Đảm bảo con cái chúng ta tận hưởng sự giàu có từ đại dương

Vào ngày 31/12 này, các quy định của Chương trình Giám sát Thủy sản Nhập khẩu (SIMP) của Hoa Kỳ sẽ mở rộng áp dụng cho tôm và bào ngư.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink

Về mặt địa lý, Hoa Kỳ và Việt Nam cách nhau hơn 12.800 km bởi Thái Bình Dương rộng lớn. Thế nhưng, kể từ khi đặt chân đến đây 14 tháng trước, tôi đã tin rằng Việt Nam và Hoa Kỳ trên thực tế, được kết nối bởi đại dương vĩ đại này. Chúng ta có thể không có cùng múi giờ, song chúng ta là đối tác có chung lợi ích trong việc được thấy đại dương vẫn tự do và rộng mở, và trong việc bảo tồn sự đa dạng phong phú của đời sống hải dương.

Không phải ngẫu nhiên mà khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi sinh sống của hơn một nửa nhân loại, cũng là nơi diễn ra hai phần ba hoạt động thương mại toàn cầu. Trong khi phần lớn giao dịch này được vận chuyển bằng đường biển, một phần đáng kể thực sự đến từ biển. Với truyền thống đi biển tự hào của mình và đường bờ biển dài hơn 3.200 km, trong năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1 tỷ đô la sản phẩm thủy sản sang Hoa Kỳ - và con số này còn tiếp tục tăng.

Một yếu tố then chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chúng tôi là đảm bảo thương mại công bằng và có đi có lại, từ đó hỗ trợ cho hai nền kinh tế của chúng ta phát triển. Một yếu tố của thương mại công bằng là Chương trình Giám sát Thủy sản Nhập khẩu (SIMP) của Hoa Kỳ, được thiết kế để chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không kiểm soát (IUU) và gian lận hải sản. Đánh bắt cách này tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lừa gạt người tiêu dùng, hủy hoại môi trường và làm suy yếu các doanh nghiệp đánh bắt hợp pháp.

Các yêu cầu truy xuất nguồn gốc đối với 11 loài của SIMP, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, không chỉ áp dụng cho Việt Nam, mà còn cho tất cả các ngư nghiệp nước ngoài. SIMP đảm bảo rằng hải sản đánh bắt và chế biến ở nước ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn tương đương với các tiêu chuẩn của Ngư nghiệp Hoa Kỳ. Điều này tránh cho Hoa Kỳ trở thành nơi bán hải sản và các sản phẩm từ hải sản lừa đảo trên thị trường và đảm bảo an toàn cho nguồn cung cấp thực phẩm của chúng tôi. Vào ngày 31/12 này, các quy định của SIMP sẽ mở rộng áp dụng cho tôm và bào ngư. Sự mở rộng này sẽ đánh dấu việc thực hiện đầy đủ SIMP - tại thời điểm này, chúng tôi không có kế hoạch mở rộng thêm.

Ngoài việc đảm bảo thương mại công bằng và có đi có lại, Hoa Kỳ nhận thấy việc thiết lập các biện pháp bảo vệ môi trường đầy đủ để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và vẻ đẹp biển cả là vô cùng quan trọng. Chúng tôi đã buộc ngư dân Hoa Kỳ gánh vác trách nhiệm chung vì Hoa Kỳ nhận ra rằng, với tư cách là một người hàng xóm trên Thái Bình Dương, chúng tôi cũng có trách nhiệm giúp bảo vệ nguồn lợi tự nhiên trên biển. Chúng tôi giúp ngăn chặn thiệt hại môi trường do đánh bắt quá mức, bất hợp pháp, không báo cáo và không kiểm soát bằng cách yêu cầu các đối tác quốc tế của chúng tôi đáp ứng các tiêu chuẩn tương đương thông qua SIMP.

Trước khi SIMP có hiệu lực ngày 1/1/2018, Chính phủ Hoa Kỳ đã làm việc chặt chẽ với các đối tác chính phủ Việt Nam của chúng tôi và với các nhà xuất khẩu Việt Nam để hỗ trợ họ đáp ứng các yêu cầu mới. Và hôm nay, gần một năm trôi qua, mặc dù với các yêu cầu chặt chẽ hơn về tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc, xuất khẩu hải sản từ Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng lên. Trên thực tế, đến cuối tháng 9, giá trị xuất khẩu hải sản từ Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng hơn 55 triệu đô la - tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi cũng đã làm việc với các đối tác Việt Nam để chuẩn bị cho việc mở rộng áp dụng cho tôm và bào ngư.

Mục tiêu của Hoa Kỳ là tiếp tục vai trò của một đối tác quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển của một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập. Quan hệ đối tác của chúng ta cũng đồng nghĩa đảm bảo cả Việt Nam và Hoa Kỳ duy trì cam kết tăng trưởng bền vững, có trách nhiệm. Việc mở rộng SIMP áp dụng cho tôm và bào ngư sẽ giúp bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn hợp pháp của Hoa Kỳ và Việt Nam, và đảm bảo rằng con cái chúng ta, ở cả hai bờ của Thái Bình Dương, lớn lên tận hưởng sự giàu có từ đại dương chung của chúng ta.

DANIEL KRITENBRINK (Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dam-bao-con-cai-chung-ta-tan-huong-su-giau-co-tu-dai-duong-post233196.html