Đạm Cà Mau: Nhà máy là 'nhà', đồng nghiệp là 'người thân'

Không phải tự nhiên mà phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở Nhà máy Đạm Cà Mau được đội ngũ cán bộ kỹ sư trẻ hưởng ứng hết mình và gặt hái được nhiều thành công. Ngoài tinh thần tìm tòi, sáng tạo của người lao động, đó còn là kết quả của nhiều yếu tố khác.

Kỳ 2: Văn hóa “Sáng tạo không ngừng”

Đạm Cà Mau luôn chủ trương xây dựng đội ngũ lao động có trình độ cao, tác phong công nghiệp, tính kỷ luật cao, chủ động tiếp thu, đủ khả năng nghiên cứu, triển khai ứng dụng, làm chủ công nghệ hiện đại...

Đạm Cà Mau luôn chủ trương xây dựng đội ngũ lao động có trình độ cao, tác phong công nghiệp, tính kỷ luật cao, chủ động tiếp thu, đủ khả năng nghiên cứu, triển khai ứng dụng, làm chủ công nghệ hiện đại...

Đầu tiên là về con người. Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, để có những sáng kiến làm lợi hàng trăm tỉ đồng, Ban lãnh đạo PVCFC nhận thức sâu sắc rằng con người là yếu tố quyết định của mọi thành công. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chính là 1 trong 3 chiến lược phát triển quan trọng của Đạm Cà Mau. Bởi vậy, Đạm Cà Mau luôn chủ trương xây dựng đội ngũ lao động có trình độ cao, tác phong công nghiệp, tính kỷ luật cao, chủ động tiếp thu, đủ khả năng nghiên cứu, triển khai ứng dụng, làm chủ công nghệ hiện đại...

Thứ hai là PVCFC đã kích thích, khơi dậy được tinh thần đam mê sáng tạo tiềm ẩn trong mỗi CBCNV bằng cách truyền “lửa” cho họ từ một bầu không khí thi đua sôi nổi, chứ không đơn thuần chỉ là kêu gọi, khuyến khích suông.

Từ năm 2012, PVCFC đã thành lập Hội đồng khoa học công nghệ làm cơ sở đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo thông qua nhiều hoạt động. Năm 2014-2015, Đạm Cà Mau tổ chức cuộc thi Eureka - cột mốc đánh dấu bước khởi đầu cho hành trình lan tỏa tinh thần “Sáng tạo là không giới hạn” đến toàn thể các CBCNV trong tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Cho đến bây giờ, “Sáng tạo không ngừng” đã là một phần của văn hóa doanh nghiệp mang đậm bản sắc PVCFC.

Giai đoạn 2015-2019, người lao động Đạm Cà Mau đã thực hiện và áp dụng vào thực tế sản xuất 128 sáng kiến, 175 cải tiến kỹ thuật. Các sáng kiến này không chỉ góp phần tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng mỗi năm mà còn đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ CBCNV, là những dấu son đáng nhớ trong hành trình vượt khó và chinh phục những thử thách của PVCFC.

Ở Đạm Cà Mau, công tác xét duyệt, công nhận và trao giải thưởng sáng kiến được tổ chức hàng năm. Ngoài những sáng kiến lớn, những ý tưởng, cải tiến kỹ thuật cho dù nhỏ nhất cũng không bị quên lãng mà trái lại, luôn được lãnh đạo khuyến khích, biểu dương kịp thời. Chính điều đó đã giúp phong trào sáng kiến, sáng tạo trở nên gần gũi, phát triển sâu rộng, thấm nhuần từ người lao động cho đến các cấp quản lý.

Song, điều khiến những kỹ sư trẻ quyết tâm gắn bó với Nhà máy Đạm Cà Mau, mạnh dạn đưa ra những đề tài, sáng kiến có chi phí thực hiện lên đến hàng chục tỉ đồng và tự tin thực hiện, không phải chỉ đến từ phong trào thi đua sôi nổi, từ sức hấp dẫn của những giải thưởng, mà còn đến từ văn hóa của người lãnh đạo ở Đạm Cà Mau.

