Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho mọi đối tượng tham gia

25 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội luôn hoàn thành, hoàn thành vượt các chỉ tiêu được Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố giao hàng năm về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, tỷ lệ số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tốc độ gia tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện… góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Hà Nội, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đã tăng từ 316.448 người năm 1995 lên trên 1 triệu người vào năm 2010, tăng lên 1.763.033 vào năm 2019 (tăng 1,4 triệu người, tăng 555% so với năm 1995). Ước đến hết tháng 6/2020, số người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn Thủ đô là 1.730.801 người, chiếm 90,1% số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đình Khương trao tặng Cờ thi đua của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đình Khương trao tặng Cờ thi đua của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội

Nhằm đảm bảo quyền lợi người tham gia, những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị sử dụng lao động đóng vai trò quan trọng trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố cho biết: Qua công tác thanh tra, kiểm tra, chủ yếu các hành vi vi phạm điển hình gồm: Chậm đóng, nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đóng dưới mức quy định ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người lao động khi hưởng chế độ ốm đau thai sản, dưỡng sức không đúng mức, chưa kịp thời; chưa được xác nhận thời gian tham gia BHXH, BH thất nghiệp trên sổ BHXH khi nghỉ việc do nợ tiền BHXH; hành vi gian lận, lạm dụng quỹ BHXH, BHYT như gửi đóng, lập hồ sơ thanh toán các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức...

Theo đó, Bảo hiểm xã hội thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Thuế, Liên đoàn Lao động Thành phố, Công an Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thanh tra, kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các đơn vị, doanh nghiệp.

Bảo hiểm xã hội thành phố thường xuyên cử cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra đi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành, nhất là thanh tra đột xuất tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, đối với những trường hợp chây ì, cố tình không tham gia BHXH, không nộp tiền BHXH cho người lao động, chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, từ năm 2016 đến năm 2019, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính tại các đơn vị nợ đóng BHXH được đẩy mạnh, cụ thể: Bảo hiểm xã hội Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra Thành phố, Công an Thành phố, Cục Thuế Thành phố, Liên đoàn Lao động Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT tại 14.518 đơn vị (riêng năm 2018, thanh tra, kiểm tra tại 4.913 đơn vị; năm 2019, thanh tra, kiểm tra tại 5.637 đơn vị).

“Công tác thanh tra, kiểm tra cũng đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc thu hồi, giảm nợ đọng. Năm 2016, số tiền nợ là 2.284,6 tỷ đồng, tỷ lệ nợ 7,99%; đến hết năm 2017, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố và sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã số nợ đã giảm xuống còn 1.304 tỷ đồng, tỷ lệ nợ 3,9% (là năm đầu tiên hoàn thành chỉ tiêu giảm nợ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao), năm 2019, số tiền nợ giảm còn 913,9 tỷ đồng, tỷ lệ nợ 1,98%”, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý trao Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua tới Bảo hiểm xã hội thành phố

Những năm gần đây, nhằm hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin luôn được Bảo hiểm xã hội Thành phố quan tâm thực hiện. Từ năm 2012, khi Bộ phận một cửa tại trụ sở Bảo hiểm xã hội Hà Nội và Bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã đi vào hoạt động, đã rút ngắn thời gian giao dịch, đảm bảo công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, ngăn chặn tình trạng sách nhiễu của viên chức khi thực thi công vụ. Đến nay, các thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia và đối tượng thụ hưởng chính sách.

Ngày 15/6/1995, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 15/QĐ-TCCB của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên cơ sở sáp nhập Bảo hiểm xã hội của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Bảo hiểm xã hội thuộc Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội với nhiệm vụ cơ bản là thực hiện quản lý thu, chi giải quyết chế độ chính sách BHXH cho người lao động và những người đang hưởng chế độ BHXH.

Trong suốt chặng đường 25 năm thành lập, xây dựng và phát triển với nhiều khó khăn, thách thức, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của người lao động, đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Cụ thể, về tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả: Tất cả các thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân liên quan đến BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đều được tiếp nhận qua hệ thống một cửa điện tử của Bảo hiểm xã hội Thành phố và 30 quận, huyện, thị trực thuộc. Ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận hồ sơ từ 3 nguồn đầu vào: Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa, nộp hồ sơ qua mạng internet, nộp hồ sơ qua hệ thống bưu điện.

Về thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử: Đẩy mạnh triển khai thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, tập trung trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và lĩnh vực cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Việc thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT đã đạt được những kết quả tốt, tiết giảm được chi phí hành chính cho các đơn vị sử dụng lao động như chi phí đi lại để nộp và nhận hồ sơ, chi phí giấy tờ..., tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức cơ quan Bảo hiểm xã hội tập trung vào công tác chuyên môn giải quyết các thủ tục hành chính nhanh hơn. Đến nay, có trên 97% các đơn vị tham gia BHXH, BHYT thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử.

Bên cạnh đó, ngành đã triển khai hệ thống tra cứu kết quả đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, tra cứu quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của đơn vị sử dụng lao động, cá nhân trên cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Thành phố; nhắn tin đến điện thoại di động của cá nhân nộp hồ sơ thủ tục hành chính về việc đã tiếp nhận hồ sơ, đã giải quyết xong hồ sơ thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến nhận kết quả thủ tục hành chính.

Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về kê khai, đóng, nộp BHXH, BHYT: Năm 2018, ngành đã triển khai thí điểm thành công với trên 800 đơn vị, doanh nghiệp, đến nay, 100% các ngân hàng thương mại có tài khoản chuyên thu của Bảo hiểm xã hội Thành phố đều đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Thành phố đã thành lập Bộ phận giám sát, kiểm soát nghiệp vụ BHXH, BHYT để phân tích, cảnh báo kịp thời các sai sót trong quá trình thực hiện các quy trình nghiệp vụ, từ đó kịp thời khắc phục, định hướng, hướng dẫn trên toàn Thành phố thực hiện đúng theo quy định, đảm bảo quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dam-bao-quyen-va-loi-ich-hop-phap-cho-moi-doi-tuong-tham-gia-109408.html