Đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ

Do phần lớn địa hình có độ dốc cao, dòng chảy mạnh trong mùa lũ và các công trình đều xuống cấp, nên hiện tại các địa phương trong tỉnh Quảng Nam đều tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung lực lượng, phương tiện để tôn tạo, gia cố, nâng cấp hệ thống hồ chứa, đập dâng, kênh mương, để không những đảm bảo nước tưới cho sản xuất mà còn có khả năng vượt lũ.

Đồng thời, giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra cho các công trình thủy lợi và đảm bảo an toàn cho cư dân ở khu vực hạ lưu.

Cầu An Hội, phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam bị ngập lũ. Ảnh tư liệu

Cầu An Hội, phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam bị ngập lũ. Ảnh tư liệu

Công trình thủy lợi Hố Do, có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho gần 200 ha đất sản xuất lúa mỗi năm 2 vụ và cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ gia đình xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Để đảm bảo tiến độ vượt lũ, hiện tại các đơn vị thi công đã khắc phục khó khăn do giá một số vật liệu như sắt thép tăng cao, tập trung nhiều phương tiện, thiết bị và nhân lực, tổ chức thi công liên tục để thi công các hạng mục quan trọng như thân đập, trà xả lũ, kênh chính và công trình trên kênh đúng tiến độ, đảm bảo vượt lũ an toàn và tích nước trong mùa mưa sắp tới.

Chỉ huy trên công trình, kỹ sư Trần Văn Hùng cho biết, theo kế hoạch, đến cuối năm, công trình thủy lợi Hố Do sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn vượt lũ, công trình đã đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm đến 30/8 sẽ hoàn thiện các hạng mục chính, đảm bảo vượt lũ an toàn trong mùa mưa lũ năm nay.

Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Võ Văn Hùng chia sẻ, sau mùa mưa lũ năm 2020, hàng chục công trình kênh mương, hồ chứa, đập dâng trên địa bàn huyện bị hư hại nghiêm trọng, nếu không sửa chữa kịp thời sẽ khó đảm bảo nguồn nước tưới cho cả hai vụ sản xuất chính trong năm. Khắc phục tình trạng này, huyện Thăng Bình đã sử dụng toàn bộ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và của địa phương để tập trung sửa chữa hệ thống kênh mương, những công trình thủy lợi bị sạt lở, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước tưới cho sản xuất.

Ngoài ra, đối với những công trình thủy lợi thật sự bức bách về vệ cung cấp nguồn nước tưới, huyện Thăng Bình đã sử dụng ngân sách địa phương để tiến hành sửa chữa. Nhờ những cố gắng trên nên toàn bộ diện tích hơn 17.000 ha lúa và hoa màu của địa phương đều đảm bảo nguồn nước tưới.

Theo dự báo của cơ quan chức năng, tình hình mưa lũ năm nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam diễn biến phức tạp, khó lường. Để đảm bảo an toàn vượt lũ, hiện tại trong số 16 công trình hồ chứa thủy lợi có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho hơn 3.100 ha lúa và cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ gia đình đang được nâng cấp, sửa chữa trên địa bàn toàn tỉnh; các địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm hoàn thành các hạng mục chính như đập chính, đập phụ, tràn xả lũ, cống lấy nước, sửa chữa nâng cấp các công trình trên kênh trước mùa mưa bão năm 2021, đảm bảo tuyệt đối cho hồ, đập và cư dân phía hạ lưu.

Khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra đối với các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt là ưu tiên hàng đầu của ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên Trần Huy Tường cho biết, sau trận mưa lũ vào tháng 10/2020, công trình thủy lợi đập Cát Bầu, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam bị vỡ, khiến gần 800 nghìn mét khối nước gây ngập hoa màu và nhà cửa của người dân ở vùng hạ du. Rút kinh nghiệm sau thiệt hại nghiêm trọng này, huyện Duy Xuyên đã chỉ đạo cho các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi và các địa phương trong huyện tập trung tối đa phương tiện, vật tư, nhân lực để sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, vừa đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống ở vùng hạ lưu công trình.

Ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban Quản lý các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giá một số vật liệu tăng cao trong những tháng đầu năm đã làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn. Tuy nhiên, trước yêu cầu vừa đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt là khả năng cắt lũ, đảm bảo an toàn cho người dân ở vùng hạ lưu nên tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các đơn vị thi công khắc phục khó khăn, tập trung tối đa phương tiện thiết bị, nhân lực và cam kết thi công hoàn thành các hạng mục chính trên toàn bộ 16 công trình thủy lợi được xây mới và sửa chữa trong năm nay, đảm bảo an toàn vượt lũ và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa lũ sắp tới.

Sau mỗi mùa mưa lũ, các công trình thủy lợi là những hạng mục thường xuyên bị thiệt hại nghiêm trọng. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn hồ chứa nước, đập dâng, kênh mương thủy lợi và đảm bảo an toàn cho dân cư ở khu vực hạ lưu luôn là vấn đề được tỉnh Quảng Nam đặt lên hàng đầu. Việc đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với đảm bảo chất lượng trên từng công trình là những yêu cầu bắt buộc để không những đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt mà còn giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Tin, ảnh: Đoàn Hữu Trung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/dam-bao-an-toan-cac-cong-trinh-thuy-loi-truoc-mua-mua-lu-20210615120122809.htm