đã là cỏ rác thì không bao giờ đem phúc về cho ai” – GS.TS Trần Lâm Biền nói.

* * *

Những năm gần đây, câu chuyện hàng nghìn người xô đẩy, dẫm đạp, tranh nhau cướp lộc tại một số lễ hội truyền thống cũng như ở đền chùa dịp đầu năm không phải là câu chuyện quá mới.

Sự việc này đã tồn tại một thời gian dài, đặc biệt là khi quan niệm của con người về văn hóa, tín ngưỡng có quá nhiều vấn đề đáng để bàn luận. Sự tồn tại của “vấn nạn” này ngày càng làm cho hình ảnh lễ hội thêm phần xấu xí và chốn thiêng đã không còn giữ được tính chất vốn có của nó.

Không nói đâu xa, vào dịp đầu năm, hình ảnh hàng trăm thanh niên mình trần lao vào nhau, dẫm đạp để cướp được quả phết may mắn trong lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ) khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng.

Hay như lễ hội khai ấn đền Trần (Nam Định), hội chùa Hương, hội Gióng... hàng trăm nghìn người dân chen lấn, xô đẩy nhau để dâng lễ, cướp lộc... Dần dà, người ta hiểu những cụm từ "cướp lộc", "cướp hoa tre", "cướp phết"... tại các lễ hội đầu năm sang một ý nghĩa khác.

Chứng kiến những cảnh tượng bạo lực ấy, chắc chắn không ít người sẽ cảm thấy phản cảm. Bởi khi lễ hội cầu an, may mắn bỗng nhiên biến thành cuộc hỗn chiến, giành giật. Thế nhưng phải làm sao để sự biến tướng trong lễ hội này được loại bỏ thì không phải chuyện “một sớm một chiều”.

Đề cập đến vấn đề này, Nhà nghiên cứu di sản văn hóa – GS. Trần Lâm Biền khẳng định rằng: Lễ hội phản cảm vì người tranh cướp chứ bản thân lễ hội không hề phản cảm.

Di sản văn hóa và yếu tố văn hóa bao giờ cũng hướng đến tương lai. Người xưa đã từng có câu: “Nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân” (ngày mới, ngày mới, lại ngày mới), có nghĩa là con đường chúng ta đi luôn mỗi ngày một phát triển đi lên. Và, người xưa cũng đã cho rằng, không một ai muốn hướng đến tương lai mà không nhìn lại quá khứ, bởi vì khi nhìn lại quá khứ thì ta mới khẳng định được ta là ai, để ta làm “bệ đỡ” bước vào tương lai.

Theo GS. Trần Lâm Biền, tín ngưỡng tôn giáo thực sự nó là một khía cạnh của văn hóa. Nếu chúng ta hiểu được tôn giáo, tín ngưỡng dưới góc độ văn hóa cũng như hiểu được bản chất của lễ hội thì sẽ có ứng xử tốt đẹp. Còn nếu chúng ta không hiểu được bản chất của nó thì sẽ chỉ đi vào những sai lầm.

Chẳng hạn như người ta cướp phết, về bản chất tục này đã dựa trên nền tảng kinh tế nông nghiệp. Người ta trở lại thời kỳ “hỗn mang” (thời còn ăn lông ở lỗ), mà thực tế đã thấy như: ném đá ở chùa Hương, cướp gậy ở Sơn Đồng hay cướp bông ở đền Sóc... họ cướp để tạo nên một sự “lao xao” của thời hỗn mang đó, để như muốn nhắc với thần linh rằng, thời kỳ hỗn mang đã qua rồi. Như vậy, cái mất trật tự ấy là văn hóa, là tục lệ chứ không phải chỉ để cầu phúc cá nhân.

Rồi, sau lễ đốt pháo Đồng Kỵ, sau mùng 4 tháng giêng và sau những vụ cướp kén, cướp cầu... thì họ đều có tục mật khấn như để nói với thần linh rằng, đến nay thời kỳ hỗn mang đã qua rồi, xin các vị thần linh hãy ban cho chúng tôi trật tự về không gian và thời gian của thiên nhiên. Để cho dân khang vật thịnh, cây trồng, vật nuôi phát triển trong năm nay, để chúng tôi có vụ mùa bội thu. Nó có ý nghĩa như thế!

Cái mất trật tự nói trên thực sự thuộc lĩnh vực tín ngưỡng chứ không phải là sự mất trật tự là để tranh cướp lộc. Hiện tượng biến những cái đó thành lộc đã là một hiện tượng sai, vì nhận thức sai thì sẽ có hành động sai. Hiện tượng dẫm đạp lên đầu nhau để tranh cướp thì chẳng khác gì con người đang xem thần linh như “cỏ rác” và đã là “cỏ rác” thì không bao giờ đem phúc về cho ai. Cái mất trật tự xưa kia đã gắn với tín ngưỡng, với tục lệ, còn cái mất trật tự hiện nay là một hiện tượng “trần trụi”, “dục vọng”, là một biểu hiện mang tính cá nhân với quyền lợi đậm chất tuần tục.

“Suy cho cùng, những điều tốt đẹp của lễ hội cần phải được giải thích cho người dân hiểu, chứ không thể để cho sự tự phát dẫn đến tranh cướp vô lối ấy. Nhiều khi những người đi tranh cướp thường đem “ma” về nhà nhiều hơn đem lộc về nhà. Giả dụ như họ đi lấy lộc vào giữa giao thừa, có những người hỉ hả đem cả một cành cây to, vặt trụi cả những cây ở ven đường đem về nhà, nhưng họ đâu biết rằng những cái “lộc” ấy khi chưa được thánh thần chứng giám thì không có giá trị tâm linh, bẻ bừa bãi cây cối về nhà thì chỉ có thể là “đem ma” về mà thôi. Hay những thứ cướp được mà không hiểu ý nghĩa của nó làm cho vật cướp được mất thiêng. Nó chỉ còn là nó (vật chất đơn thuần) chứ không phải mang tính chất tâm linh nữa” – Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền nói.

Khi được hỏi về giải pháp để loại bỏ những sự phản cảm trong lễ hội hiện nay, GS. Trần Lâm Biền cho hay: Chúng ta cần phải có sự giải mã về những hiện tượng ấy. Ông mong rằng các cơ quan có chức năng với lễ hội và các nhà nghiên cứu để tâm hơn trong vấn đề này.

Thúy Hà - Kim Dung

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/special-today/dam-dap-cuop-loc-chang-khac-gi-coi-than-linh-nhu-co-rac-141343.html