Đảm bảo quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh

Phát biểu giải trình và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, chiều 1-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, hơn lúc nào hết, cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân.

Vai trò động lực quan trọng kinh tế tư nhân

Phát biểu giải trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định. Tất cả chúng ta, toàn bộ hệ thống chính trị, cần chia sẻ trách nhiệm khơi thông mọi điều kiện, giải phóng nguồn lực và tiềm năng cho sự phát triển của các thành phần kinh tế, trong đó có vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân.

Theo Thủ tướng, chặng đường phía trước sẽ không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn và phức tạp hơn chặng đường đã đi qua. Với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua, đến năm 2045, quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD.

Mục tiêu này là một thách thức rất lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm % tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta và các thế hệ tiếp theo phải luôn nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.

Đánh giá về thành tựu kinh tế - xã hội trong những năm qua, Thủ tướng khẳng định mặc dù có những thăng trầm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên kể từ khi đổi mới rất ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986-2017 đạt 6,63%/năm, trong 20 năm gần nhất tăng bình quân 6,3%/năm, 10 năm gần nhất tăng 6%/năm, riêng năm 2017 tăng 6,81%, năm 2018 dự kiến tăng trên 6,7%.

Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, tỷ lệ nghèo giảm từ mức trên 60% xuống còn khoảng 7%. Về quy mô nền kinh tế đã tăng gấp hơn 17,4 lần, từ 14 tỷ USD (năm 1985) lên 244 tỷ USD (năm 2018). Thu nhập bình quân đầu đã đạt gần 2.540 USD/năm, khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể.

Dù đạt được những thành tích ấn tượng về kinh tế, Thủ tướng vẫn cho rằng Chính phủ không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển bền vững.

Và để duy trì thành tựu kinh tế đã đạt được, phải tiếp tục đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm. Điều này trở nên cấp bách khi cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, nền kinh tế chúng ta đã hội nhập sâu rộng ở mức độ chưa từng có, Việt Nam đã ký kết 12 FTA và 4 FTA đang trong tiến trình đàm phán, ký kết.

Thủ tướng chia sẻ, nhu cầu, mong muốn và sự quan tâm của người dân là rất đa dạng, từ những điều rất cơ bản như ăn, ở, đi lại đến nhu cầu được giáo dục, học hành và chữa bệnh. “Rõ ràng không có thước đo tăng trưởng nào có thể lượng hóa được mọi nhu cầu này của người dân. Nhiều nước đạt được mức tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người khá cao, nhưng không phải nhóm người nào trong xã hội cũng được hưởng lợi thành quả tương xứng từ tăng trưởng” – Thủ tướng khẳng định.

9 giải pháp trọng tâm

Lưu ý tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng, những bất cập về bình đẳng giới, chênh lệch quá lớn về mức sống và trình độ phát triển giữa các giai tầng xã hội và giữa các vùng miền là mầm mống của sự bất mãn và những căng thẳng xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Dân số Việt Nam dự báo sẽ đạt 96.963.958 người vào đầu năm 2019, tôi nói con số lẻ là để chúng ta hiểu và đặt sự lưu tâm đến từng người dân. Không để bất kỳ ai bị bỏ sót hay cảm thấy bị bỏ sót trong các chính sách phát triển”.

Thủ tướng tin rằng, nhiệm vụ phát triển đặt ra cho Việt Nam trong 5- 10 năm tới và xa hơn, đòi hỏi phải nắm bắt những xu thế công nghệ và chuyển động của thế giới toàn cầu hóa. Ví dụ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có đặc trưng là sự phát kiến một loạt các công nghệ mới, kết hợp giữa thế giới vật lý với thế giới kỹ thuật số và sinh học, tác động sâu rộng đến mọi khía cạnh của nền kinh tế. Nhiều thành tựu và tiềm năng ứng dụng vô cùng lớn như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, siêu máy tính di động, robot thông minh, xe tự lái, công nghệ sinh học. Tất cả những điều này đem đến khả năng đi tắt đón đầu và cả nguy cơ bị bỏ lại phía sau nếu chúng ta không biết nắm bắt.

Kết thúc bài trình bày trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điểm nhanh 9 giải pháp trọng tâm Chính phủ sẽ triển khai trong thời gian tới. Trong đó, ông đặc biệt lưu ý tới các giải pháp kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Đồng thời, Quyết liệt tái cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa. Thực hiện mạnh mẽ 3 đột phá chiến lược, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó gỡ bỏ những rào cản cho doanh nghiệp phát triển.

BẢO NGỌC

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/dam-bao-quyen-tai-san-quyen-tu-do-kinh-doanh-62739.html