Đảm bảo an toàn cho các tàu du lịch

Trước năm 2017, trên vịnh Hạ Long xảy ra hàng loạt các vụ cháy tàu, chủ yếu là tàu lưu trú. Thế nhưng, hơn 2 năm trở lại đây, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, sự quan tâm của doanh nghiệp, hiệu quả của công tác PCCC tàu du lịch đã được nâng lên rõ rệt. Từ đó, không chỉ đảm bảo an toàn cho du khách mà còn góp phần đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch cũng như an ninh trật tự ở địa phương.

Khu vực buồng máy là một trong những nơi có nguy cơ cao xảy ra hỏa hoạn luôn được lực lượng chức năng và thuyền trưởng kiểm tra kỹ càng.

Khu vực buồng máy là một trong những nơi có nguy cơ cao xảy ra hỏa hoạn luôn được lực lượng chức năng và thuyền trưởng kiểm tra kỹ càng.

Là một trong những tàu hoạt động vận chuyển khách trên vịnh Hạ Long, tàu Paradise QN-6999 thuộc Công ty CP Du thuyền 5 sao Tuần Châu có 15 phòng, với 22 thuyền viên, mỗi ngày đón tối đa 34 khách du lịch, chủ yếu là khách nước ngoài. Dường như đã thành thói quen, Thuyền trưởng Phan Công Cường cho biết: “Mỗi ngày, trước khi tàu xuất bến, tôi đều chỉ đạo và cùng anh em thủy thủ kiểm tra lại kỹ càng các khu vực đặt bình gas, buồng máy, các ổ cắm điện và thử hoạt động của đèn báo cháy. Sau khi chắc chắn mọi thứ hoạt động tốt, tôi mới phát lệnh chạy tàu. Trước chỉ là thực hiện theo quy định, nhưng giờ, sau nhiều năm, đã thành thói quen, có lúc mình quên, chính các anh em thủy thủ lại nhắc mình”.

Bình chữa cháy được bố trí ngay lối lên tàu Majestic QN-4896, Công ty TNHH Truyền thông Du lịch A&T.

Tại một doanh nghiệp khác, Công ty TNHH Truyền thông Du lịch A&T hiện có 3 tàu lưu trú, trong đó có 1 tàu hoán cải từ năm 2018, với khoảng 30 thuyền viên làm việc trực tiếp trên tàu. Cho đến nay, toàn bộ nhân viên công ty đều đã được cử tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC do Phòng PC07 tổ chức. “Xác định an toàn là trên hết, tàu an toàn, khách an toàn thì doanh nghiệp mới phát triển, đồng thời thực hiện theo sự hướng dẫn của lực lượng chức năng, toàn bộ các trang thiết bị liên quan đến PCCC đều được công ty chúng tôi trang bị đầy đủ và thường xuyên tự kiểm tra hạn sử dụng của các bình chữa cháy và các phương tiện liên quan, kịp thời thay thế, bảo dưỡng, tránh để han rỉ, hết hạn sử dụng. Công ty cũng bố trí thuyền viên trực tàu 24/24h, kể cả thời gian cập cảng để sẵn sàng xử lý các sự cố”, anh Trần Nho Phúc, Quản lý phụ trách điều hành công ty khẳng định.

Để có được những kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, phải kể đến tinh thần trách nhiệm, quyết tâm của Cảnh sát PCCC trong việc thực hiện phong trào toàn dân PCCC. Trong 3 năm qua, PC07 đã tuyên truyền lưu động, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho gần 6.000 thuyền viên; phối hợp thực tập 38 phương án chữa cháy; kiểm tra trên 2.600 lượt, qua đó kiến nghị khắc phục các sơ hở, thiếu sót về PCCC tàu du lịch. Hơn 1 năm sau ngày sáp nhập vào Công an tỉnh theo mô hình tổ chức mới, công tác quản lý nhà nước đối với phương tiện thủy nội địa nói chung và công tác PCCC đối với tàu du lịch nói riêng vẫn được duy trì. Tuy nhiên, mặc dù chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát PCCC trên sông, biển vẫn không thay đổi, địa bàn vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long rộng lớn, nhưng những hạn chế vì lực lượng mỏng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ thiếu (hiện được trang bị 1 tàu, 3 xuồng chữa cháy, 1 xuồng cứu hộ); tàu du lịch lại chưa phải là loại cơ sở được quy định cụ thể tại Nghị định 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Vì thế, công tác quản lý nhà nước của lực lượng Cảnh sát PCCC đối với loại hình phương tiện này gặp nhiều khó khăn.

Thực tập phương án chữa cháy tàu du lịch là một trong những giải pháp hữu hiệu để bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng của thuyền viên trong việc sử dụng các trang thiết bị PCCC và kỹ năng thoát hiểm.

Không những thế, với đặc thù là tàu lưu trú thường có lịch trình dài, thời gian cập cảng ngắn, lại vào buổi trưa, nên việc kiểm tra, hướng dẫn của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, đội ngũ thuyền viên làm việc trên tàu du lịch không ổn định, thường xuyên thay đổi. Để khắc phục những hạn chế đó, theo Thiếu tá Đỗ Công Giang, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông, biển: “Đơn vị phải bố trí cán bộ kiểm tra ngoài giờ hành chính, tranh thủ lúc tàu cập cảng đón khách, để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tập huấn cũng phải bố trí bằng cách chia nhỏ thời gian hàng ngày sao cho đủ 16 giờ chứ không dồn vào 1, 2 ngày như với các đơn vị khác. Cho đến nay, có thể khẳng định đa số các thủy thủ, thuyền viên đã biết cách sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ, có những kỹ năng cơ bản để phòng ngừa, làm tốt công tác PCCC trên tàu”.

Vịnh Hạ Long hiện có 505 tàu du lịch hoạt động, trong đó phần lớn là tàu vỏ gỗ. Có thể nhận thấy, chính từ nhận thức của các thủy thủ và chủ các doanh nghiệp đã thay đổi một cách tích cực trong nhiều năm qua, đến sự vào cuộc một cách đồng bộ của các cơ quan chức năng, nên từ tháng 3/2017 đến nay, trên vịnh Hạ Long không để xảy ra bất cứ một vụ cháy tàu nào. Điều đó không chỉ khẳng định vịnh Hạ Long an toàn, mà chính là điều kiện thuận lợi để môi trường kinh doanh du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long được đảm bảo.

Hằng Ngần

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201909/dam-bao-an-toan-cho-cac-tau-du-lich-2455610/