Đảm bảo trang thiết bị để rửa tay cho học sinh khi mở cửa lại trường học

Đó là khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra trong thông cáo ngày 14-8, khi các trường học đang mở cửa trở lại trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng là một trong những biện pháp hữu ích giúp phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ em. Ảnh: Thế Anh

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng là một trong những biện pháp hữu ích giúp phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ em. Ảnh: Thế Anh

Khi các trường học trên toàn thế giới đang tìm kiếm áp dụng các biện pháp an toàn để mở cửa trở lại, thì số liệu mới nhất năm 2019 từ Chương trình Giám sát chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy 43% các trường học trên thế giới thiếu điều kiện cơ bản để thực hiện rửa tay bằng xà phòng và nước, đây là điều kiện quan trọng đảm bảo trường học có thể hoạt động an toàn giữa đại dịch Covid-19.

Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF cho rằng: “Chúng ta phải ưu tiên việc học của trẻ em. Điều này có nghĩa là phải đảm bảo các trường học an toàn khi mở cửa trở lại, bao gồm đảm bảo rằng học sinh có thể rửa tay, có nước sạch và nhà vệ sinh an toàn.”

Tại Việt Nam, các trường học đã mở cửa trở lại vào tháng 5 với các biện pháp tăng cường nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, việc thiếu nước sạch và vệ sinh an toàn ở khoảng 30% trường học vào thời điểm đó đã làm cho nhiều trẻ em bị nguy hiểm.

UNICEF đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác Chính phủ và khu vực tư nhân để đảm bảo cung cấp các hàng hóa cơ bản như xà phòng, nước rửa tay và bình lọc nước bằng gốm cho học sinh trong các trường học.

“Năm học mới đang đến gần, các trường cần phải có các công trình nước sạch và vệ sinh để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho tất cả học sinh. Chính phủ cần phân bổ kinh phí khẩn cấp để Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đảm bảo tất cả các trường học có đầy đủ nước sạch và công trình vệ sinh. Đây là một thời điểm quan trọng để giải quyết và cải thiện điều kiện an toàn cho trường học.", bà Rana Flowers, Đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh.

Theo báo cáo của WHO và UNICEF, khoảng 818 triệu trẻ em trên toàn thế giới thiếu cơ sở vật chất để thực hành rửa tay tại trường, điều này khiến các em có nguy cơ cao mắc Covid-19 và các bệnh lây truyền khác. Hơn một phần ba trong số những trẻ em này (295 triệu) sống ở châu Phi cận Sahara. Ở các nước kém phát triển nhất, 7/10 trường học thiếu các trang thiết bị cơ bản để rửa tay và một nửa số trường thiếu các công trình nước sạch và vệ sinh cơ bản.

Báo cáo cũng cho thấy 355 triệu trẻ có công trình nước sạch ở trường nhưng không có xà phòng và 462 triệu trẻ không có cả trang thiết bị lẫn nước để rửa tay.

Trong 60 quốc gia có nguy cơ cao nhất về khủng hoảng sức khỏe và nhân đạo do Covid-19, cứ 4 trẻ em thì có 3 trẻ không có thiết bị rửa tay cơ bản tại trường ngay khi dịch bắt đầu bùng phát dịch; một nửa số trẻ em thiếu nước sạch và hơn một nửa thiếu các phương tiện vệ sinh cơ bản. 1 trong 3 trường học trên toàn thế giới có nước sạch hạn chế hoặc hoàn toàn không có nước sạch.

Báo cáo nhấn mạnh rằng các chính phủ đang tìm cách kiểm soát sự lây lan của Covid-19 phải cân bằng giữa việc cần thiết phải thực hiện các biện pháp y tế công cộng với các tác động xã hội và kinh tế của các biện pháp phòng ngừa này. Báo cáo ghi nhận những bằng chứng cho thấy sự tác động tiêu cực của việc đóng cửa trường học kéo dài đối với sự an toàn, phục lợi và học tập của trẻ em.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho biết: “Tiếp cận các dịch vụ về nước và vệ sinh là điều cần thiết để ngăn ngừa và kiểm soát lây nhiễm hiệu quả ở tất cả các cơ sở, kể cả trường học. Đây phải là trọng tâm của các chiến lược của chính phủ trong việc mở cửa lại và vận hành các trường học một cách an toàn trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 toàn cầu.”

UNICEF và WHO cam kết đạt được tiếp cận công bằng đối với nước sạch và vệ sinh và đã đưa ra một sáng kiến chung mang tên "Vệ sinh bàn tay cho tất cả", nhằm hỗ trợ các phương tiện để bảo vệ sức khỏe và môi trường cho các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất. Sáng kiến tập hợp các đối tác quốc tế, chính phủ, khu vực công và tư nhân, và các tổ chức xã hội dân sự để đảm bảo cung cấp các sản phẩm và dịch vụ với giá cả phải chăng, đặc biệt là ở các vùng khó khăn.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dam-bao-trang-thiet-bi-de-rua-tay-cho-hoc-sinh-khi-mo-cua-lai-truong-hoc-post432152.html