Đảm bảo an toàn bức xạ

Quảng Ninh hiện có 75 cơ sở bức xạ với 231 thiết bị phát tia X, 54 nguồn phóng xạ. Nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, công tác quản lý an toàn bức xạ, bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ trên địa bàn luôn được các ngành, đơn vị liên quan chú trọng và thực hiện có hiệu quả. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Nhân viên y tế Bệnh viện Bãi Cháy thực hiện nghiêm quy định mang quần áo bảo hộ chống bức xạ trong điều trị, chẩn đoán hình ảnh.

Nhân viên y tế Bệnh viện Bãi Cháy thực hiện nghiêm quy định mang quần áo bảo hộ chống bức xạ trong điều trị, chẩn đoán hình ảnh.

Những năm gần đây, việc sử dụng các thiết bị bức xạ trong ngành y tế, công nghiệp, hải quan, xây dựng... ngày càng tăng. Tại Quảng Ninh, hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử, sử dụng nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ được thực hiện chủ yếu ở các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, công ty nhiệt điện, xây dựng và các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam... Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 75 cơ sở bức xạ với 231 thiết bị phát tia X, 54 nguồn phóng xạ. Trong đó có 56 cơ sở y tế sử dụng 207 thiết bị X-quang, 3 máy gia tốc, 6 nguồn phóng xạ; 17 cơ sở công nghiệp, dịch vụ sử dụng 24 nguồn phóng xạ; còn lại là nguồn phóng xạ lưu tại cơ sở bức xạ và các thiết bị đo kiểm tra công nghiệp.

Là một trong những đơn vị sử dụng nguồn phóng xạ nhiều nhất ở Quảng Ninh, Công ty Tuyển than Cửa Ông (Vinacomin) đã thực hiện nghiêm các yêu cầu, quy định về đảm bảo an toàn các nguồn phóng xạ. Đồng thời, bố trí một đồng chí phó giám đốc, một trưởng phòng trực tiếp phụ trách công tác an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ. Đội ngũ nhân viên liên quan đến bức xạ của công ty cũng được đào tạo và cấp chứng chỉ, trang bị bảo hộ lao động, các liều kế cá nhân theo đúng quy định... Hiện đơn vị có 13 nguồn phóng xạ được sử dụng để đo độ tro, độ ẩm của than.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn khi ứng dụng bức xạ phục vụ phát triển KT-XH tại địa phương, năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân của tỉnh; trong đó phân công nhiệm vụ tới từng thành viên, xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố trong các tình huống cụ thể. Công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ cũng được siết chặt thông qua việc thẩm định, phê duyệt, cấp phép hoạt động bức xạ cho các tổ chức, cá nhân, đơn vị. Định kỳ hằng năm, Sở KH&CN phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở bức xạ; hướng dẫn các đơn vị có nguồn bức xạ diễn tập ứng phó sự cố. Tính từ năm 2018 đến nay, Sở đã phê duyệt kế hoạch ứng phó bức xạ cấp cơ sở cho 31 đơn vị, tổ chức; thẩm định và cấp 52 giấy phép tiến hành công việc bức xạ; quan trắc 2.012 điểm, cập nhật dữ liệu phóng xạ môi trường tỉnh Quảng Ninh lên bản đồ số.

Đoàn kiểm tra của Sở KH&CN kiểm tra khu vực chứa nguồn phóng xạ tại Công ty CP Xi măng Thăng Long.

Đặc biệt, để đảm bảo an toàn trong hoạt động bức xạ, Sở KH&CN cũng thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ làm công tác bức xạ. Trong năm 2018, tổ chức 3 lớp đào tạo an toàn bức xạ cho 250 học viên là nhân viên bức xạ và cán bộ an toàn bức xạ tại những cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị X-quang y tế trên địa bàn tỉnh.

Trong lĩnh vực y tế, các bệnh viện, cơ sở y tế sử dụng tia X-quang, máy gia tốc trong chẩn đoán hình ảnh, khám chữa bệnh chiếm số lượng lớn với hơn 200 thiết bị. Theo đánh giá của Sở KH&CN, hầu hết các đơn vị đã chấp hành tốt quy định pháp luật về an toàn bức xạ. Cán bộ, nhân viên đã có ý thức sử dụng thiết bị bảo hộ, sử dụng áo chì thường xuyên; với bệnh nhân trẻ em hoặc người mẫn cảm được mặc áo chì che chắn các vùng cơ thể khi chụp, chiếu. Điển hình là: Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển... Qua đó cho thấy, công tác quản lý, sử dụng các thiết bị bức xạ được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo an toàn.

Để làm tốt công tác quản lý nhà nước về kiểm soát an toàn bức xạ, hạt nhân, thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục siết chặt việc thẩm định, phê duyệt, cấp phép hoạt động bức xạ; tăng cường thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các vi phạm để đảm bảo vận hành, sử dụng các thiết bị nguồn phóng xạ đúng quy định. Đồng thời, đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý nhà nước về an toàn bức xạ nhằm phục vụ tốt hoạt động nghiệp vụ.

Yến Vy

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/201908/dam-bao-an-toan-buc-xa-2451718/