Đảm bảo an toàn mùa lễ hội

Tết Nguyên đán 2021, đặc biệt là mùa lễ hội mới đang cận kề. Để các hoạt động diễn ra an toàn, lành mạnh, văn minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị các địa phương lên phương án quản lý chặt chẽ công tác tổ chức cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm mùa lễ hội 2021.

Ước tính, mỗi năm ở nước ta có khoảng 8.000 lễ hội truyền thống lớn, nhỏ; trong đó có nhiều lễ hội dài ngày. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, để đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả… đòi hỏi sự tăng cường phối hợp của các cấp chính quyền địa phương, cơ quan, ban, ngành trong cả nước.

Lực lượng chức năng tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại các địa phương

Lực lượng chức năng tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại các địa phương

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2020 công tác tổ chức lễ hội trong cả nước có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Phần lớn các lễ hội đều diễn ra trang trọng. Tuy nhiên, việc quản lý và tổ chức lễ hội vẫn còn xảy ra những hiện tượng phản cảm, tranh cướp, chen lấn, xô đẩy; đốt đồ mã, vàng mã tại một số di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường; khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích... Đặc biệt, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm tại nhiều lễ hội, địa phương chưa được chú trọng.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 44/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Tại Chỉ thị 44/CT-TTg, Thủ tướng nhấn mạnh, việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo, quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm tuyệt đối an toàn các hoạt động lễ hội, tập trung đông người; có phương án, kịch bản đáp ứng phòng, chống dịch bệnh…

Về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân 2021, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cho biết, Tết đến là lúc các vấn đề về an toàn thực phẩm được đặc biệt chú trọng, bởi đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm. Do đó, ngoài việc truyền thông thích hợp để phổ biến những quy định, kiến thức về an toàn thực phẩm… các địa phương cần huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết, cũng như mùa Lễ hội xuân 2021.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh… chủ động, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tổ chức, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh cho tất cả nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm...

Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã triển khai kế hoạch cụ thể, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng.

Đỗ Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dam-bao-an-toan-mua-le-hoi-150836.html