Đảm bảo an toàn mức cao nhất cho người dân trước cơn bão Tembin

Trước diễn biến của cơn bão số 16 - tên quốc tế là bão Tembin, nhiều tỉnh, thành trong phạm vi ảnh hưởng của cơn bão đã có những phản ứng nhanh với mục tiêu đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho người dân. Phóng viên Báo Lao Động đã có ghi nhanh từ thực địa về công tác chống bão của các địa phương.

Cấp cứu ngư dân ở đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa). Ảnh: P.CHI

Bà Rịa - Vũng Tàu: Cưỡng chế ngư dân, du khách vào nơi an toàn

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kiểm tra công tác chống bão tại TP.Vũng Tàu, các huyện Xuyên Mộc, Long Điền, các địa phương ven biển có khả năng bị ảnh hưởng cao của bão số 16 - Tembin. Trong đó, TP.Vũng Tàu là địa phương trọng tâm phòng chống bão bởi không chỉ là nơi các tàu bè về tránh trú bão mà còn là thời điểm du khách đổ về đón lễ Noel và Tết Dương lịch.

Từ 17h ngày 25.12, TP.Vũng Tàu sẽ hạn chế tập trung đông người tại các khu vui chơi, công viên, bãi tắm; thông báo với BQL các khu du lịch trên địa bàn thành phố khuyến cáo du khách hạn chế ra đường, tiếp xúc với các bãi biển từ 12h ngày 25.12. Cty công viên cây xanh phải kiểm tra, rà soát khu vực có cây xanh lớn, tiến hành cắt, tỉa các tán lớn để giảm thiểu thiệt hại và gây nguy hiểm cho người dân.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Trình - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - chỉ đạo: Phải trực ứng phó 24/24h, nhất là vào thời điểm từ tối đến sáng, phải thực hiện di dời dân, các lồng bè trên sông Dinh và chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án ngay cả sau khi bão đã đi qua.

Đến 6h30 ngày 24.12, số lượng các tàu cá vào tránh trú bão trong các cảng của TP.Vũng Tàu 1.290 phương tiện. Trong đó, các tàu của thành phố Vũng Tàu là 725 tàu với khoảng 4.400 thuyền viên, tàu ngoại lai là 565 tàu với hơn 8.500 thuyền viên.

Tại Côn Đảo, UBND Huyện Côn Đảo cho biết, địa phương đã chuẩn bị một lượng lương thực đủ cho 7.000 dân, du khách, ngư dân vào tránh bão 16 - Tembin trong 7 ngày. Mọi công tác ứng phó với cơn bão số 16 sẽ hoàn thành xong trước 16h và việc sơ tán khách du lịch, nhân dân về điểm sơ tán trước 20h ngày 24.12.

Lúc 8h sáng 25.12, chợ Côn Đảo sẽ tạm ngừng họp chợ cho đến khi cơn bão đi qua; các trường học trên địa bàn được thông báo sẽ cho học sinh nghỉ học cho đến khi cơn bão đi qua và có thông báo đi học trở lại.

Bình Thuận: Kiên quyết không để người trên các lồng bè

UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương đã thông báo cho các chủ tàu tình hình thời tiết, ảnh hưởng của bão số Tembin để gia cố, chằng buộc an toàn, thu hoạch sớm hoặc vớt đưa lên bờ tránh bão, kiên quyết không để người trên các lồng bè. Đồng thời, chỉ đạo Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông báo và ban hành Công điện đến các địa phương, các sở, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh về tình hình thời tiết, diễn biến của bão, lượng mưa và mực nước trên các sông trong tỉnh để các địa phương chủ động triển khai công tác ứng phó. Tuyên truyền cho người dân chủ động phòng tránh bão, mưa, lũ, không bị động; rà soát các vùng trọng điểm, vùng trũng, ven biển để có kế hoạch di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn khi xảy ra bão…

TPHCM: Di dời hơn 5.000 dân tránh bão

Huyện Cần Giờ đã huy động gần 1.800 người tham gia ứng phó, chuẩn bị và khắc phục sau bão. Từ ngày 24.12, UBND huyện Cần Giờ tổ chức công tác di dời trên 5.000 dân trên địa bàn ở xã Thạnh An và các khu vực ven cửa sông, cửa biển về các nơi an toàn. Ngoài ra, công tác hậu cần đảm bảo được 103 tấn gạo, 1.420 thùng mì gói, 1.410 thùng nước và 149 tấn nhiên liệu.

Trong khi đó, UBND huyện Nhà Bè cũng đã liên lạc với chủ bến phà, bến đò chủ động ngừng hoạt động chở khách khi bão đổ bộ. Đặc biệt, toàn huyện có 16 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với 274 hộ đã bố trí sẵn sàng di dời khẩn cấp vào các vị trí an toàn. Chằng chống 637 căn nhà không đảm bảo an toàn. Bố trí 34 trụ sở, trường học, trung tâm văn hóa để di dời những nhà yếu có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của người dân.

TCty Điện lực TPHCM cho biết, toàn bộ nhân viên điện lực túc trực 24/24h nếu xảy ra sự cố về điện khi bão đổ bộ vào đất liền. Tăng cường thêm nhiều máy phát điện tại các trụ sở, bệnh viện… nếu lưới điện xảy ra sự cố nghiêm trọng. Đại diện Cty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM cho biết, huy động 600 người, 20 chiếc xe, 50 máy cưa để ứng phó với cơn bão. Hiện nhân viên công ty đang đi rà soát, cắt tỉa nhánh đối với 6.000 cây xanh thuộc diện có nguy cơ gãy.

