Đảm bảo an toàn cho người dân là ưu tiên hàng đầu

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Định Dũng đề nghị các địa phương trong vùng ảnh hưởng của cơn bão số 9 cần khẩn trương triển khai sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm. Ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân…

Chiều 27/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp khẩn với Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 tại thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam.

Theo báo cáo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, bão số 9 mạnh lên và đi rất nhanh, tốc độ 25 đến 30 km/giờ, diện ảnh hưởng của bão rất lớn và sức gió suy giảm chậm ngay sau khi đã đổ bộ vào đất liền. Dự báo, sáng sớm mai, 28/10, bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh Trung Trung Bộ, từ Đà Nẵng đến Phú Yên, tâm bão có khả năng sẽ vào Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.

Để ứng phó với bão số 9, UBND các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Kon Tum đã có công điện, văn bản chỉ đạo và triển khai ứng phó với bão như tổ chức thông báo, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển trú tránh, neo đậu, rà soát, chuẩn bị sơ tán dân khu vực nguy hiểm, sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ và mưa lũ sau bão.

Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên dự kiến sơ tán 448.067 người trong khu vực nguy hiểm, thời gian hoàn thành vào 17 - 19 giờ chiều 27/10. Học sinh các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên nghỉ học từ ngày 27/10.

Hiện tại, đã có 45.009 tàu cá với gần 230 nghìn lao động đã vào neo đậu an toàn, còn 142 tàu cá tỉnh Bình Định với 1.118 lao động đang ở khu vực nguy hiểm, đều đã nhận được thông tin về cơn bão và đang di chuyển về phía nam để trú tránh. Ở các cảng Đà Nẵng, Quy Nhơn có 223 tàu vận tải đã được neo đậu an toàn. Các địa phương đang tổ chức gia cố, sơ tán người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp khẩn với Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 tại thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp khẩn với Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 tại thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam.

Đối với các hồ đập thủy lợi và hồ thủy điện đều đang được kiểm tra, gia cố, những hồ có mực nước cao đều đang xả tràn để đón đợt lũ mới, góp phần ngăn lũ cho hạ du khi bão vào gây mưa lớn.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, đồng chí Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, đến chiều 27/10, trên biển Đà Nẵng không còn phương tiện nằm trong khu vực nguy hiểm. Tại Âu thuyền Thọ Quang đang có 1.140 tàu, thuyền neo đậu, vịnh Mân Quang có 300 tàu thuyền. Toàn thành phố có 12.067 hộ, 52.180 nhân khẩu cần sơ tán đến nơi an toàn. Trên địa bàn huyện đang có hơn 3.000 hộ dân cần di dời, dự kiến sẽ hoàn thành trước 19h tới nay. Huyện Hòa Vang đã nhanh chóng thành lập 12 tổ kiểm tra công tác phòng chống bão, lũ lụt.

Để bảo đảm an toàn, kể từ 20h tối nay, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết cho đến khi có thông báo mới. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ làm việc trong ngày 28/10.

Còn tại Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, ngoài việc hoàn thành sơ tán gần 130 nghìn người dân ở ven biển, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương miền núi, nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá di dời dân đến nơi an toàn, dự trữ lương thực, thực phẩm, phương tiện ứng cứu... theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Tại buổi họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Định Dũng đề nghị các địa phương trong vùng ảnh hưởng của cơn bão số 9 cần khẩn trương triển khai sơ tán người dân tại các khu vực ven biển, thấp trũng, nhà yếu, khu du lịch, các khu vực có nguy cơ sạt lở ngay trong thành phố.

Người dân Đà Nẵng hối hả chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ.

“Đây là một trong 2 cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm đổ bộ vào nước ta. Dù chủ động như thế nào nhưng không thể chủ quan vì thiên tai rất nhiều bất ngờ. Ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân, Chính phủ sẽ huy động tối đa các nguồn lực, nhất là quân đội, công an... để ứng cứu khi có sự cố xảy ra”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

Cùng với đó, các đơn vị chức năng hướng dẫn, chỉ đạo người dân chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, các công trình công cộng, đặc biệt đối với các công trình cột, tháp cao, khu công nghiệp.

Sẵn sàng lực lượng, vật tư để cứu hộ, ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố, kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân, cử người theo dõi, canh gác tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, ngầm tràn, nước chảy xiết, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; đảm bảo an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa, hệ thống đê biển, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu.

Người dân cần chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài nhiều ngày.

L.T

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/dam-bao-an-toan-cho-nguoi-dan-la-uu-tien-hang-dau-96778.html