Đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi xe đưa đón

Bắt đầu từ năm học 2000-2001, TPHCM triển khai thí điểm mô hình đưa đón học sinh bằng xe buýt, đồng thời áp dụng chính sách trợ giá 50% phí dịch vụ đối với 14 trường học nằm trên những tuyến đường có mật độ giao thông cao.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) sử dụng dịch vụ xe đưa đón. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) sử dụng dịch vụ xe đưa đón. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đến nay, sau gần 20 năm hoạt động, mô hình đã dần tạo được tin tưởng nơi phụ huynh, góp phần đáng kể giảm thiểu nguy cơ gây ùn tắc.

Nhà xe - trường học ràng buộc trách nhiệm

Là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai thí điểm mô hình đưa đón học sinh bằng xe buýt, năm học 2018-2019, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) đã tổ chức được 55 xe buýt đưa đón, phục vụ nhu cầu đi lại của khoảng 1.000 học sinh. Bà Trần Thị Hồng Thủy, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết, mỗi đầu năm học phụ huynh có nhu cầu cho con đi học bằng xe đưa đón sẽ đăng ký trực tiếp với trường, sau đó trường dựa vào sơ đồ tuyến của các nhà xe để phân bổ học sinh.

“Hàng năm, chúng tôi đều ký thỏa thuận về trách nhiệm và nhiệm vụ của từng bên đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ, trong đó nhấn mạnh các yêu cầu về đảm bảo an toàn cho học sinh, chất lượng xe, tính hợp pháp, hợp lệ của phương tiện. Ngoài ra, đơn vị cung cấp dịch vụ còn ký một thỏa thuận khác với phụ huynh, quy định rõ về trách nhiệm, quyền lợi của mỗi bên”, bà Thủy cho biết.

Đối với bậc tiểu học, từ tháng 3-2017, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích thanh niên xung phong tổ chức xe đưa đón phục vụ nhu cầu đi lại của học sinh. Theo cô Nguyễn Thị Nguyệt Thu, Phó hiệu trưởng nhà trường, mỗi ngày khi sử dụng dịch vụ xe đưa đón, học sinh đều được kiểm tra kỹ về số lượng, có ký nhận bàn giao giữa bảo mẫu của trường và “bảo mẫu” của xe đưa đón.

Tất cả xe dùng để đưa đón học sinh đều là xe 16 chỗ, tài xế và nhân viên phục vụ mặc đồng phục của lực lượng thanh niên xung phong. Xe không dừng ở trạm cố định theo tuyến mà nhận và bàn giao học sinh tận nhà, trao trả các em tận tay phụ huynh. Ngoài ra, số điện thoại của tổ phục vụ gồm tài xế và nhân viên phục vụ đều được công khai với phụ huynh để tiện cho việc liên hệ khi xảy ra sự cố.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ các quận, huyện, hiện số lượng học sinh sử dụng dịch vụ xe đưa đón ở các quận nội thành đang có chiều hướng giảm. Thay vào đó, nhu cầu sử dụng dịch vụ này ở 5 huyện ngoại thành (Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè) ổn định hơn do có chính sách trợ giá của TP. Lý giải điều này, hiệu trưởng một trường THCS ở quận 12 bày tỏ, so với các trường quốc tế, phí dịch vụ xe đưa đón ở trường công chỉ bằng một nửa, có nơi chưa đến 1/3. “Đó vừa là ưu điểm, song cũng là nguyên nhân gây nên một số hạn chế như đội ngũ phục vụ thường xuyên biến động, chất lượng xe không đồng đều giữa các tuyến”, vị này cho biết.

Đề cao vai trò của hiệu trưởng

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, mỗi đầu năm học, Sở GD-ĐT đều có văn bản nhắc nhở các đơn vị trường học tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự trong trường học. Theo đó, các trường có trách nhiệm xây dựng quy trình, kế hoạch đảm bảo an toàn cho học sinh trong tất cả hoạt động học tập, sinh hoạt, vui chơi, dã ngoại trong và ngoài trường cũng như quá trình vận chuyển học sinh.

“Theo tôi, trách nhiệm cao nhất thuộc về hiệu trưởng, từ việc phân công, giao nhiệm vụ đến kiểm tra, giám sát, đôn đốc quá trình thực hiện ở từng khâu, bộ phận trong nhà trường. Ngoài ra, để chủ động phòng tránh sự cố đáng tiếc xảy ra với học sinh, trường học cần có kế hoạch tuyên truyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và phối hợp tổ chức giữa tất cả lực lượng như giáo viên, bảo mẫu, nhân viên trong nhà trường”, ông Hiếu bày tỏ.

Ở góc độ khác, theo ông Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), đối với học sinh ở lứa tuổi tiểu học, trường không nên “khoán” hết trách nhiệm cho đơn vị vận tải mà nên có sự phối hợp tốt giữa giáo viên chủ nhiệm và đội ngũ phục vụ trên xe. “Giáo viên chủ nhiệm là những người hàng ngày gần gũi, hiểu được thể trạng, tâm lý của từng học sinh. Quãng đường vận chuyển các em từ nhà đến trường hoặc ngược lại ngoài việc đảm bảo an toàn về mặt số lượng còn cần sự gần gũi, chia sẻ, hiểu được thói quen của từng em để kịp thời xử lý khi xảy ra tình huống khẩn cấp”, hiệu trưởng này cho biết. Riêng đối với học sinh các bậc học lớn hơn, song song với việc tăng cường giám sát hoạt động đưa đón, trường học cần thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng ứng xử khi gặp tình huống xấu.

Ngoài ra, bên cạnh hợp đồng đưa đón học sinh vào đầu và cuối giờ học, trường học và doanh nghiệp vận tải có thể “bắt tay nhau” vận chuyển học sinh đi học bơi, tham gia các hoạt động ngoại khóa giúp đơn vị vận tải có thêm chi phí bù đắp nhân công, nhiên liệu, qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ.

THU TÂM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dam-bao-an-toan-cho-hoc-sinh-khi-di-xe-dua-don-609391.html