Đảm bảo an toàn giao thông những tháng cuối năm

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành luật cho người tham gia giao thông là giải pháp trọng tâm, căn cơ, được TPHCM tập trung triển khai để kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trong những tháng cuối năm. Thông tin trên được ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM, nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP.

Đầu tư, nâng cấp nút giao thông Mỹ Thủy giúp giao thông khu vực cảng Cát Lái, quận 2, tốt hơn. Ảnh: CAO THĂNG

Đầu tư, nâng cấp nút giao thông Mỹ Thủy giúp giao thông khu vực cảng Cát Lái, quận 2, tốt hơn. Ảnh: CAO THĂNG

PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá thế nào về tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TPHCM thời gian qua?

Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Điều dễ nhận thấy là tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các “điểm nóng”: sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, khu vực trung tâm, các cửa ngõ ra - vào thành phố.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó, nguyên nhân chính là do phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, trong khi phần lớn các giải pháp kiểm soát chưa phát huy hiệu quả. Số lượng phương tiện tăng cao nhưng ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa cao, nhóm này chủ yếu rơi vào người điều khiển xe 2 bánh, xe container và người bộ hành.

Theo ghi nhận, các vụ tai nạn giao thông xảy ra gây thương vong nhiều nhất tập trung vào các nguyên nhân: Lưu thông không đúng phần đường, không chú ý quan sát, xử lý tình huống kém, đổi hướng không đúng quy định, không giữ khoảng cách an toàn, vi phạm tốc độ… Một thống kê đáng buồn khác, có hơn 70% số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện thiếu ý thức gây ra.

Trong khi đó, công tác kiểm tra xử lý vi phạm trật tự lòng lề đường tại một số địa phương chưa được duy trì thường xuyên. Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, kinh doanh, đậu xe không đúng quy định vẫn còn diễn ra nhiều nơi, trên nhiều tuyến đường. Tình trạng mất trật tự lòng lề đường, họp chợ tự phát vẫn còn diễn ra. Đây cũng là những nguyên nhân góp phần làm cho ùn tắc giao thông chưa giảm.

Hơn 70% vụ tai nạn giao thông liên quan đến ý thức người điều khiển phương tiện, theo ông cần làm gì để khắc phục tồn tại này?

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải luôn được TPHCM xác định là nhiệm vụ quan trọng. Chúng tôi cho rằng, để chuyển biến ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải của người dân cần có sự tham gia đồng loạt của nhiều đơn vị chức năng. Ngoài Ban ATGT thành phố, còn có thêm các lực lượng: Ban ATGT các quận huyện, Thành đoàn, Sở GTVT, Sở GD-ĐT, Sở TT-TT …

Ban ATGT thành phố và Ban ATGT các quận huyện sẽ đảm trách xây dựng kế hoạch chuyên đề tuyên truyền, vận động gắn với giám sát thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT; xây dựng chuyên đề ATGT cho người đi mô tô, xe đạp điện và các chuyên đề phù hợp với tình hình thực tế; tăng cường tuyên truyền, vận động cơ sở, phát huy hiệu quả của hệ thống truyền thanh phường xã, thị trấn. Đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật và chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT vào sinh hoạt thường xuyên của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội. Đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT thành một tiêu chí đánh giá chất lượng của tổ chức đoàn thể, cán bộ, công chức viên chức. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tổ chức phi chính phủ… để xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo đục pháp luật về ATGT.

Thành đoàn và Sở GD-ĐT sẽ đảm trách triển khai tuyên truyền cụ thể tập trung vào đối tượng thanh niên, học sinh nhằm tạo sự tác động mạnh mẽ làm chuyển biến nhận thức của các em trong việc tự giác chấp hành pháp luật về ATGT.

Ban ATGT thành phố đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các đoàn thể phát huy chức năng tuyên truyền, vận động xã hội, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục trong hệ thống đoàn viên, hội viên và các khu dân cư ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa ý thực tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện ở các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố.

Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự ATGT có gì mới trong thời gian tới?

Chúng tôi cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cần được đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả trong thời gian tới. Theo đó, nội dung tuyên truyền phải đi vào chiều sâu, không hình thức, đúng đối tượng để mỗi người dân tự giác, có ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT. Thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền nhằm thu hút sự quan tâm của các đối tượng được tuyên truyền, nội dung cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo, nhất là hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Chú trọng tuyên truyền pháp luật, văn hóa giao thông đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tài xế. Vận động để người dân tích cực hỗ trợ trực tiếp tuyên truyền cho gia đình, người thân và cộng đồng dân cư nơi mình cư trú, qua đó góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” và phong trào “Toàn dân thực hiện văn hóa giao thông”.

Công tác tổ chức hoạt động tuyên truyền cũng tập trung vào các vấn đề kiểm soát tốc độ, kiểm soát tải trọng xe, kiểm soát nồng độ cồn đối với lái xe, an toàn đường ngang đường sắt, an toàn bến khách ngang sông. Trong đó chú trọng tuyên truyền và xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện, lưu thông quá tốc độ cho phép, chở hàng vượt tải trọng, xe máy lưu thông vào làn đường dành cho ô tô, không đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy…

Về giao thông đường thủy, tiếp tục tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa giao thông đối với người tham gia giao thông đường thủy nội địa.

Xin cảm ơn ông!

Sở GTVT TPHCM cho biết sẽ nghiên cứu và điều chỉnh phân luồng giao thông hợp lý trên các tuyến đường, khu vực như tại cảng Cát Lái, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực trung tâm. Hạn chế bằng cách chỉ cho phép hoạt động theo thời gian trên một số tuyến đường đối với đối tượng là xe taxi, phương tiện vận chuyển hành khách từ 30 chỗ ngồi trở lên, xe tải nặng, xe container…

Công tác tổ chức phân luồng giao thông sẽ tiếp tục được thường xuyên theo dõi, điều chỉnh một cách hợp lý nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông do ảnh hưởng rào chắn thi công. Tiến hành thường xuyên công tác rà soát, cải tạo kích thước hình học, mở rộng tầm nhìn đảm bảo ATGT; điều chỉnh, bổ sung hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ; tăng cường tiện ích nâng cao an toàn cho người đi bộ, đặc biệt cho trẻ em tại khu vực trường học.

Sở GTVT sẽ phối hợp với các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật, các chủ đầu tư để kiểm soát và điều phối kế hoạch phối hợp thi công trên đường bộ đang khai thác. Phối hợp với Công an thành phố để xóa các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông cũng như xóa các điểm đen tai nạn giao thông.

THIỆN NHÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dam-bao-an-toan-giao-thong-nhung-thang-cuoi-nam-693771.html