Đảm bảo ATTP dịp Tết tại Hà Nội: Theo sát, nắm bắt tình hình các cơ sở

Ngày 8/1, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP T.Ư đã có cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm (ATTP) TP Hà Nội về kiểm tra ATTP dịp Tết.

Báo cáo kết quả công tác đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa lễ hội Xuân năm 2020 cho thấy, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 69 cơ sở, trong đó có 50 cơ sở dịch vụ ăn uống, 19 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, phát hiện 10 cơ sở vi phạm ATTP, tiến hành xử lý vi phạm hơn 110 triệu đồng.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Sở NN&PTNT Hà Nội thanh tra, kiểm tra tại 24 tổ chức kinh doanh vật tư nông nghiệp và ATTP. Qua kiểm tra đã phát hiện 5 cơ sở hành vi vi phạm như: Hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, thiếu thông tin trên nhãn sản phẩm…, xử phạt vi phạm hành chính 16 triệu đồng.

Trong 15 ngày ra quân (từ ngày 15/12 đến 31/12/2019), Công an TP đã phát hiện và phối hợp kiểm tra 355 vụ việc vi phạm các quy định về ATTP. Trong đó, chủ yếu là hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ; tạm giữ 25 tấn đùi gà hun khói, trong đó có 12 tấn đã hết hạn sử dụng; 6,7 tấn thực phẩm các loại: Lưỡi vịt, tràng động vật, trứng non, lườn ngỗng hun khói; 3,8 tấn nấm hương, 30 tấn hàng hóa (quần áo, giày dép, đồ chơi các loại); 30 tấn bánh kẹo các loại, ô mai, hoa quả sấy…

Tuyến quận, huyện, thị xã tiến hành thanh tra, kiểm tra 3.131 cơ sở, trong đó phát hiện 492 cơ sở vi phạm, phạt tiền 412 cơ sở với số tiền hơn 448 triệu đồng và đóng cửa 2 cơ sở.

Tuy nhiên, Chi Cục trưởng Chi cục ATTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho rằng, do quy trình thanh tra nhiều bước, nhiều thủ tục hành chính nên khi địa phương triển khai còn lúng túng, nhất là tuyến xã, phường, thị trấn. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn. Các cán bộ làm công tác ATTP là cán bộ kiêm nhiệm chưa quy định chức danh, chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành nên gặp nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ. Đối tượng thanh tra, kiểm tra bảo đảm công tác ATTP phục vụ dịp Tết, lễ hội Xuân đa dạng như: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, sử dụng nhiều trong dịp Tết cũng gây hạn chế trong công tác thanh, kiểm tra.

Đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, khi kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, đoàn gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như nhiều hộ kinh doanh cá thể bánh kẹo lớn nhưng họ không cần cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện. Thực tế, việc đáp ứng kiến thức ATTP đang là hình thức, chưa có hướng dẫn cụ thể khiến việc xử phạt khó khăn bởi chưa có tiêu chí đánh giá...

Đại diện các thành viên trong đoàn kiểm tra cho rằng, qua kiểm tra Công ty Hanoi Green cho thấy, cơ sở có nhiều hạn chế trong công tác đảm bảo ATTP. Đơn cử như việc bố trí cửa ra, vào cũng như việc ngăn cách giữa các khu vực chế biến sản xuất, sơ chế chưa thuận lợi, hợp lý trong điều hành sản xuất. Công tác vệ sinh chưa đúng cách, cống rãnh ứ đọng nước. Cơ sở chưa có biện pháp ngăn chặn những côn trùng gây hại cho thực phẩm… Một số dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm xuống cấp: Thớt, dao…

Thay mặt Đoàn kiểm tra, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Lê Bá Anh đánh giá cao công tác kiểm tra ATTP Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa lễ hội Xuân năm 2020 của Hà Nội. Tuy nhiên, Trưởng đoàn cho rằng, để công tác thanh, kiểm ATTP được hiệu quả, TP cần theo sát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các cơ sở. Quản lý việc cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở. Việc hướng dẫn DN, cơ sở cần phải tuân thủ vào các văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, lãnh đạo Chi cục, các sở quan tâm hơn tới kỹ năng đào tạo cho cán bộ thanh kiểm tra. “Qua quá trình kiểm tra, Đoàn cũng ghi nhận, tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của TP, từ đó, đoàn báo cáo với cấp trên để sửa đổi những bất cập liên quan đến nội dung này” - Trưởng đoàn nói.

Thảo Trần

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dam-bao-attp-dip-tet-theo-sat-nam-bat-tinh-hinh-cac-co-so-362066.html