Đảm bảo tính pháp lý và hợp lý của văn bản quy phạm pháp luật

Muốn xây dựng hệ thống văn bản tốt, phải nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, có đánh giá tác động để đảm bảo tính khả thi của văn bản. Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị công tác pháp chế giáo dục năm 2019.

Bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) cho biết, thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, năm 2018, Bộ GD&ĐT được giao xây dựng 6 văn bản, đã hoàn thành 5 văn bản, đạt 83,33% (bình quân của Chính phủ năm 2018 là 82,66%).

Công tác soạn thảo văn bản của Bộ GD&ĐT thuộc nhóm các Bộ có tỷ lệ hoàn thành cao. Năm 2018, chỉ có 4 Bộ hoàn thành 100% và 8 Bộ hoàn thành trên 80%, trong đó có Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo đồng thời hai Luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi)); trình và được Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Công tác pháp chế phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, là công tác của tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT. Ảnh: MOET.GOV.VN

Công tác pháp chế phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, là công tác của tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT. Ảnh: MOET.GOV.VN

Năm 2019, Bộ GD&ĐT được giao xây dựng 10 văn bản; kết quả hoàn thành là 6/7 văn bản, đạt 85,71%. Trong đó, đã trình Quốc hội thông qua Luật Giáo dục tại kỳ họp thứ 7; trình Chính phủ 2 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đúng thời hạn được giao; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết của Chính phủ và 4 đề án của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Bộ đã trình ban hành được 5 văn bản ngoài chương trình công tác.

Về việc thực hiện Chương trình soạn thảo văn bản của Bộ GD&ĐT, trong năm 2018, các đơn vị được giao xây dựng 61 văn bản thuộc thẩm quyền Bộ trưởng. Kết quả hoàn thành là 54/61 văn bản, đạt 88,52%. Năm 2019, các đơn vị được giao xây dựng 71 văn bản thuộc thẩm quyền Bộ trưởng (trong đó 8 tháng đầu năm là 15 văn bản). Kết quả: 12/15 văn bản, đạt 80%. Ngoài ra, các đơn vị đã ban hành được 6 Thông tư ngoài chương trình công tác.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác pháp chế, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, công tác pháp chế phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, là công tác của tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT chứ không chỉ là nhiệm vụ của Vụ Pháp chế; mỗi cán bộ chuyên viên ngoài công tác chuyên môn phải ý thức và trách nhiệm thực hiện công tác này.

“Chúng ta đang chỉ đạo một lĩnh vực quá rộng lớn, liên quan đến từng người, từng nhà, các địa phương… Nếu không có hệ thống văn bản pháp lý đầy đủ, hợp lý, có tính thực tiễn cao để chỉ đạo điều hành sẽ rất khó khăn. Do đó, công việc đầu tiên, vô cùng quan trọng là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật” - Bộ trưởng nói.

Muốn xây dựng hệ thống văn bản tốt, theo Bộ trưởng, phải nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, có đánh giá tác động để đảm bảo tính khả thi của văn bản. Bộ trưởng cho biết, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT có 50 đề tài cấp Nhà nước, nghiên cứu diện rộng các vấn đề giáo dục và đào tạo để làm luận cứ cho việc xây dựng chính sách.

Cùng xây dựng văn bản, Bộ trưởng cũng lưu ý tới công tác rà soát các văn bản đã ban hành để chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. “Cuộc sống luôn thay đổi, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cùng với đó là nhiều Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và gần đây nhất là 2 văn bản Luật được ban hành, có tác động rất lớn. Vì vậy, việc dành thời gian để rà soát các văn bản quy phạm pháp luật càng trở nên quan trọng”.

Nêu phương hướng trong thời gian tới với công tác pháp chế, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý đến việc xây dựng các văn bản để triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục. Theo Bộ trưởng, cùng với các nghị định để triển khai luật thì hàng loạt các thông tư cũng phải thay đổi. “Đây là khối lượng công việc khổng lồ”.

Ông Chu Đức Nhuận, Vụ trưởng Vụ Khoa giáo văn xã (Văn phòng Chính phủ) cho biết, thời gian qua, công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT đã triển khai đồng bộ, bài bản, đúng pháp luật; đồng thời đảm bảo tính hệ thống, thống nhất, dù số lượng văn bản ban hành rất lớn nhưng mâu thuẫn, trùng lặp hầu như rất ít.

Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng: Công tác pháp chế là công tác chung của Chính phủ và thời gian qua, Bộ Tư pháp đã có sự phối hợp rất tốt với Bộ GD&ĐT trong triển khai thực hiện. Theo ông Ba, các văn bản quy phạm pháp luật khi xây dựng phải đảm bảo 2 yêu cầu: tính pháp lý và tính hợp lý; tính pháp lý Bộ Tư pháp có thể hỗ trợ nhưng tính hợp lý mới là yêu cầu khó và phải do các Bộ, ngành chịu trách nhiệm.

“Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai 2 Luật mới, việc rà soát tính pháp lý và hợp lý của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật là rất quan trọng, khối lượng lớn. Trong đó, đặc biệt phải tránh những sai sót gây nên những hiểu nhầm hay khó hiểu cho xã hội” - ông Đồng Ngọc Ba lưu ý công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT thời gian tới.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dam-bao-tinh-phap-ly-va-hop-ly-cua-van-ban-quy-pham-phap-luat-160548.html