Đảm bảo yêu cầu giáo dục toàn diện nhưng không quá áp lực cho học sinh

Ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội công bố 3 phương án dự kiến tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 để lấy ý kiến dư luận trước khi trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của những người làm công tác giáo dục, đặc biệt là những phụ huynh sắp có con thi vào lớp 10.

Đại đa số ý kiến của phụ huynh, giáo viên và những nhà quản lý giáo dục đều cho rằng, việc cải tiến hình thức tuyển sinh vào lớp 10 là cần thiết nhằm đảm bảo yêu cầu giáo dục toàn diện song cũng cần “chốt” phương án chính thức sớm để không gây quá nhiều xáo trộn cho học sinh và các nhà trường.

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa đưa ra 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 để lấy ý kiến của học sinh, phụ huynh, giáo viên, các nhà khoa học, trong đó, phương án thứ nhất là học sinh sẽ thi 4 bài độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; bài thi còn lại thuộc một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân. Bài thi thứ tư sẽ do Sở GD&ĐT Hà Nội công bố vào cuối tháng ba hằng năm. Phương án thứ hai là sẽ giữ nguyên phương án tuyển sinh năm học 2018-2019, tức là tổ chức thi tuyển (thi 2 môn Văn và Toán) kết hợp xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở bậc THCS.

Phương án thứ 3 là học sinh làm 3 bài thi, gồm 2 bài độc lập là Toán, Ngữ văn và một bài tổ hợp. Trong đó, tổ hợp một gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục Công dân; tổ hợp hai gồm 4 môn Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học. Với phương án này, thực chất học sinh sẽ thi 6 môn.

Theo ghi nhận của phóng viên, đa phần các ý kiến của phụ huynh, giáo viên, nhà quản lý giáo dục đang nghiêng về phương án 1. Anh Nguyễn Quốc Việt, một cán bộ công tác trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời cũng là phụ huynh có con đang học lớp 9, năm sau thi vào lớp 10 cho biết: “Trong ba phương án Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra, phương án 2 chỉ thi hai môn nên không còn phù hợp với yêu cầu hiện tại là dạy và học toàn diện. Phương án ba đáp ứng yêu cầu học toàn diện nhưng lại quá áp lực khi học sinh phải thi đến 6 môn. Do vậy, tôi cho rằng phương án một là hợp lý nhất. Do tháng ba mới công bố môn thi thứ tư nên trong suốt năm học, các em vẫn phải học tất cả các môn. Tháng Ba, sau khi Sở công bố môn thi, thì các em vẫn có thể chỉ tập trung ôn trọng tâm vào 4 môn. Như vậy, vừa đảm bảo yêu cầu giáo dục toàn diện, vừa không quá áp lực cho học sinh”.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng nêu quan điểm: “Ở thời điểm hiện tại, chọn phương án 1 là phù hợp nhất, tương tự như thi THPT đã áp dụng trong một thời gian dài. Phương án 1 phát huy được mục đích giáo dục toàn diện, khắc phục được các nhược điểm của hai phương án kia. Trong khi đó, ở phương án 2, việc không thi môn Ngoại ngữ dẫn đến việc học sinh chưa chú trọng môn này, gây khó khăn nhiều trong việc học Ngoại ngữ ở bậc THPT. Nhiều địa phương đã nhận ra tầm quan trọng của môn Ngoại ngữ nên tổ chức thi thêm môn này từ rất sớm. Bên cạnh đó, việc xét tuyển dựa vào điểm 4 năm THCS của học bạ dẫn đến đánh giá trong học bạ chưa thật sự khách quan, thiếu độ tin cậy. Nhiều trường THPT không đồng tình với kết quả này.

Trong thực tế, qua kiểm chứng ở THPT, khá nhiều học sinh có học bạ THCS “đẹp” nhưng lực học lại kém. Còn đối với phương án 3, việc thi thêm bài tổ hợp như thế là rất nặng nề và không hiệu quả. Sở GD&ĐT chỉ công bố bài thi tổ hợp vào cuối tháng 3, tức là học sinh chỉ có chưa đủ 2 tháng để chuẩn bị một cách chủ động, cả năm học phải học để sẵn sàng đi thi cho 9 môn. Thực tế cho thấy, sau khi áp dụng phương án này một vài năm, nhiều địa phương như Hưng Yên, Hải Phòng, Phú Thọ… đã nhận ra sự bất cập của phương án thi tổ hợp và đã phải hủy bỏ hoặc điều chỉnh lại”.

Lựa chọn phương án tuyển sinh vào lớp 10 trong năm học 2019-2020 đang thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh và xã hội.

