Đảm bảo quyền của người lao động Việt Nam di cư, phòng chống buôn bán người

Sáng 15/1, tại Hải Phòng, đã diễn ra Hội thảo Bảo đảm quyền của người lao động Việt Nam di cư do Văn phòng thường trực nhân quyền Chính phủ tổ chức.

Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các đại biểu và phóng viên. (Ảnh: NH)

Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các đại biểu và phóng viên. (Ảnh: NH)

Tham dự Hội thảo có các báo cáo viên, đại diện cơ quan Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phó Cục trưởng Nguyễn Gia Liêm; Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Đinh Tiến Dũng; Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, Phó Cục trưởng, Thượng tá Phan Quốc Việt; Văn phòng Thường trực nhân quyền, Phó Chánh Văn phòng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ và đại diện ban chỉ đạo nhân quyền một số tỉnh.

Bảo đảm quyền cho người lao động nói chung và lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, Việt Nam có hơn 1 triệu người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài góp phần giải quyết việc làm, đào tạo nghề, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho một bộ phận người lao động.

Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay đã có những sửa đổi, bổ sung luật hóa một số quy định để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi với doanh nghiệp, tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích của lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là lao động nữ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn thực trạng người lao động Việt Nam bỏ trốn, vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật ở nước đến, thực trạng lao động di cư bất hợp pháp, người lao động bị xâm phạm quyền tại nước đến và nhất là việc tội phạm lợi dụng người lao động di cư để hoạt động phạm tội mua bán người.

Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đã được triển khai. Tuy nhiên, tuyên truyền về các quyền của người lao động Việt Nam, các biện pháp ngăn ngừa, phòng chống lao động di cư ngoài nước trái phép, phòng chống tội phạm mua bán người... còn nhiều hạn chế.

Tình trạng lừa đảo lao động đi làm việc ở nước ngoài một cách bất hợp pháp, là nguyên nhân dẫn tới tình trạng buôn bán người diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Đây là những kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền chống phá Việt Nam về vấn đề dân chủ nhân quyền, tuyên tuyền xuyên tạc về nỗ lực bảo đảm quyền cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Phó Chánh Văn phòng thường trực Nhân quyền, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: NH)

Với những hiện trạng về tình hình lao động Việt Nam di cư hiện nay, phát biểu tại Hội thảo, Phó Chánh Văn phòng thường trực Nhân quyền, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ mong muốn, hội thảo sẽ tập trung nghiên cứu, thảo luận để thống nhất đánh giá, làm rõ các các vấn đề, thứ nhất, nội dung cơ bản của người lao động theo luật pháp quốc tế và trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bảo đảm quyền của người lao động di cư.

Thứ hai, đánh giá thực trạng tình hình lao động di cư của công dân Việt Nam, việc thực hiện quyền và những quy cơ mà người lao động gặp phải, thách thức trong công tác bảo đảm quyền của người lao động di cư ngoài nước; làm rõ tình hình bảo vệ quyền của người Việt Nam lao động di cư nhất là các nạn nhân của buôn bán người và những người bị xâm phạm quyền tại nước đến.

Thứ ba, làm rõ vai trò của truyền thông báo chí trong việc góp phần bảo đảm quyền của người Việt Nam lao động di cư.

Thứ tư, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo đảm của lao động Việt Nam di cư, phòng ngừa, phòng chống lao động di cư ngoài nước trái phép, tình trạng lừa đảo lao động đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ đối với nạn nhân trở về từ đó đẩy mạnh tuyên truyền giúp người lao động nhận thức được đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình, đồng thời đấu tranh chống các hoạt động tuyên truyền chống phá Việt Nam về vấn đề dân chủ nhân quyền, tuyên truyền xuyên tạc về nỗ lực bảo đảm quyền cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Đảng, Nhà nước Việt Nam của các thế lực thù địch.

Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Gia Liêm ông cho rằng, việc người dân ra nước ngoài tìm kiếm việc làm phù hợp, nâng cao thu nhập và trình độ kiến thức, kỹ năng nghề là nhu cầu hoàn toàn chính đáng và là quyền tự do của mọi người.

Điều 23 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam ghi nhận, công dân có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Vì vậy, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm, hỗ trợ và tạo điều kiện để người lao động ra nước ngoài làm việc. Trong suốt thời gian qua, từ những năm 1980 của thế kỷ trước đến nay, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách và quy định pháp luật khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và khu vực trên thế giới.

Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều hàng năm, đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm tăng thêm khoảng 10.000 người, cụ thể: 2016: 126 nghìn; 2017: 135 nghìn; 2018: 143 nghìn; 2019: 152 nghìn; riêng 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm xuống còn hơn 78 nghìn.

Cùng với số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng lên, số lượng người lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại các thị trường lao động ngoài nước cũng tăng lên đáng kể, từ khoảng 500 nghìn người những năm 2010 đến nay tăng lên khoảng 580 nghìn người.

Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, không chỉ góp phần vào công tác giải quyết việc làm, giảm sức ép về tạo việc làm cho người lao động trong nước, góp phần nâng cao đời sống của người lao động và gia đình.

Những người đi lao động nước ngoài có cơ hội nâng cao trình độ kỹ năng nghề, tiếp thu được kiến thức, ngoại ngữ và tác phong làm việc tiên tiến, trở thành nguồn nhân lực quan trọng cho công cuộc xây dựng đất nước.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dam-bao-quyen-cua-nguoi-lao-dong-viet-nam-di-cu-phong-chong-buon-ban-nguoi-133994.html