Đảm bảo đời sống của ngư dân

Góp ý cho Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP, TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ lưu ý: Nghị định ban hành phải tạo điều kiện cho người dân tập trung phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống của bà con ngư dân, đảm bảo được chủ quyền lãnh thổ, môi trường an toàn…

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu.

Sáng 9/7, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường của UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, ông Phan Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng điều hành Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo khẳng định: Biển và hải đảo có vị trí và vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, có ý nghĩa chiến lược đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng như về lâu dài.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã nêu rõ “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu, mạnh”.

Nhằm góp phần thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, ngày 21/6/2012, Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam. Tại Diều 45 Luật đã quy định về việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển và giao Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này.

Ngày 21/5/2014 Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2014/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Ông Tuyên cho hay: Sau 4 năm triển khai thi hành Nghị định số 51, công tác quản lý nhà nước về giao khu vực biển, khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã có những bước tiến triển nhất định, bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, các tổ chức và cá nhân trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

Tuy nhiên, Nghị định 51 vẫn còn bộc lộ một số hạn chế và bất cập. Để khắc phục những tồn tại và kịp thời cập nhật , bổ sung các quy định cho phù hợp với Luật thủy sản nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất nhà nước về sử dụng biển, đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thốn văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực biển và hải đảo.

Việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Quang cảnh hội nghị.

Góp ý cho Dự thảo Nghị định, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ lưu ý: Nghị định ban hành phải tạo điều kiện cho người dân tập trung phát triển kinh tế, đảm bảo được đời sống của bà con ngư dân, đảm bảo được chủ quyền lãnh thổ, môi trường an toàn, mong Mặt trận Tổ quốc đại diện cho những người tâm huyết với đất nước cần phải làm rõ công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ được tầm quan trọng của Nghị định.

PGS.TS Phạm Hữu Tiến, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường cho rằng: Việc thay thế Nghị định 51 là hợp lý, Dự thảo đã bổ sung khiếm khuyết, quy định khung giá quản lý biển, khu vực giao.... những vấn đề cụ thể bổ sung cho Nghị định 51. Song cũng cần làm rõ ngoài việc tăng cường vai trò của quản lý nhà nước, phải phát huy được khai thác tiềm năng, tránh lãng phí tài nguyên một cách vô hình.

Thứ hai là hài hòa giữa nhà nước và đơn vị tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực này. Đặc biệt khung giá hài hòa giữa nhà nước và người tham gia khai thác. Cần làm rõ đặc điểm của tài nguyên biển, danh giới của biển, hành lang cho những khoảng biển để thuận lợi cho việc giao thương trên biển.

“Nên chăng có cơ chế mềm để điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Trước khi ban hành nghị định mới cần có thử nghiệm, đó cũng là căn cứ để khẳng định khung giá quản lý biển, để tạo sự thuyết phục cho Nghi định”, PGS.TS Phạm Hữu Tiến gợi ý.

Còn GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu kỳ vọng, trong sửa đổi phải có giải pháp hợp lý để khắc phục những hạn chế.

Ví dụ quy định giao khai thác, bao nhiêu phần trăm được phép giao cho người khác khai thác, phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. GS Châu tha thiết đề nghị những vấn đề liên quan tới nhân dân phải để nhân dân có ý kiến.

Về cơ chế giám sát những vùng được giao khai thác, bà nhấn mạnh việc bảo đảm an ninh chủ quyền quốc gia, an ninh quốc phòng. Trong Nghị định phải có quy định phù hợp với thực tiễn là an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia, quyền lợi nhân dân. Không đánh đổi kinh tế lấy môi trường, phải thể hiện được rõ chỉ đạo của Thủ tướng.

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu nhấn mạnh: Điều Hội đồng quan tâm nhiều nhất là khi ban hànhNghị định phải phù hợp với thực tiễn, trong đó đặc biệt lưu ý quyền lợi của người dân, an ninh quốc phòng, chủ quyền đất nước. Bên cạnh đó, phải làm được phân cấp quản lý. Giám sát phải đặc biệt lưu ý cấp địa phương. Cùng với đó là kế hoạch tuyên truyền cho dân hiểu các Nghị định của Chính phủ.

Hải Nhi
Ảnh: Quốc Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giam-sat-phan-bien/dam-bao-doi-song-cua-ngu-dan-tintuc409527