Đảm bảo cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số

Thời gian quan, Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc đã phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp bưu chính viễn thông, CNTT đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cơ sở, ứng dụng CNTT trong xử lý công việc, đảm bảo đường truyền thông suốt, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.

Đây là những hoạt động nhằm thực hiện Kế hoạch số 116 KH-UBND ngày 27.4.2022 của UBND tỉnh về phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 – 2025.

Hiện, Vĩnh Phúc có 15 doanh nghiệp hoạt động bưu chính cung ứng các dịch vụ bưu chính cơ bản, đồng thời, phát triển một số dịch vụ đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, đơn vị và người dân như chuyển phát nhanh EMS, phát hàng thu tiền COD, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), chuyển tiền nhanh…

Ngoài ra, tỉnh cũng có gần 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm CNTT, điện tử như phần cứng máy tính, camera điện thoại, bản mạch điện tử…

Bảo đảm hạ tầng cho công nghệ số

Bảo đảm hạ tầng cho công nghệ số

Trong tháng 4 vừa qua, hệ thống LGSP (nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu chứa các dịch vụ dùng chung để chia sẻ dữ liệu) của tỉnh đã được cài đặt, vận hành tại Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh, hiện đã thiết lập nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung trong tỉnh; ngoài ra, hệ thống đã kết nối với cổng thanh toán tập trung quốc gia, sẵn sàng kết nối đến cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành trung ương.

Trước đó, ngày 1.1.2022, phần mềm một cửa, dịch vụ công trực tuyến iGate của tỉnh chính thức đi vào hoạt động tại địa chỉ: dichvucong.vinhphuc.gov.com, đến nay đã kết nối 651 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trong 5 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 3.800 giao dịch thanh toán trực tuyến qua nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công Quốc gia với tổng số tiền giao dịch 3,3 tỷ đồng.

Đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã cấp chứng thư số cho 39 cơ quan, đơn vị với 2.109 chứng thư, đăng ký cấp 82 sim KPI cho lãnh đạo của 22 cơ quan, đơn vị, qua đó, nâng tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản của tỉnh là 98%, tỷ lệ ký số của UBND các huyện, thành phố là 96%, tỷ lệ ký số của UBND các xã, phường, thị trấn là 98%. Như vậy, toàn tỉnh có 10.080 chữ ký số công cộng do 2 nhà mạng VNPT Vĩnh Phúc và Viettel Vĩnh Phúc cung cấp để ký số, xác thực, thực hiện trong các giao dịch điện tử.

Triển khai Kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 – 2025, hướng đến xây dựng chính quyền số theo chủ trương của tỉnh, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy chế quản lý, vận hành Trung tâm Dữ liệu của tỉnh, việc kết nối, chia sẻ, sử dụng và đảm bảo an toàn thông tin mạng; xây dựng Trung tâm Dữ liệu dự phòng, đảm bảo tiêu chí sử dụng dịch vụ điện toán đám mây; sẵn sàng hạ tầng triển khai các ứng dụng dùng chung; tăng cường giám sát hiệu quả việc vận hành, khai thác ứng dụng tại các sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ các xã ứng dụng CNTT phục vụ quản lý nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.

Phạm Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cong-nghe/dam-bao-co-so-ha-tang-phuc-vu-chuyen-doi-so-i295317/