Đám cưới tập thể, mô hình cần nhân rộng

Chiều 20-10, tại nhà văn hóa huyện Ứng Hòa, lễ cưới tập thể đầu tiên đã diễn ra trong không khí trang trọng, vui tươi với sự có mặt của chín cặp đôi cùng gia đình, bè bạn. Đây là một hoạt động ý nghĩa nhằm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11 của Thành ủy Hà Nội về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn.

Để chào đón đám cưới tập thể đầu tiên, toàn bộ không gian ngoài trời của nhà văn hóa huyện Ứng Hòa được trang trí bày biện trang trọng, lịch sự từ sớm. Chín bức ảnh cưới phóng to của các cặp uyên ương được trưng bày dọc hai bên lối vào hội trường tràn ngập sắc hoa. Bàn ghế được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Trên bàn có sẵn trầu têm cánh phượng, nước chè xanh và bánh, kẹo để mọi người cùng chung vui. Tất cả đều sẵn sàng chờ đón khoảnh khắc thiêng liêng của các cặp cô dâu, chú rể trong ngày vui trọng đại do Liên đoàn Lao động huyện phối hợp cùng Phòng Văn hóa - Thông tin, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức. Chín cặp đôi cô dâu, chú rể rạng rỡ trong trang phục áo dài, khăn đóng không giấu nổi sự hồi hộp khi giờ phút trọng đại đang tới gần. Cùng sinh ra, lớn lên và trưởng thành trên quê hương Ứng Hòa, trong chín cặp đôi tham dự buổi lễ có sáu cặp là công nhân lao động trên địa bàn và ba cặp là cán bộ, đoàn viên, hội viên thuộc Liên đoàn Lao động huyện.

Chú rể Hà Văn Toán và cô dâu Đoàn Thị Nhàn luôn nắm chặt tay nhau, trên miệng nở nụ cười tươi cùng bước vào hội trường. Toán là một cán bộ Đoàn năng động, anh sinh ra và lớn lên tại quê hương cách mạng, an toàn khu kháng chiến Trầm Lộng, còn cô dâu người xã Đồng Tiến là cô giáo mầm non. Toán chia sẻ: "Em đến trường mầm non nơi vợ em làm việc sửa bàn ghế giúp nhà trường và gặp rồi thấy mến cô ấy. Sau hơn một năm tìm hiểu, bọn em quyết định đi đến hôn nhân. Chắc chắn sau lễ cưới này, em sẽ tuyên truyền rộng rãi đến nhiều gia đình tại địa phương nên tổ chức đám cưới nhỏ gọn để tiết kiệm chi phí".

Còn với chú rể Trần Bảo Trung, một nhiếp ảnh gia và cô dâu Bùi Thị Luyến - cán bộ tư pháp làm việc ở UBND xã Vạn Thái, thì vẫn chưa hết ngỡ ngàng, xúc động khi tham dự lễ cưới tập thể. Vừa sửa lại bông hoa cài áo cho chú rể, cô dâu Luyến cho biết: “Nghe mọi người nói nhiều về đám cưới tập thể, nhưng em không thể hình dung như thế nào. Nay được làm nhân vật chính mới cảm nhận hết niềm vui này. Em và tám cặp vợ chồng ở đây đều rất hạnh phúc vì đám cưới của mình được tổ chức thật đặc biệt”.

Trước khi lễ cưới chính thức diễn ra, các cặp đôi đã đến dâng hương tại Đài tưởng niệm Liệt sĩ của huyện. Đây cũng là hoạt động rất có ý nghĩa và đầy tính nhân văn thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam đối với các anh hùng, liệt sĩ. Trong không khí đầm ấm, vui tươi, lãnh đạo huyện Ứng Hòa đã trao tận tay Giấy chứng nhận kết hôn và nhẫn cưới cho từng cặp đôi. Các đoàn thể cũng dành tặng nhiều phần quà ý nghĩa để chúc phúc cho các cô dâu, chú rể. Tham gia lễ cưới, các cặp đôi còn được tài trợ đầy đủ từ trang phục, trang điểm, nhẫn cưới, bánh cưới, rượu cưới…

Chứng kiến lễ cưới của cháu nội là chú rể Nguyễn Tú Linh và cô dâu Đỗ Thị Việt Anh được tổ chức đơn giản mà đầm ấm, cụ Hoàng Thị Bổng, 90 tuổi, ở xã Phù Lưu phấn khởi chia sẻ: "Thế hệ con cháu bây giờ được Đảng, Nhà nước quan tâm, đám cưới đông vui thế này tôi mừng lắm. Cưới hỏi theo nếp sống văn minh nên được nhân rộng ở nhiều nơi, nhất là ở nông thôn. Chứ đám cưới mà tổ chức linh đình là tốn kém, vất vả cho các cháu và cả gia đình". Còn ông Trần Văn Hiền là bố chú rể Trần Đình Thụ và cô dâu Nguyễn Thị Thu Thảo cho biết: “Khi hai con thông báo làm đám cưới tập thể, vợ chồng tôi cũng ngỡ ngàng. Nhưng hai em thuyết phục rằng đám cưới tập thể rất vui, văn minh, tiết kiệm, chúng tôi đồng ý và gia đình thông gia cũng ủng hộ. Cảm ơn lãnh đạo huyện và các đoàn thể đã tổ chức một buổi lễ trang trọng và tràn ngập hạnh phúc như thế này”.

Đông đảo khách mời và người thân có mặt tại nhà văn hóa huyện Ứng Hòa có dịp được chứng kiến nghi lễ đám cưới xúc động. Mọi người đã dành nhiều lời chúc phúc tốt đẹp cho các bạn trẻ và cùng chụp ảnh ghi lại những khoảnh khắc đẹp. Phó Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Hoàng Phan nhận định, sau lễ cưới tập thể này, huyện sẽ triển khai vận động người dân tiếp tục nhân rộng mô hình cưới theo nếp sống văn minh tại tất các cơ quan, đơn vị, cụm dân cư, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Mô hình sẽ được tổ chức với nhiều hình thức, nội dung phong phú như: Trao giấy chứng nhận kết hôn tại trụ sở UBND xã, báo hỷ sau cưới, không thách cưới bằng tiền mặt, lễ vật cầu kỳ; sử dụng tiệc trà, cau trầu, hoa quả, bánh kẹo, không bày thuốc lá. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên không tổ chức đám cưới và không dự đám cưới trong giờ làm việc. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân trong việc tuyên truyền phổ biến nếp sống văn hóa văn minh, tiết kiệm cho giới trẻ và tôn vinh những nét đẹp truyền thống của lễ cưới Việt Nam.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/tin-moi-nhan/item/31267702-dam-cuoi-tap-the-mo-hinh-can-nhan-rong.html