Đảm bảo quyền lợi cho người lao động tại doanh nghiệp nợ BHXH

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động tại doanh nghiệp bỏ trốn, nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng dự thảo Nghị định quy định quản lý thu nợ BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Tính đến ngày 30/9, tổng số tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho gần 60 nghìn lao động tại các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, đang chờ phá sản, doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài bỏ trốn… là 1.003 tỷ đồng. Ảnh: ST.

Nợ đọng BHXH hơn 1.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bảo hiểm Việt Nam dù tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo BHXH đã có chuyển biến tích cực nhưng tại nhiều địa phương, tỷ lệ nợ còn cao. Tính đến ngày 30/9, tổng số tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho gần 60 nghìn lao động tại các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, đang chờ phá sản, doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài bỏ trốn… là 1.003 tỷ đồng.

Hiện nay, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã cho phép các doanh nghiệp đang còn hoạt động chậm đóng các loại bảo hiểm trên có thể giải quyết quyền lợi cho những người lao động đủ điều kiện hưởng các bảo hiểm đó hoặc thôi việc, chuyển đơn vị; quy định về ưu tiên giải quyết các khoản tiền chậm đóng các loại bảo hiểm đó khi doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, đối với trường hợp chủ bỏ trốn hoặc các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động mà sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ BHXH thì chưa có quy định giải quyết quyền lợi đối với lao động.

Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài bỏ trốn tài sản được thế chấp tại các ngân hàng, khi thanh lý tài sản sau khi trừ tiền nợ ngân hàng còn rất ít hoặc không còn để nộp tiền chậm đóng các loại bảo hiểm nên ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của người lao động như nêu trên.

Đánh giá về tình trạng các doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH kéo dài, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi cho rằng, để giải quyết triệt để vấn đề này, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, ngành BHXH phải phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tập trung thanh tra, kiểm tra, yêu cầu các đơn vị chấp hành đúng theo quy định của pháp luật về BHXH. Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn, với vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động phải tích cực tham gia, giám sát để đối thoại, đấu tranh với chủ sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về thực hiện chế độ BHXH, BHYT cho người lao động.

Giải pháp nào?

Theo quy định tại khoản 7 điều 10 Luật BHXH năm 2014 thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng về BHXH của người lao động. Hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng dự thảo Nghị định quy định quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN. Dự thảo Nghị định quy định quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN được xây dựng nhằm giải quyết quyền lợi về bảo hiểm của người lao động trong các doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc doanh nghiệp có chủ bỏ trốn.

Dự thảo Nghị định gồm 4 chương và 16 điều. Một trong những điểm đáng chú ý là Điều 14 quy định về nguồn kinh phí xử lý nợ và bảo đảm quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Cụ thể, đối với đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật thì nguồn kinh phí bảo đảm khoản tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN được lấy từ số tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp do vi phạm quy định về trốn đóng, chậm đóng BHXH theo quy định tại Khoản 3, Điều 122 của Luật BHXH.

Dự thảo Nghị định cũng đưa ra quy định phân loại về nợ, nợ kéo dài, nợ khó thu. Riêng về nợ khó thu gồm các trường hợp: Đơn vị mất tích; đơn vị đang trong thời gian làm thủ tục giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động; đơn vị không hoạt động, không có người quản lý, điều hành; đơn vị có chủ sở hữu là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam; đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật; đơn vị nợ đang trong thời gian được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất; đơn vị được cấp có thẩm quyền cho khoanh nợ.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dự thảo Nghị định quy định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN là nhằm cụ thể hóa các biện pháp, chế tài kiểm soát thu nợ bảo hiểm. Tuy nhiên quá trình xây dựng dự thảo Nghị định đang gặp hai vấn đề lớn. Thứ nhất, do xung đột pháp luật, đặc biệt là về phương án xử lý đối với quyền, lợi ích của người lao động mà Luật Ngân sách Nhà nước và Luật BHXH (sửa đổi) đều không cho phép. Thứ hai là vướng về thẩm quyền do phạm vi quy định hướng tới của dự thảo Nghị định vượt quá thẩm quyền của Chính phủ. Do đó, Bộ đã trực tiếp báo cáo và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để tìm phương án giải quyết phù hợp với thông lệ quốc tế, các quy định hiện hành và trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất phương án để Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về kinh phí bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong các doanh nghiệp phá sản mà còn nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN. Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND các tỉnh, thành phố cần có biện pháp nâng cao năng lực thẩm định, giám sát các dự án đầu tư nước ngoài, phát hiện sớm dấu hiệu bất thường để chủ động xử lý, tránh tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dam-bao-quyen-loi-cho-nguoi-lao-dong-tai-doanh-nghiep-no-bhxh.aspx