Đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 4.000 trường học có tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Thế nhưng hàng loạt các vụ ngộ độc thực phẩm... liên tiếp xảy ra trong môi trường giáo dục khiến các bậc cha mẹ không khỏi lo lắng. Làm thế nào để có thể đảm bảo được các bữa ăn cho trẻ tại trường?

Trong những năm gần đây, nhiều vụ việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại một số trường học đã bị phụ huynh và người dân phát hiện. Đó là tình trạng đưa thực phẩm bẩn (ươn, thối, mất vệ sinh, nhiễm ấu trùng sán…) vào trường học.

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm…

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học chỉ chiếm khoảng 3,7% tổng số các vụ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, ở các vụ ngộ độc tại trường học, số trẻ bị mắc khá đông, hơn nữa các em còn nhỏ, sức đề kháng yếu, nếu bị ngộ độc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Nguyên nhân để xảy ra ngộ độc trong trường học thường là do khó kiểm soát thực phẩm “đầu vào” tại các trường học; các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở rất thủ công, khó kiểm soát yêu cầu về an toàn thực phẩm (phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản, thời gian vận chuyển...). Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương, ban giám hiệu tại các trường học còn chưa sâu sát quan tâm vấn đề này, không nắm rõ hoạt động bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn.

Cách nào đảm bảo an toàn thực phẩm?

Làm thế nào để vừa bảo đảm được chế độ dinh dưỡng cho học sinh nhưng vẫn kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) luôn là bài toán khó trong các trường học có bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, chất lượng ATTP trong các trường học liên quan đến nhiều khâu, nhiều quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng.Vì vậy, để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội.

Cần có cơ chế giám sát chặt chẽ VSATTP tại trường học.

Cần có cơ chế giám sát chặt chẽ VSATTP tại trường học.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bữa ăn bán trú, thiết nghĩ, nhà trường cần nâng cao nhận thức, kiến thức an toàn thực phẩm cho giáo viên, người chế biến thực phẩm trong trường học.Thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục nguồn gốc thực phẩm, ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời phân công cán bộ, nhân viên theo dõi hàng ngày việc tiếp nhận thực phẩm, ký giao nhận thực phẩm và kiểm thực 3 bước (kiểm tra trước khi chế biến thức ăn, kiểm tra trong quá trình chế biến thức ăn và kiểm tra trước khi ăn), lưu mẫu thức ăn.

Nguyên nhân để xảy ra ngộ độc trong trường học thường là do khó kiểm soát thực phẩm “đầu vào” tại các trường học.

Ngoài kiểm tra thường xuyên và đột xuất, phải xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm, buộc các trường chấm dứt hợp đồng cung cấp thực phẩm với doanh nghiệp vi phạm về an toàn thực phẩm.Bên cạnh đó, phụ huynh cần được tham gia trực tiếp vào việc giám sát. Nhà trường cần thành lập ban giám sát an toàn, vệ sinh thực phẩm, trong đó phụ huynh là thành phần của ban và trực tiếp giám sát hàng ngày.Cần có chế tài xử phạt mạnh với các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, có cơ chế giám sát chặt chẽ và sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành liên quan...

Theo Luật ATTP, việc quản lý ATTP trường học thuộc trách nhiệm của UBND các cấp. Với cơ sở cung cấp bữa ăn cho trường học có giấy phép kinh doanh thì phải có thêm giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Với cơ sở không đăng ký kinh doanh (nhà trường tự nấu và cung cấp suất ăn cho học sinh) thì cần có cam kết với cơ quan chức năng và phải đảm bảo đủ các điều kiện về nguồn gốc thực phẩm, cơ sở vật chất...Ngành giáo dục cũng thường xuyên quán triệt các trường về vấn đề đảm bảo ATTP, trong đó nhấn mạnh đến vai trò giám sát của Ban giám hiệu nhà trường và Ban phụ huynh trong kiểm soát nguồn gốc thực phẩm.

Theo SK&ĐS

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/dam-bao-an-toan-thuc-pham-trong-truong-hoc-64187.htm