Đảm bảo nguồn kinh phí để các cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn SGK

Hiện nay, các trường học tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) đang tích cực triển khai công tác lựa chọn sách giáo khoa để đảm bảo chọn được bộ sách phù hợp, kịp thời khi bắt đầu năm học 2020-2021.

Ảnh minh họa/internet

Ảnh minh họa/internet

Hỗ trợ, tư vấn, giám sát việc chọn sách giáo khoa

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, cơ sở giáo dục phổ thông có vai trò quyết định trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa. Vậy để lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp với tiêu chí quy định tại Điều 3 của thông tư này, bà Nguyễn Thị Phong Lan - Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoan Hạ (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ), mỗi cơ sở giáo dục phổ thông cần nghiên cứu kỹ hướng dẫn của Thông tư 01/2020/TT-BGDDT của Bộ GD&ĐT và những quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa của UBND tỉnh cũng như các văn bản hướng dẫn có liên quan khác.

Đồng thời, thành lập hội đồng lựa chọn sách theo như hướng dẫn tại Điều 4,5,6 của thông tư. Hội đồng làm việc theo đúng nguyên tắc được quy định. Tổ chức lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông phải theo đúng quy trình được Bộ GD&ĐT hướng dẫn.

Sau khi đã lựa chọn được danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông thì cần công bố công khai và niêm yết tại cơ sở giáo dục phổ thông trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất 4 tháng. Báo cáo kết quả lựa chọn sách giáo khoa với Phòng GD&ĐT.

“Cơ sở giáo dục phổ thông có trách nhiệm hướng dẫn giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh sử dụng sách giáo khoa theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý giáo dục, học sinh, cha mẹ học sinh về quyết định lựa chọn sách của mình” – bà Nguyễn Thị Phong Lan nhấn mạnh.

Chia sẻ về việc triển khai lựa chọn sách giáo khoa trên địa bàn, đại diện phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy nhấn mạnh đến việc xây dựng văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện lựa chọn sách giáo khoa theo đúng nguyên tắc, quy trình, đảm bảo lộ trình và phù hợp với nhu cầu và điều kiện, phong tục tập quán của địa phương, đơn vị theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Cùng với đó, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghiên cứu kĩ chương trình các môn học, danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong các cơ sở giao dục phổ thông ban hành theo văn bản số 4507/QĐ-BGD&ĐT ngày 21/11/2019 của Bộ GD&ĐT. Yêu cầu các cơ sở giáo dục đăng ký mua đủ các bộ sách giáo khoa Bộ GD&ĐT đã phê duyệt để cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu từ đó tiếp cận các nội dung sách giáo khoa và biết được ý tưởng của tác giả khi thể hiện chương trình trong sách giáo khoa. Làm tốt công tác tư vấn, tuyên truyền đến phụ huynh yên tâm cho con em học bộ sách giáo khoa mà hội đồng lựa chọn.

Phòng GD&ĐT cũng sẽ thành lập các tổ tư vấn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục để các cơ sở giáo dục lựa chọn được sách giáo khoa đảm bảo đúng quy định và phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực thực tế của địa phương. Tổng hợp báo cáo kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục báo cáo UBND huyện và Sở GD&ĐT.

Các đơn vị cùng vào cuộc, không chỉ cơ sở giáo dục

Nhận định, Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT đã có những định hướng khá cụ thể trong việc thành lập Hội đồng, tổ chức và lựa chọn sách giáo khoa ở mỗi cơ sở giáo dục, ông Nguyễn Minh Tường – Bí thư huyện ủy huyện Thanh Thủy cho biết:

UBND huyện đã chỉ đạo phòng GD&ĐT trong việc tham mưu chọn SGK đảm bảo phù hợp theo yêu cầu cầu của địa phương; đồng thời đề xuất kinh phí để triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới một cách hiệu quả nhất, đảm bảo các điều kiện về đội ngũ và thiết bị tối thiểu theo quy định. Trong đó phải đảm bảo yêu cầu về lựa chọn và tập huấn đội ngũ giáo viên một cách đầy đủ nhất.

Cùng với đó, thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện; xây dựng kế hoạch hoạt động, ban hành văn bản hướng dẫn các phòng, ngành, các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện tham gia nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT để chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn lựa chọn sách giáo khoa phụ hợp.

“Triển khai công tác lựa chọn sách giáo khoa mới, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ngành, đơn vị liên quan thực hiện chức năng niệm vụ của mình. Theo đó, phòng GD&ĐT hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện lựa chọn sách giáo khoa quy định của Bộ GD&ĐT.

Phòng Kế hoạch- Tài chính: Cân đối nguồn ngân sách để đảm bảo nguồn kinh phí để các cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

Đài Truyền thanh- Truyền hình huyện: Thông tin tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giúp nhân dân và phụ huynh hiểu đúng chủ trương của nhà nước về đổi mới giáo dục phổ thông, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, từ đó yên tâm cho con em học theo bộ sách giáo khoa đã được hội đồng của các cơ sở giáo dục lựa chọn” – ông Nguyễn Minh Tường chia sẻ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/dam-bao-nguon-kinh-phi-de-cac-co-so-giao-duc-to-chuc-lua-chon-sgk-4064050-v.html