Từ kinh nghiệm cá nhân và tham khảo ý kiến các đồng nghiệp một số môn học khác, thầy Trần Mạnh Tùng đề xuất: Nếu Sở GD&ĐT chọn phương án 1 thì môn Toán và Văn vẫn nên thi như cũ nhằm đảm bảo không gây xáo trộn và khó khăn nhiều cho học sinh.

“Theo tôi, nên thi Toán, Văn (120 phút) theo hình thức, nội dung như cũ, tránh thay đổi nhiều. Vừa rồi, TP.Hồ Chí Minh ra đề Toán thi vào 10 theo kiểu mới, sáng tạo và nhiều yếu tố thực tế song học sinh chưa quen nên kết quả rất thấp (51,5% học sinh có điểm Toán dưới trung bình). Với môn Ngoại ngữ, qua trao đổi với một số giáo viên Ngoại ngữ, chúng tôi thấy rằng, để đáp ứng tốt các yêu cầu về kỹ năng với môn Ngoại ngữ, nên thi ở dạng tự luận kết hợp một số câu hỏi trắc nghiệm, trong đó có các dạng câu hỏi khác nhau, tương tự bài thi học kỳ chúng ta vẫn tổ chức ở cấp quận, huyện.

Về môn thi thứ 4 không nên nặng nề, do Sở công bố vào cuối tháng 3 hàng năm nên thời gian không nhiều. Để tránh áp lực cho học sinh, chúng ta nên thi ở dạng trắc nghiệm nhẹ nhàng với những câu hỏi cơ bản trong sách giáo khoa hoặc những câu hỏi vận dụng đơn giản, tránh các kiến thức hàn lâm, vô bổ”- thầy Tùng cho biết.

Đồng quan điểm này, TS Lê Thống Nhất, người sáng lập hệ thống giáo dục Bigshool cho rằng: Mặc dù phương án 2 đã được thực hiện từ năm học 2005 -2006 cho tới năm học 2018- 2019 và phương án này có ưu điểm là đạt được sự ổn định về tâm lý cho học sinh và cho cả thầy cô. Tuy vậy, phương án này cũng đã bộc lộ những nhược điểm như học sinh học lệch (tập trung vào Toán và Ngữ văn), phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của các thầy cô và của mỗi trường. Bởi vậy tháng 4-2018, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa ra phương án 3 làm phương án dự kiến.

Cũng theo phân tích của TS Lê Thống Nhất, với phương án 3, số môn mà học sinh phải ôn tập sẽ là 6 môn. Ngay với tuyển sinh vào Đại học, các tổ hợp xét tuyển cũng chỉ là 3 môn mà thôi, tuy học sinh lớp 12 phải thi những tổ hợp KHTN (Lý, Hóa, Sinh) hay tổ hợp KHXH (Sử, Địa, Giáo dục công dân) nhưng các môn không thuộc tổ hợp môn xét tuyển, các em cũng chỉ học nhẹ nhàng để thoát điểm liệt.

“Nếu áp dụng phương án này, tức học sinh lớp 9 sẽ phải ôn tập để tuyển sinh lớp 10 phải dùng đến 6 môn thi là quá nhiều so với lớp 12 thi vào Đại học. Bài học của Hải Phòng khi đưa ra số môn phải học để thi tuyển sinh lớp 10 đã tạo nên phản ứng của xã hội và năm học 2018 - 2019 đã phải thay đổi. Do đó Sở GD&ĐT Hà Nội cần thận trọng nếu chọn phương án này. Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng phương án 1 là phương án phù hợp nhất lúc này, vừa khắc phục được nhược điểm của phương án 2 lâu nay lại không tạo áp lực về số môn thi như phương án 3”- TS Lê Thống Nhất chia sẻ.

Mặc dù có nhiều ý kiến lựa chọn phương án 1 song mong muốn lớn nhất của học sinh, phụ huynh và giáo viên hiện nay vẫn là Sở GD&ĐT nên chốt phương án sớm trong tháng 9-2018 để cả thầy và trò đều thuận lợi hơn trong việc ôn tập. Đồng thời, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng sớm có kế hoạch xây dựng đề minh họa và công bố sớm để học sinh có thời gian làm quen.

Nếu có thể, Sở nên công bố đề minh họa vào 2 đợt giống như cách Bộ GD&ĐT đã làm đối với học sinh thi THPTQG: Đợt 1 gồm đề 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ vào khoảng tháng 10, tháng 11; Đợt 2 gồm 4 môn, ngay sau khi Sở công bố môn thi thứ 4. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng cần tập trung cả thời gian và nhân lực cho việc xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm để chủ động và có nguồn để thi chất lượng.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/dam-bao-yeu-cau-giao-duc-toan-dien-nhung-khong-qua-ap-luc-cho-hoc-sinh-506256/