Đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 2016, Hiện cả nước đã đầu tư xây dựng được 6.886 hồ chứa nước trong đó có 6.648 hồ chứa thủy lợi (chiếm 96,5%) và 238 hồ chứa thủy điện (chiếm 3,5%) với tổng dung tích khoảng 63 tỷ m3 nước, trong đó thủy điện 56 tỷ m3 (chiếm khoảng 86%).

TS Phan Tùng Mậu – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu đề dẫn.

TS Phan Tùng Mậu – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu đề dẫn.

Ngày 12/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Đánh giá an toàn hồ đập ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam”. GS TSKH Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS Phan Tùng Mậu – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, TS Phan Tùng Mậu – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, hiện nay trên cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động nhưng thời gian xây dựng, quy mô của chúng là khác nhau, có hồ đã trên 50 tuổi. Vừa qua, VUSTA đã có cuộc khảo sát hồ đập tại Thanh Hóa, Hòa Bình. Quá trình khảo sát cho thấy, các đập hồ lớn hiện cơ bản là tốt, nhưng các hồ nhỏ hầu như đã xây dựng rất lâu. Chính vì vậy, Liên hiệp Hội Việt Nam xin ý kiến các nhà khoa học về việc nên xử lý các hồ đập có nguy cơ vỡ trong thời gian tới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 2016, Hiện cả nước đã đầu tư xây dựng được 6.886 hồ chứa nước trong đó có 6.648 hồ chứa thủy lợi (chiếm 96,5%) và 238 hồ chứa thủy điện (chiếm 3,5%) với tổng dung tích khoảng 63 tỷ m3 nước, trong đó thủy điện 56 tỷ m3 (chiếm khoảng 86%). Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều hòa nguồn nước giữa các mùa trong năm để phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, sản xuất điện.

Theo ý kiến của TS Đào Trọng Tứ - Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam cho biết, vùng trung du, miền núi phía Bắc và ĐBSH nằm gần trọng trong lưu vực sông Hồng-Thái Bình có số lượng hồ chứa lớn nhất ở Việt Nam. Đây là vùng có dân số đông và nhiều vùng có mật độ dân cư cao, đặc biệt ở vùng đồng bằng. Vấn đề an toàn của các công trình hồ chứa thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng có vai trò cực kỳ quan trọng, bảo đảm an toàn cho vùng hạ lưu.

Trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình đến nay đã có rất nhiều công trình hồ chứa lớn, vừa và nhỏ. Công trình hồ chứa Hòa Bình được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1990 với bốn nhiệm vụ chủ yếu: Cắt lũ, phát điện, cấp nước tưới và giao thông thủy đã làm tăng khả năng điều tiết mùa kiệt lên 300 – 400m3/s. Công trình hồ chứa Thác Bà bắt đầu hoạt động từ cuối năm 1971 đã bổ sung thêm khoảng 100 – 200m3/s trong các tháng mùa kiệt, ngoài ra còn có rất nhiều công trình hồ chứa khác như công trình hồ Tuyên Quang (hoàn thành năm 2007), hồ Sơn La, hồ Huổi Quảng, Bản Chát, Nậm Chiến, Nậm Nhùn, Nậm Na, Bắc Mục, Van Lăng, Nà Lạnh…đã bổ sung thêm khoảng 18 tỉ m3 nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, toàn lưu vực sông Hồng – Thái Bình đã xây dựng được 29 hệ thống thủy nông, 900 hồ chứa lớn và nhỏ, 1300 đập dâng, hàng nghìn trạm bơm điện lớn nhỏ, hàng vạn công trình tiểu thủy nông như mương, phai…Toàn bộ công trình đã tưới được 620.000 ha lúa chiêm xuân, 730.000 ha lúa mùa, hàng chục nghìn ha rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp. Chống lũ kết hợp tiêu úng bảo vệ hàng nghìn ha đất canh tác và các khu công nghiệp dân cư đô thị trên toàn lưu vực.

Chính vì vậy, theo TS Tứ, bảo đảm an toàn hồ đập cũng chính là bảo đảm an toàn cho các khu vực thượng và hạ lưu các hồ chứa là một nhiệm vụ cực kỳ quan trong để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho con người, hạ tầng kinh tế, xã hội của đất nước. Những bài học vỡ đập trên thế giới cũng như ở Việt Nam, và gần đây nhất là vụ vỡ đập Xe Pian-Xe Nam Noy của Lào là bài học lớn cho Việt Nam-một nước có rất nhiều hồ đập và nhiều hồ đập trong tình trạng xuống cấp, mất an toàn.