Trong lần trò chuyện với người viết bài này, kỹ sư Nguyễn Trường Giang (sinh năm 1989) của Phòng Công nghệ, là cây sáng kiến nổi bật của nhà máy, kể lại một câu chuyện bản thân: Năm 2019, sau khi hoàn thành dự án thu hồi khí thấp áp từ GPP Cà Mau để làm nhiên liệu cho nồi hơi phụ trợ và lò đốt reforming thì Giang nói lời chia tay với nhà máy để tìm cơ hội mới. Thế nhưng, khi lục lại một mail cũ khi chuyển đến Phòng Công nghệ (năm 2017) và thấy rõ sự tiến bộ “thần tốc” của mình, nhớ lại những kỷ niệm đã qua tại nhà máy..., Giang đã quyết định ở lại.

Kỹ sư Nguyễn Trường Giang

Giang nói: “Những dự án cải tiến lớn có chi phí hàng chục tỉ đồng là cơ hội để anh em kỹ sư học hỏi và chứng tỏ năng lực bản thân, nhưng hơn hết, đó là trách nhiệm. Sự cải tiến nào cũng vậy, cũng đều có rủi ro, xác suất thất bại. Do đó, nếu lãnh đạo không đồng hành, động viên mà trái lại chỉ quy kết, đổ lỗi thì có lẽ không ai dại mà lao vào cải tiến, chỉ cần lẳng lặng làm xong công việc của mình rồi thôi”.

Ở Đạm Cà Mau không có chuyện đó, lãnh đạo từ cấp cao nhất đến quản lý cấp trung đều rất gần gũi và thân tình, quan tâm chia sẻ với người lao động. Với bất kỳ dự án nào, lãnh đạo luôn đồng hành, xem xét giải pháp, đánh giá rủi ro, hỗ trợ hết mình. Ngay cả khi dự án trục trặc, lãnh đạo cũng động viên và cùng ngồi với người lao động tìm cách khắc phục, không một lời chê trách.

“Đây chính là nét văn hóa để chúng tôi mạnh dạn làm việc. Bây giờ, tôi chọn gắn bó với Nhà máy Đạm Cà Mau không còn vì thu nhập nữa mà đó là nhà, đồng nghiệp là người thân” - kỹ sư Giang tâm sự.

Cũng chính vì thế mà ở Nhà máy Đạm Cà Mau, bất cứ việc gì ngườ lao động tự làm được thì đều tự làm. Chuyện anh kỹ sư tự đi kéo dây, kéo cáp là bình thường như “cơm bữa”. Thậm chí, khi đã bắt tay vào dự án thì cả thứ bảy, chủ nhật, cả ngày lẫn đêm, ai cũng đều thay nhau làm việc hết mình, với mong muốn “làm sao tiết kiệm nhất và mang lại hiệu quả cao nhất”.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau - cho biết: Giai đoạn 2015-2019, người lao động Đạm Cà Mau đã thực hiện và áp dụng vào thực tế sản xuất 128 sáng kiến, 175 cải tiến kỹ thuật. Trong đó, đáng kể nhất là 12 sáng kiến đã được đăng trên tạp chí khoa học. Các sáng kiến này không chỉ góp phần tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng mỗi năm mà còn đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ CBCNV, là những dấu son đáng nhớ trong hành trình vượt khó và chinh phục những thử thách của PVCFC.

Rõ ràng, với thế mạnh vượt trội của phong trào sáng kiến, với nét văn hóa đặc trưng “Sáng tạo không ngừng”, hoàn toàn có niềm tin rằng, Đạm Cà Mau sẽ tiếp tục chinh phục các đỉnh cao mới, bởi không có gì là không thể khi người lao động xem doanh nghiệp là “nhà”, đồng nghiệp là “người thân”.

Hoàng Lãm

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/dam-ca-mau-nha-may-la-nha-dong-nghiep-la-nguoi-than-574044-574044.html