Đảm bảo thực hiện thủ tục hành chính ở các đơn vị sau sắp xếp

Tính đến nay cả 44 tỉnh đã thực hiện Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Vấn đề được đặt ra là việc thực hiện các thủ tục hành chính như: thay đổi con dấu và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của ĐVHC mới được thành lập.

Qua thẩm tra đề án của các tỉnh, thành phố, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương các tỉnh nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện đề án sắp xếp ĐVHC, hỗ trợ ngân sách, huy động các nguồn lực đầu tư để các ĐVHC mới được sắp xếp phát triển mọi mặt về kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Đồng thời, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức trên địa bàn có thời gian cho công tác chuẩn bị, rà soát, hướng dẫn việc thay đổi tên gọi, con dấu, giấy tờ có liên quan.

Tỉnh Đồng Tháp có 1/144 đơn vị cấp xã thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp, tỉnh thực hiện sắp xếp 2 đơn vị (chiếm 1,3%), trong đó, có 1 đơn vị thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp và 1 đơn vị liền kề liên quan. Theo đó, xã Thường Lạc sẽ sáp nhập vào xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự. Ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, xã Thường Lạc sẽ sáp nhập vào xã Thường Thới Hậu mang tên là xã Thường Lạc. Về con dấu theo ông Hòa, do xã Thường Lạc là xã cũ có địa danh từ lâu, cho nên con dấu vẫn mang tên Thường Lạc, còn xã Thường Thới Hậu thì bỏ. “Bây giờ các giấy tờ thủ tục sau khi sáp nhập, kể cả xã Thường Thới Hậu sẽ mang tên xã Thường Lạc. Hiện vẫn giữ nguyên hiện trạng như thế song dần dần các cơ quan hành chính như công an, quân sự, các ngành sẽ chuyển đổi dần dần các loại giấy tờ như chứng minh nhân dân sẽ mang tên xã Thường Lạc”-ông Hòa cho hay.

Về vấn đề trụ sở, ông Hòa cho biết khi sáp nhập sẽ lấy trụ sở tại xã Thường Lạc vì trụ sở xã này mới được xây dựng, trước lúc có quyết định sáp nhập. Còn xã Thường Thới Hậu trụ sở đã xuống cấp nên bổ sung vào tài sản công của huyện. Theo lộ trình hiện đang thông báo cho người dân, ai có nhu cầu thay đổi giấy chứng nhân dân dân thì thông báo cho người dân để thay đổi. “Khi người dân đến làm thủ tục giấy tờ sẽ yêu cầu người dân làm lại chứng minh nhân dân. Nhưng ưu tiên những người hay giao dịch các thủ tục, còn những người ít giao dịch thì có thể làm sau cũng được. Nhập lại nên thay đổi giấy tờ có chút nhọc nhằn, nhất là làm lại giấy chứng minh nhân dân, số nhà. Lúc đầu sau sắp xếp có phức tạp, làm chậm làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con nhiều nhưng dần dần mọi việc sẽ thực hiện tốt”-ông Hòa cho biết.

Trong khi đó, số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Quảng Bình từ 159 đơn vị giảm xuống còn 151 đơn vị (giảm 8 đơn vị), theo ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, đây không chỉ là vấn đề của riêng Quảng Bình mà còn liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố thuộc diện phải sắp xếp. Thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Khi sáp nhập sẽ phải thay đổi con dấu, chứng minh nhân dân. Do đó hiện nay sẽ có những điểm khó khăn liên quan đến căn cước, giấy tờ, đất đai, hồ sơ.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/dam-bao-thuc-hien-thu-tuc-hanh-chinh-o-cac-don-vi-sau-sap-xep-tintuc459267