Đảm bảo chất lượng nước: Cần sự 'bắt tay' từ nhiều phía

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT, hiện tại chất lượng nguồn nước trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, địa phương, đơn vị, để thực hiện đồng bộ các giải pháp duy trì và tránh nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất.

Hồ Yên Lập có lưu vực và phạm vi cung cấp nước rộng lớn, xung quanh đều có rừng phòng hộ.

Hồ Yên Lập có lưu vực và phạm vi cung cấp nước rộng lớn, xung quanh đều có rừng phòng hộ.

Không sử dụng nguồn nước sông như các tỉnh, thành khác, Quảng Ninh hoàn toàn lấy nước từ các hồ chứa để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Hiện tại và theo quy hoạch, trên các khu vực thượng nguồn và trong lưu vực hồ chứa cũng không có các khu công nghiệp, không tập trung đông dân cư sinh sống, chủ yếu là rừng phòng hộ. Vì thế, về cơ bản Quảng Ninh vẫn đang quản lý và khai thác có hiệu quả nguồn nước đảm bảo chất lượng.

Trong 180 hồ trên địa bàn tỉnh, chỉ có hồ Yên Lập có lượng dân cư sinh sống trong lưu vực lớn nhất, với 3 xã thuộc địa phận TP Hạ Long (Quảng La, Tân Dân, Bằng Cả) và 4 địa điểm khai thác than.

Do đó, hồ Yên Lập là hồ chứa có nguy cơ ảnh hưởng chất lượng nguồn nước lớn nhất trên địa bàn tỉnh, nếu không có các giải pháp phù hợp.

Theo phân tích của ông Vũ Mạnh Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, trong khu vực lòng hồ Yên Lập hiện vẫn còn 4 điểm mỏ của 3 công ty đang khai thác than. Trong quá trình khai thác các dự án đã làm phát sinh nước thải mỏ, chất thải rắn, gây sạt lở đất, giảm độ che phủ của thảm thực vật, dẫn đến hàm lượng kim loại bị lẫn trong nước, nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ chứa. Không những thế, mặc dù các xã Quảng La, Tân Dân, Bằng Cả đều có lượng dân sinh sống không đông như ở thành thị, tuy nhiên, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân được giao đất, giao rừng để trồng cây ăn quả ngắn ngày và sinh sống xung quanh hồ cũng làm ô nhiễm nguồn nước. Các hộ dân này thường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu cho cây ăn quả; chăn thả gia súc, khiến cho lượng hóa chất dư thừa, chất thải từ gia súc khi gặp mưa, đều bị cuốn xuống hồ hoặc ngấm vào mạch nước ngầm.

Trong khi đó, hồ Yên Lập cũng là hồ có lưu vực và phạm vi cung cấp nước rộng lớn, nên việc bảo vệ an toàn chất lượng nước của hồ là vô cùng quan trọng. Do đó, để đảm bảo chất lượng nguồn nước tại hồ Yên Lập nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung, rất cần cái "bắt tay", cùng vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hồ Tràng Vinh (TP Móng Cái) cũng là một trong những hồ có dân cư sinh sống trong lưu vực hồ.

Cũng theo ông Huy, các đơn vị được cấp phép quản lý, khai thác hồ chứa phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, chủ trì phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức quản lý tốt phạm vi hành lang nguồn nước, hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, đổ, xả các chất thải trong phạm vi hành lang nguồn nước. Khi có tác nhân nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước đầu nguồn mà đơn vị khai thác, phải phản ánh với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng để có hướng xử lý kịp thời.

Cùng với sự vào cuộc của lực lượng công an để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến môi trường làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn...

Bên cạnh đó, rà soát quy hoạch phát triển KT-XH, không cấp phép các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các khu vực rừng đầu nguồn và trong lưu vực hồ chứa. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, coi nước là một loại tài nguyên hữu hạn cần được bảo vệ, từ đó làm tốt công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thủy trên địa bàn.

Hằng Ngần

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202009/dam-bao-chat-luong-nuoc-can-su-bat-tay-tu-nhieu-phia-2499945/