Đâm chém vì hát karaoke Tết: Tâm lý tiểu nông bộc phát

Trước hàng loạt vụ việc xô xát, án mạng vì hát karaoke, chuyên gia văn hóa chỉ ra thực trạng văn hóa của một bộ phận người dân.

Thời gian qua xảy ra không ít những vụ án mạng xuất phát từ chuyện hát karaoke gây ồn ào ở khu dân cư.

Đầu năm nay, ở TP Cần Thơ, một người đàn ông uống rượu rồi kéo loa ra hát karaoke tại nhà. Bị nhắc gây ồn, người này đã đâm bị thương cha vợ, đâm chết em vợ.

Hay như trước đó vào 18 giờ ngày 30/3/2020, ở phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, Kiên Giang cũng xảy ra trường hợp anh Võ Quốc Tuân, (34 tuổi, tạm trú TP. Phú Quốc) bị đâm vì vợ hát karaoke to.

Theo người dân phản ánh, gia đình nạn nhân thường xuyên bật nhạc và hát nhạc vàng với âm lượng lớn khiến hàng xóm rất bức xúc.

Điều trùng hợp ngẫu nhiên là phiên bản karaoke đang chiếm trọn vị trí #12 trending YouTube suốt những ngày Tết năm 2021 lại là ca khúc Sầu Tím Thiệp Hồng, các ca khúc khác như Xuân này con không về, Đắp mộ cuộc tình cũng ở vị trí cao được giải thích do cày karaoke dịp Tết.

Ngay sau ca khúc lọt top trending, cộng đồng mạng người bày tỏ sự thích thú, người thì phải "kêu than" ngay đầu năm vì phải thưởng thức "liveshow" từ... nhà hàng xóm.

Không chỉ ca khúc Sầu Tím Thiệp Hồng mà một số ca khúc khác cũng đang được yêu thích để hát karaoke do chính cộng đồng mạng chia sẻ là "Duyên Phận" và "Gánh Mẹ".

Nhận định trước thực trạng trên, PGS.TS Trần Hữu Sơn cho biết: "Việc hát karaoke rồi xảy ra mâu thuẫn cho thấy thực trạng háo hức chạy đua để giành hát, giành điểm vui chơi của con người. Đó là hiện tượng chung xuất phát từ người tiểu nông, lúc nào cũng có tâm lý chạy đua, đi đường cũng ganh đua, đi ăn cũng vậy.

Ngoài ra cộng thêm với cơ chế thị trường nên điều đó trở thành một tính xấu không chấp nhận được.

Thứ hai việc nhiều người tìm kiếm ca khúc nhạc vàng, hát karaoke nhạc vàng trong thời gian qua không phải do cuộc sống tẻ nhạt mà do con người có xu hướng tìm lại những kỷ niệm một thời".

Theo PGS.TS Trần Hữu Sơn phân tích: "Bản thân chúng ta khi có thời điểm yêu thích nhưng bài hát đó và lâu không nghe tới thì đến khi có điều kiện lại muốn nghe lại tất cả.

Cũng có những bài hát hay đến thời điểm hiện tại nghe lại cũng vẫn hay nhưng cũng có những bài thuộc thị hiếu và có chỉ có giá trị trong một thời điểm.

Có thể với lứa tuổi trẻ họ không thích nữa nhưng những người trung tuổi, lớn tuổi họ vẫn thích nghe lại. Vậy nên việc con người nghe và hát nhạc vàng do nhu cầu của mỗi người. Con người ta có hai nhu cầu vui và buồn. Nhu cầu nào cũng quan trọng và giúp con người ta có được cảm giác thoải mái".

Trước thực trạng về việc hát karaoke gây nên mâu thuẫn, nhiều địa phương đã có chỉ đạo, kiểm tra để kiềm chế tệ nạn karaoke tra tấn hàng xóm nhưng "hung thần karaoke" vẫn tái xuất.

Nhiều người nói luật đã đủ mạnh để chế tài nghiêm khắc người hát kaoraoke gây ồn nhưng có lẽ với mức phạt đang áp dụng phổ biến từ 100.000 đến 300.000 đồng cho một trường hợp vi phạm, tiếng hát hành hạ hàng xóm vẫn không chịu ngưng.

Trong kỳ họp hồi tháng 7/2020, các đại biểu HĐND TP.HCM đã thảo luận sôi nổi về thực trạng và giải pháp chấm dứt tệ nạn karaoke tra tấn.

Cuối cùng, ông Nguyễn Toàn Thắng - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM - hứa tham mưu hướng dẫn các quận huyện trong xử lý tiếng ồn theo Nghị định 155 năm 2016 (trách nhiệm xử lý tiếng ồn là của ngành tài nguyên và môi trường) và Nghị định 167 năm 2013 (trách nhiệm xử lý tiếng ồn thuộc ngành công an, mức xử phạt thấp).

Thu Thanh

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dam-chem-vi-hat-karaoke-tet-tam-ly-tieu-nong-boc-phat-3427927/