Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi mùa mưa lũ

Đến nay, Cty Khai thác công trình thủy lợi Bình Định đã hoàn tất việc rà soát, sửa chữa các thiết bị, máy móc tại các công trình thủy lợi trọng điểm.

Đập dâng Văn Phong nằm trên địa bàn huyện Tây Sơn, công trình thủy lợi trọng điểm của Bình Định.

Cụ thể là hồ Định Bình (Vĩnh Thạnh), hồ Thuận Ninh (Tây Sơn), hồ Vạn Hội (Hoài Ân) và đập dâng Văn Phong (Tây Sơn) nhằm đảm bảo phục vụ công tác quản lý, vận hành công trình trong mùa mưa lũ.

Đặc biệt tại hồ Định Bình, hồ có dung tích lớn nhất tỉnh với 226 triệu m3 nước, đơn vị quản lý đã lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống camera giám sát 12 cửa tràn và 4 trạm đo mưa tự động.

Theo ông Lê Văn Quế, Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Định Bình, các trang thiết bị hiện đại đã giúp đơn vị này thực hiện chính xác hơn nhiệm vụ bảo vệ công trình. Hơn nữa, các trang thiết bị hiện đại cũng đã giúp việc kiểm tra, giám sát lượng mưa, lượng nước đến cũng thuận lợi hơn.

“Các thông số thu thập được rất quan trọng, đó là cơ sở để chúng tôi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo điều tiết nước trong từng thời điểm cụ thể, sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Chúng tôi tổ chức túc trực 24/24 giờ tại công trình để quan trắc, vận hành và thực hiện báo cáo tất cả các yếu tố liên quan đến hồ Định Bình cho cấp trên xem xét, chỉ đạo đúng theo quy định”, ông Quế chia sẻ.

Theo Cty KTCTTL Bình Định, đến nay đã có 46 hạng mục, công trình thuộc hệ thống thủy lợi do Cty quản lý hư hỏng trong mùa mưa lũ năm ngoái đã được sửa chữa, nâng cấp. Công ty cũng đã đầu tư thêm 3 máy phát điện dự phòng cho các hồ chứa nước lớn, chuẩn bị đầy đủ vật tư, vật liệu tại các công trình đảm bảo có thể xử lý ngay những sự cố ban đầu. Bên cạnh đó, đơn vị cũng lên phương án ứng phó các diễn biến của thiên tai cho các công trình lớn, quan trọng.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt phương án ứng phó thiên tai các hồ: Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh, Hội Sơn, Vạn Hội và đập dâng Văn Phong. Phương án được duyệt cũng quy định rất cụ thể về công tác vận hành, điều tiết và trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các hồ chứa nói trên.

Cùng với đó, Cty KTCTTL Bình Định cũng phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng các phương án ứng phó khẩn cấp cho 9 công trình hồ chứa do đơn vị quản lý thuộc địa bàn các huyện.

Trong các phương án thể hiện rất rõ danh sách, số điện thoại di động của lãnh đạo và lực lượng xung kích của các xã, lực lượng tại chỗ của các xí nghiệp trực thuộc Cty; danh sách chủ phương tiện và phương tiện phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Hồ chứa nước Núi Một trên địa bàn TX An Nhơn (Bình Định).

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết, đã kiện toàn Tổ tư vấn vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn – Hà Thanh trong mùa mưa lũ năm 2019 với 8 thành viên.

Theo đó, ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở làm tổ trưởng, các ông Hồ Đắc Chương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Lê Trung Cang, Phó Giám đốc phụ trách Cty KTCTTL Bình Định làm tổ phó. Ngoài ra, lãnh đạo Đài Khí tượng thủy văn Bình Định, Cty CP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, Cty CP Thủy điện trà Xom và Cty CP Đầu tư Vĩnh Sơn cũng được mời tham gia Tổ tư vấn.

"Tổ tư vấn có trách nhiệm tư vẫn cho Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh các giải pháp vận hành liên hồ trong các tình huống khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du trong mùa mưa lũ”, ông Hổ nhấn mạnh.

"Chúng tôi xây dựng nhiều kịch bản và phương án xử lý tình huống; quy định cụ thể về thông tin các trường hợp khẩn cấp; chuẩn bị vật tư, vật liệu, phương tiện, máy móc tại chỗ để ứng cứu; huy động lực lượng tại chỗ và chỉ huy tại chỗ; di dời kịp thời người dân trong vùng bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch HĐQT Cty KTCTTL Bình Định.

An Nhân - Lê Khánh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dam-bao-an-toan-cong-trinh-thuy-loi-mua-mua-lu-post250252.html