Còn đối với ý kiến của GS.TS Vũ Trọng Hồng - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, để bảo đảm tiêu chí an toàn công trình đầu mối của hồ chứa, đối với đập đất cần nghiên cứu những vấn đề sau: xói ngầm thân đập và nền đập, trượt mái đập, đập tràn bị hư hỏng. Trong những sự cố trên thì nền đập và xói ngầm là khó phát hiện.

Muốn xử lý xói ngầm, theo GS Hồng cho biết, trong lúc lũ đang chảy vào hồ, thì phải ngay lập tức đổ lên đường thấm những lớp vật liệu (cát, sỏi) theo kich cỡ đúng tiêu chuẩn, được gọi là lớp lọc ngược. Sau đó đổ đá to lên trên cũng theo từng lớp, được gọi là lớp phản áp. Cuối mùa lũ, hạ thấp mực nước hồ, bằng cách tháo qua cống xả của hồ. Sau đó đào chỗ thấm ra, rồi đắp lại bằng đất mới theo tiêu chuẩn, đầm nện kỹ, đạt dung trọng thiết kế. Tốc độ hạ thấp mực nước hồ, thường dưới 1m/ngày đêm, để không xảy ra trượt mái thượng lưu đập.

Còn về vấn đề nền đập, theo GS Hồng cần ổn định nền đập, ngoài việc xói ngầm nêu trên, đập phải đảm bảo không lún quá mức, cũng như không bị trượt về phía hạ lưu. Muốn vậy, đất, đá nền đập phải đạt yêu cầu theo thiết kế quy định.

Nếu nền đập là đá diệp thạch, sau một thời gian làm việc sẽ bị tan rã trong nước (nền đập tràn thủy điện Trị An, trên sông Đồng Nai). Nếu nền là bùn, không vét sach, sẽ làm nứt thân đập (nền đập đá đổ thủy điện Hòa Bình trên sông Đà).

Về Trượt mái hồ chứa, hàng năm hồ chứa được tích nước về mùa lũ, và xả nước về mùa khô. Việc dâng mực nước, hoặc hạ thấp mực nước hồ chứa nhanh quá (trên 3m/ngày đêm), thì có khả năng sạt mái hồ chứa ở thượng lưu. Khi mái hồ chứa là những lớp diệp thạch thì khi thay đổi mực nước hồ dễ xảy ra sạt mái, GS Hồng cho biết.

Những vấn đề về đập tràn, theo GS Hồng, lịch sử thế giới đã chỉ ra rằng, phần lớn những đổ vỡ đập đất xuất hiện khi bị nước tràn qua đỉnh. Nguyên nhân phổ biến nhất là đập tràn không đủ năng lực xả (tràn thiếu chiều rộng, cửa tràn không mở hết được). Ngoài ra bản thân đập tràn cũng có thể bị đổ vỡ do xói ngầm từ mũi phun, phát triển theo đưởng tràn dẫn đến toàn bộ máng tràn bị sập. Do vậy, những đường ríc rắch ở cuối tràn phải đủ tiêu năng dòng chảy, nếu không cũng sẽ bị xói nền. Ví dụ, hồ Ngọc Lặc, Thanh Hóa đã được sửa chữa và nâng cấp đoạn tiêu năng đó.

Tại hội thảo các đại biểu đã thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến như cần kiểm tra và đánh giá mức an toàn của tất cả các đập thủy điện trên toàn vùng, đặc biệt là các đập nhỏ, từ đó đề ra các biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn cho từng hồ đập và có phương án phòng lũ cho toàn bộ các hồ đập thủy điện để đối phó và giảm thiểu tác hại của việc xả lũ; Với quy trình phòng lũ hiện nay và các phương án đối phó khi có lũ hoặc xả lũ, hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng không đối phó kịp thời khi xả lũ vì quy trình thông báo và chuẩn bị thường là quá gấp, người dân sẽ không kịp phản ứng; Ngoài ra, cần có phương án cho việc mở các cửa xả, căn cứ vào lưu lượng nước xả ra thì đánh giá ảnh hưởng của việc xả lũ đến sản xuất và đời sống của người dân.

HT

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/dam-bao-an-toan-ho-chua-thuy-loi-65792