Đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Nước sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường là nhu cầu tất yếu trong đời sống hằng ngày của mỗi người, mỗi gia đình và là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân. Đây cũng là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà các địa phương trong tỉnh luôn chú trọng đầu tư thời gian qua.

Người dân thôn Đồng Cậm (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.

Người dân thôn Đồng Cậm (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.

Để nhanh chóng hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn, đặc biệt là tại những thôn, bản khó khăn, các địa phương trong tỉnh đều đã tập trung đầu tư các công trình cấp nước từ nhiều nguồn khác nhau. Đồng thời, có cơ chế tuyên truyền và vận động xã hội hóa trong vấn đề này, nhằm nhanh chóng tận dụng mọi cơ hội để tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch.

Như: Đề án 775 về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản ĐBKK; Đề án 2085 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020; Đề án 196; Chương trình PforR...

Trạm cấp nước sạch xã Hoành Mô (Bình Liêu) có công suất hoạt động 600m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng của trên 300 hộ dân địa phương.

Đơn cử như với Chương trình PforR, giai đoạn 2013-2019, Quảng Ninh đã nhận nguồn vốn vay của World Bank để thực hiện 10 dự án cấp nước tập trung ở nông thôn. Gồm 4 dự án tại TX Đông Triều, 2 dự án tại huyện Tiên Yên, các huyện Đầm Hà, Hải Hà, TX Quảng Yên và TP Móng Cái mỗi địa phương có 1 dự án. Tổng công suất thiết kế là gần 15.400m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch đạt quy chuẩn 2 của Bộ Y tế cho trên 20.000 hộ dân tại 16 xã khu vực nông thôn.

Các công trình được hoàn thành cơ bản đúng tiến độ, khi đi vào vận hành không chỉ cung cấp nước cho các hộ gia đình, mà còn đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch cho các trường mầm non, trạm y tế, các cơ sở công cộng.

Nhằm đảm bảo nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu của nhân dân, các nhà máy, xí nghiệp nước, công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh đều được kiểm tra, giám sát theo phân cấp từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố.

Từ đó, góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt, cải thiện môi trường sống, góp phần đắc lực trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ở vùng nông thôn.

Trạm cấp nước sinh hoạt tại xã Dực Yên (Đầm Hà) có công suất thiết kế 1.320m3/ngày đêm.

Những người dân vùng nông thôn vốn có thói quen sử dụng nước từ nhiều nguồn, như: Giếng khoan, giếng đào, khe suối, nước mưa tích trữ... phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn về chất lượng nước không đảm bảo.

Vì thế, khi được tiếp cận với nguồn nước sạch, đúng với quy chuẩn của Bộ Y tế, bà con từng bước thay đổi thói quen cũ, nhờ đó càng thêm yên tâm sức khỏe của mình được bảo đảm. Cán bộ các xã khi làm công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nếp sống mới cũng khuyến khích các gia đình sử dụng nuớc sạch trong sinh hoạt, ăn uống hằng ngày, tuy nhiên phải thực hành tiết kiệm, tránh sử dụng lãng phí.

Đối với vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn, các địa phương xác định cần thay đổi thói quen về sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; hình thành nếp sinh hoạt ngăn nắp, gọn gàng “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”, bỏ rác đúng nơi quy định...

Điển hình như cách làm vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vừa tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân giúp nhân dân làm nhà tiêu hợp vệ sinh tại các địa phương vùng cao, DTTS như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên...

Nông dân xã Tiền An (Quảng Yên) vứt bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định. Ảnh: Phạm Tăng

Hay như sự vào cuộc tích cực của các cấp MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội với những phong trào hướng về cơ sở “Ngày Chủ nhật xanh”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường”, xây dựng các “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”...

Nhờ đó đã phát huy được vai trò của các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư tự giác tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, như định kỳ tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu phố, khơi thông cống rãnh, cống thoát nước, dọn vệ sinh khu vực công cộng; trồng cây xanh; phân loại rác thải tại gia đình, tập kết rác thải đúng nơi quy định.

Văn Bá

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202005/dam-bao-nuoc-sach-va-ve-sinh-moi-truong-nong-thon-2483140/