Trong ngày 24.12, UBND TPHCM đã có công văn hỏa tốc đề nghị UBND quận, huyện có những công trình thi công mà có cần cẩu cao buộc phải hạ thấp xuống và chủ động tỉa cành, nhánh cây xanh khi gãy, đổ để đảm bảo an toàn chứ không thể chờ Cty TNHH MTV Công viên Cây xanh cử người đến. Người dân cũng phải đặt vật nặng, siết vít lại mái tôn tránh giông lốc. Các địa phương nếu cần thêm hỗ trợ có thể xin thêm lực lượng từ Bộ Tư lệnh TPHCM. Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM phải đề nghị Sở GTVT TPHCM, Tổng Công ty Điện lực TPHCM phối hợp cắt tỉa nhánh trước khi bão vào để tránh xảy ra sự cố đã làm đổ ngã, gãy nhánh nhiều cây xanh.

Vùng ĐBSCL và Nam Bộ: Học sinh nghỉ học, cưỡng chế sơ tán

Ngày 24.12, trao đổi với PV Lao Động, ông Kim Ngọc Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh - xác nhận: Vừa ra thông báo cho toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học trong 2 ngày (25 và 26.12 - tức thứ hai và thứ ba tới) nhằm ứng phó với bão Tembin.

Học sinh Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Kiêu cũng được thông báo nghỉ học trong ngày 25 - 26.12 đề phòng bão đổ bộ.

Do ít khi phải đối mặt với bão, người dân các tỉnh Nam Bộ vừa thiếu kinh nghiệm, vừa chủ quan khi chống bão. Trước vấn đề này, tỉnh Bến Tre quyết liệt di dời, nếu cần sẽ cưỡng chế để đảm bảo tính mạng của người dân. Dự kiến toàn tỉnh sẽ di dời khoảng 20.000 người, trong đó tập trung ưu tiên người già, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật… và sẽ hoàn thành trước 12h trưa 25.12. UBND tỉnh Kiên Giang thống kê có khoảng 300.000 hộ dân cần di dời đến nơi an toàn. Trà Vinh kiên quyết sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm; trong đó đặc biệt đối với các xã cù lao Long Hòa, Hòa Minh (huyện Châu Thành), An Phú Tân (Cầu Kè), Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa (thị xã Duyên Hải)...

Theo thống kê, Cà Mau có 87.964 người thuộc diện phải di dời, sơ tán. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo, các đơn vị đã phân công, sau cuộc họp, thông báo ngay đến người dân, nhất là vùng ven biển để người già, người bệnh, tài sản quan trọng được di dời ngay đến nơi an toàn.

Tại huyện đảo Phú Quốc tổng số tàu đánh cá trên vùng biển Phú Quốc khoảng 2.600 tàu. Đa số các tàu cá đã vào nơi trú ẩn an toàn, địa phương tiếp tục, khẩn trương thông báo cho các tàu còn lại vào bờ, tránh bão. Ông Đinh Khoa Toàn - Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - cho biết, sáng nay huyện vừa thực hiện nhiều công tác ứng phó với bão Tembin, trong đó đã cấm tất cả tàu thuyền ra khơi và cho học sinh nghỉ học từ ngày 25.12 cho đến khi hết bão...

Còn tại Bến Tre, tỉnh này vừa họp thống nhất cấm tàu thuyền ra khơi từ 8h sáng 24.12. Ước tính Bến Tre có 2.300 tàu thuyền với hơn 12.400 ngư dân. Tỉnh Kiên Giang đã cấm các tàu thuyền đánh bắt và các phương tiện hàng hải hoạt động trên biển kể từ chiều 23.12. Trong ngày 24.12, tỉnh Bến Tre đang gấp rút chuẩn bị sơ tán dân, kêu gọi tàu đánh cá vào bờ, chằng chống lại nhà cửa

Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho biết: Dự báo tối 25.12, bão số 16 sẽ đổ bộ vào đất liền nên địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, nóng nhất là tuyên truyền để người dân biết thông tin về cơn bão nguy hiểm nhằm có giải pháp chằng chống nhà cửa, bảo vệ tính mạng của chính mình. Tiếp tục thống kê tàu thuyền đang neo đậu và trên đường về để sắp xếp nơi neo đậu an toàn.

Ông Nguyễn Long Hoai - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Cà Mau - cho biết, tính đến chiều tối 24.12, toàn tỉnh có 8.114/17.401 nhà đã triển khai chằng chống. Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình chỉ đạo, tất cả nhà dân phải được chằng chống, tăng cường cấp độ bảo vệ càng cao càng tốt. Tất cả các lực lượng công an, bộ đội… phải đảm bảo an ninh tuyệt đối. Quản lý chặt chẽ thị trường, nhất là các hàng hóa thiết yếu; ngành y tế phải đảm bảo thuốc, hóa chất... Tất cả các cơ quan, từ hôm nay phải có người túc trực 24/24h. Đối với thông tin liên lạc, sử dụng tất cả các phương tiện tùy theo từng tình huống.

NHÓM PV LAO ĐỘNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/dam-bao-an-toan-muc-cao-nhat-cho-nguoi-dan-truoc-con-bao-tembin-583019.ldo