Đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm

Dự kiến Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều (MDCR) hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển thông qua cung cấp các đánh giá, tư vấn chính sách phát triển có tính đa chiều, liên ngành, liên lĩnh vực phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030. Đây là một trong những nội dung được chia sẻ tại Tọa đàm Khởi động xây dựng Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều của Việt Nam diễn ra ngày 26/02/2019, tại Hà Nội.

Tham dự Tọa đàm có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng đại diện một số bộ, ngành liên quan và đại diện Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới…

Theo dự kiến, MDCR sẽ đưa ra các kiến nghị chính sách và xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm bảo đảm việc thực hiện hiệu quả các cải cách. Đồng thời, xác định mục tiêu ngắn hạn và trung hạn, nâng cao năng lực dự báo và thích ứng của Việt Nam với các diễn biến, thách thức trong quá trình xây dựng, triển khai Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030. Xác định một cách đa chiều, tổng thể các rào cản đối với việc thực hiện tầm nhìn phát triển quốc gia. Trên cơ sở đánh giá định lượng, Báo cáo sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược ưu tiên trong một số lĩnh vực ngành kinh tế nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm.

Thứ trưởng Lê Quang Mạnh phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: MPI

Thứ trưởng Lê Quang Mạnh phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: MPI

Đánh giá khái quát việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2018 có nhiều ý nghĩa quan trọng, là năm bản lề thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 với nhiều kết quả nổi bật và ấn tượng, xứng đáng với những nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống chính trị và toàn dân. Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế-xã hội mới cho giai đoạn đến năm 2030. Để xây dựng một chiến lược mới, việc nhìn nhận, đánh giá thực hiện chiến lược phát triển của giai đoạn trước (2011-2020) là hết sức quan trọng. Các bộ, ngành và địa phương đang được tích cực tổ chức triển khai tổng kết, đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011 - 2020.

Quá trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 của Việt Nam đến nay đã đi được hơn 3/4 chặng đường. Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Nền kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt và phối hợp tốt hơn với chính sách tài khóa. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Tốc độ tăng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân giai đoạn 2011 - 2018 đạt 6,21%/năm. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục được tăng lên. GDP năm 2018 đạt khoảng 240 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 2.587 USD. Tăng trưởng kinh tế dần dịch sang chiều sâu. Năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm.

Cùng với đó, Việt Nam đã huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tập trung vốn hoàn thành các công trình quan trọng, cấp bách và đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Việt Nam đang triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng chiều sâu, nâng cao năng suất hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung vào ba lĩnh vực trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, các tổ chức tín dụng đã có bước chuyển biến, đặc biệt là cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã dần tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra giữa các ngành kinh tế mà chuyển đổi trong nội bộ ngành cũng diễn ra tích cực. Trong sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ loại cây có giá trị thấp sang loại cây có giá trị cao hoặc nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả rõ rệt. Cơ cấu sản xuất được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường. Lĩnh vực công nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng dần qua các năm. Khu vực dịch vụ được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các sản phẩm, nhất là sản phẩm có năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đã đạt được một số kết quả nhất định. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện. Môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh có bước được cải thiện. Cải cách hành chính của Việt Nam được đẩy mạnh. Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, cạnh tranh minh bạch, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng ngày càng hiệu quả các nguồn lực trong, ngoài nước cho phát triển kinh tế-xã hội. Phát triển nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ tiếp tục được hoàn thiện. Mạng lưới giáo dục, đào tạo được mở rộng, quy mô và chất lượng được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội…

Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đạt kết quả quan trọng. Hệ thống kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng. Nhiều công trình quan trọng, thiết yếu được đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho đất nước và đã góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Nhìn chung, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức rất lớn nhưng kinh tế-xã hội Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực. Điều này đã được thể hiện qua năm 2018 là năm thành công toàn diện của kinh tế Việt Nam, khi cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải có những nỗ lực lớn hơn nữa trong 2 năm còn lại của kỳ chiến lược 2011 - 2020 nhằm cải thiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Chiến lược được dự báo không đạt và tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng. Khắc phục các mặt hạn chế của văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Khai thác tốt những cơ hội và điều kiện thuận lợi trong hội nhập quốc tế.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Tọa đàm, Giám đốc Chương trình đánh giá quốc gia đa chiều, OECD Jan Rielaender cho biết, thông qua MDCR, OECD sẽ tiến hành nghiên cứu, dự báo, đưa ra khuyến nghị và tư vấn cho Việt Nam trong việc hoạch định chính sách phát triển đa chiều, liên ngành, liên lĩnh vực nhằm phục vụ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Cũng thông qua Báo cáo này, Việt Nam sẽ có cơ hội học tập, chia sẻ kinh nghiệm về cải cách của các quốc gia khác.

Theo ông Jan Rielaender, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là kết quả về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giáo dục. Việt Nam đã xây dựng được hình ảnh tích cực được nhiều khách du lịch và nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức như biến đổi khí hậu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… đòi hỏi Việt Nam phải có những chiến lược thông minh để thực hiện các mục tiêu phát triển.

Tại Tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, việc xây dựng Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều của Việt Nam là luận cứ quan trọng giúp Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ đã khái quát một số thành tựu quan trọng của Việt Nam qua hơn 30 năm đổi mới và đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá một cách khách quan nhất về các kết quả đã đạt được. Đồng thời đưa các vấn đề gợi ý để các đại biểu cần tập trung thảo luận tại Tọa đàm. Theo đó, thảo luận các nội dung liên quan đến Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, trong đó có xác định tầm nhìn đến năm 2045. Để xây dựng Chiến lược này, theo Phó Thủ tướng Chính phủ, chúng ta cần tập trung đánh giá khách quan những thành tựu cũng như những tồn tại, hạn chế và đưa ra dự báo trong bối cảnh mới của tình hình kinh tế trong nước và thế giới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: MPI

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội cho thấy một số mô hình kinh doanh và mô hình tăng trưởng không còn phù hợp. Đặc biệt, trong bối cảnh bùng nổ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những công nghệ đột phá đòi hỏi chúng ta phải thay đổi để phù hợp với công nghệ mới, cần có cách tiếp cận, tầm nhìn và khai thác tốt các cơ hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới để thực hiện mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hiện đại hay là một quốc gia phát triển. Đây là mấu chốt để đi tới xác định các nội hàm của Chiến lược. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra các vấn đề về phát triển, thế mạnh của Việt Nam trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh vấn đề bao trùm lên tất cả là yếu tố con người, là nền tảng văn hóa của Việt Nam, ý chí tự cường, sức sáng tạo và khát vọng của người Việt Nam hướng đến thịnh vượng, hùng cường, sánh vai cùng các nước trong khu vực và trên thế giới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, trên cơ sở tiếp cận đa chiều, Báo cáo MDCR cần đánh giá trung thực, khách quan và đưa ra được những điểm cần phải tiếp tục khơi thông, giải phóng nguồn lực đối với thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Đồng thời đưa ra những kinh nghiệm tốt của các nước trên thế giới để thúc đẩy phát triển và bao trùm. Cùng với đó, đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam trong việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhất là các khuyến nghị chính sách giải quyết các rào cản, điểm nghẽn về thể chế, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ xây dựng thể chế gắn kết với các chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực trong tổng thể chiến lược…

Tại phiên thảo luận với chủ đề Tầm nhìn phát triển Việt Nam 2030, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề đặt ra về xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn phát triển Việt Nam 2035 - Góc nhìn cải cách thể chế, động lực cho tăng trưởng Việt Nam từ nay đến năm 2030, cách tiếp cận, đánh giá trong Báo cáo MDCR./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn Bộ KHĐT: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=42497&idcm=188