Đảm bảo an toàn hồ đập, đê kè, lưới điện trong mùa mưa bão

Vân Đồn là địa bàn có hệ thống hồ đập, kênh mương, kè, đê biển, cũng như hệ thống lưới điện phân bổ cả trên bộ và trên biển. Việc đảm bảo an toàn cho các công trình này cũng chính là đảm bảo an toàn địa bàn trong mùa mưa bão.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn Vũ Đức Hưởng và đại diện Điện lực Vân Đồn kiểm tra địa điểm đấu nối điện cho các hộ dân Khu tái định cư Đoàn Kết.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn Vũ Đức Hưởng và đại diện Điện lực Vân Đồn kiểm tra địa điểm đấu nối điện cho các hộ dân Khu tái định cư Đoàn Kết.

Trên địa bàn huyện Vân Đồn có 26 hồ đập. Trong đó, 22 hồ được UBND huyện giao cho các địa phương quản lý; hệ thống cụm 3 hồ chứa nước: Khe Mai (xã Đoàn Kết), Khe Bòng (xã Bình Dân), Voòng Tre (xã Đài Xuyên) và hồ Lòng Dinh được Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập quản lý, khai thác ổn định, đảm bảo an toàn.

Hệ thống kênh mương dẫn nước trên địa bàn huyện chủ yếu bằng hình thức tự chảy, cơ bản đã được đầu tư kiên cố hóa và nâng cấp hằng năm; với tổng chiều dài 64,51km, đã kiên cố hóa 48,2km, còn lại 16,34km kênh đất (kênh nhánh, kênh chân rết đến mặt ruộng).

Ngoài ra, hệ thống đê biển ở Vân Đồn có tổng chiều dài gần 18km phân bổ trên địa bàn 6 xã (Đoàn Kết, Bình Dân, Đài Xuyên, Vạn Yên, Ngọc Vừng, Quan Lạn). Các công trình này đa phần có hệ thống rừng ngập mặn che chắn, nên hạn chế cơ bản ảnh hưởng của mưa bão, triều cường; đồng thời, đã được đầu tư nâng cấp đảm bảo ổn định chống gió bão cấp 6-9.

Việc dọn dẹp tại các hồ đập được thực hiện trước mùa mưa bão hàng năm.

Tuy nhiên, một số hồ đập nước nhỏ trên địa bàn huyện đang có hiện tượng rò rỉ, có nguy cơ mất an toàn vào mùa mưa bão khi dung tích hồ vượt ngưỡng tràn. Một số hồ có cửa van cống lấy nước bị hỏng do thi công dự án, cao trình đỉnh đập thấp, tràn xả lũ nhỏ. Bên cạnh đó, hệ thống kè bảo vệ khu dân cư xã Thắng Lợi xung yếu, cao trình đỉnh kè thấp khi triều cường cao, chân kè xói lở.

Bà Trương Thị Thúy Huyền, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Đơn vị đã tham mưu UBND huyện xây dựng phương án phòng chống thiên tai cho hệ thống hồ, đập, đê, kè biển, kênh mương… đảm bảo theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế. Trong thời gian mưa bão, bố trí nhân lực theo dõi chặt chẽ an toàn các công trình thủy lợi, mức nước thủy triều để có phương án xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Việc kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa, cũng như chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý trọng điểm xung yếu về hồ đập, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp cũng được Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập tổ chức tính toán kỹ lưỡng.

Không những vậy, với đặc thù địa bàn rộng, địa hình, địa chất phức tạp, đường điện kéo dài qua đồi núi, cây cối nhiều, đặc biệt có những khoảng vượt biển dài, mỗi khi có bão hay giông, lốc đều dễ bị ảnh hưởng… Do đó, công tác quản lý, vận hành hệ thống điện của Điện lực Vân Đồn gặp không ít khó khăn.

UBND huyện Vân Đồn đã chỉ đạo Điện lực Vân Đồn kiểm tra hệ thống cột dây điện, các trạm biến áp; xây dựng kế hoạch bảo vệ an toàn đường dây 35kW-10kW và trạm điện, củng cố, tu sửa trước mùa mưa, bão. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan làm tốt công tác cung cấp điện, đặc biệt là các xã đảo, cũng như kịp thời khắc phục hậu quả khi có thiên tai, bão lũ hoặc hỏa hoạn về điện xảy ra.

Ông Dương Thanh Bình, Phó Giám đốc Điện lực Vân Đồn, cho biết: Mỗi khi mưa to gió lớn, lưới điện thường phải đối mặt với tình trạng cây đổ làm chập hoặc đứt đường dây, do hệ thống đường dây đi qua nhiều vị trí phức tạp, nhất là những khoảng vượt biển lớn. Vì vậy, trước mùa mưa bão, chúng tôi tổ chức phát quang hành lang lưới điện. Đối với những điểm xung yếu, nguy cơ sạt lở, cùng với kiểm tra định kỳ hằng tháng, đơn vị còn thường xuyên tổ chức kiểm tra sau những đợt mưa to, gió lớn. Từ đó đưa ra các biện pháp khắc phục, đảm bảo vận hành an toàn.

Hằng Ngần

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/dam-bao-an-toan-ho-dap-de-ke-luoi-dien-trong-mua-mua-bao-3193218.html