Đảm bảo an sinh xã hội trước cuộc cách mạng 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự dịch chuyển lao động giữa các quốc gia. Đây là tín hiệu tích cực của thị trường lao động, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội (ASXH) và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Ngoài những nguy cơ gây mất việc làm - thu nhập của người lao động sẽ gây tổn hại trực tiếp tới hệ thống ASXH thì cuộc cách mạng này vẫn có những tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam Ảnh: ST.

Mất việc vì tự động hóa

Ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam cho biết, theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 18 triệu lao động phi chính thức, phi nông nghiệp, trong đó chỉ có 23% có quan hệ lao động trên pháp lý và đáng tiếc trong số này mới chỉ có khoảng 0,2% tham gia BHXH. Thu nhập của nhóm đối tượng này trung bình là 3,9 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn nhiều so với thu nhập bình quân trung cả nước (6,7 triệu đồng/người/tháng). Do đó, vấn đề còn tồn tại ở đây là hiện còn khoảng 6 triệu người trong độ tuổi từ 45 đến 60 chưa tham gia BHXH, gây ảnh hưởng không chỉ tới hệ thống ASXH mà còn tác động cả tới sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Bởi, những người này, nếu vẫn không tham gia BHXH, thì khi hết tuổi lao động sẽ không được hưởng lương hưu và cũng có trợ cấp xã hội để đảm bảo cuộc sống.

Đáng chú ý, cũng theo ông Hùng, trong xu thế dịch chuyển lao động, hiện Việt Nam có khoảng 500.000 người làm việc tại nước ngoài và sẽ tăng hàng trăm ngàn người hàng năm. Trong số này mới có khoảng 6.000 người tham gia BHXH. Để quản lý hiệu quả và đảm bảo về BHXH với nhóm đối tượng này, cần xây dựng các chính sách hợp tác song phương, đa phương về tham gia BHXH cho lao động di cư ở các quốc gia, đi đôi với việc hiện đại hóa phương thức quản lý hoặc phối hợp quản lý lao động di cư.

Đánh giá về sự tác động của CMCN 4.0 tới hệ thống an sinh xã hội, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, CMCN 4.0 sẽ khiến cơ chế vận hành kinh tế - đời sống cũng thay đổi với sự kết nối toàn cầu, tốc độ cao, thông minh, tự quản. Trong đó điển hình là sự thay đổi về việc làm - thu nhập khi nhiều ngành nghề cũ mất đi, kéo theo việc làm - thu nhập của người lao động cũng mất đi. “Nhiều ngành nghề mới sẽ xuất hiện, tạo các cơ hội việc làm - thu nhập mới nhưng kèm theo đó sẽ đòi hỏi những yêu cầu về năng lực mới với kỹ thuật và khả năng thích ứng cao hơn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng phân hóa xã hội, bất bình đẳng kinh tế, rủi ro trong hệ thống ASXH tăng cao”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Theo dự báo, trong hai thập niên tới, 56% lao động tại 5 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc làm. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, sẽ có 86% lao động trong lĩnh vực dệt may và da giày đứng trước nguy cơ mất việc vì tự động hóa trong cuộc CMCN 4.0. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, ngoài những nguy cơ gây mất việc làm - thu nhập của người lao động sẽ gây tổn hại trực tiếp tới hệ thống ASXH thì cuộc cách mạng này vẫn có những tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Với lợi thế dân số trẻ, năng động, là nước đi sau, chắc chắn sẽ thúc đẩy và tạo ra khát vọng, quyết tâm thoát khỏi tụt hậu cho Việt Nam trước cuộc CMCN 4.0.

Cuộc đua của hệ thống ASXH

Sự thay đổi của thị trường lao động với ngành nghề mất đi, tồn tại, xuất hiện mới mà cuộc cách mạng 4.0 đem lại, sẽ đòi hỏi người lao động phải tăng cường rất nhiều kỹ năng để đáp ứng được với những sự thay đổi này. Vậy bài toán đặt ra ở đây chính là việc đào tạo nguồn nhân lực và thiết kế lại chính sách ASXH, để tăng độ bao phủ, theo hướng tăng mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, giữa Chính phủ với nền kinh tế phi chính thức. Đây được xem như một cuộc đua giữa việc thay đổi hệ thống ASXH và những thay đổi của thị trường lao động trong thời đại mới.

GS.Neil Quigley, Hiệu trưởng Đại học Waikato (New Zealand) cho rằng, trong thời đại CMCN 4.0, thách thức của giáo dục là phải làm sao để đảm bảo không cho phép những người khó khăn bị ngăn cản trong việc tiếp cận các hệ thống giáo dục, họ phải được trang bị kỹ năng, kiến thức để tránh tạo gánh nặng cho hệ thống ASXH. Đồng thời, cần phải tìm ra phương thức hỗ trợ tất cả mọi người được tiếp cận việc học tập một cách thuận lợi nhất.

Ông Robert Palacios, Chuyên gia trưởng toàn cầu về hưu trí và BHXH của Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị, cần nhanh chóng tăng tỷ lệ bao phủ BHXH bằng các phương thức quản lý hiện đại, hiệu quả hơn, như: Ứng dụng các công nghệ mới, chứng minh nhân dân kỹ thuật số có sinh trắc học; chi trả, đóng nộp qua mạng lưới Internet với sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ thông tin trong các phần mềm quản lý… Quan trọng hơn, mỗi quốc gia cần xây dựng để tất cả người dân có một mã số ASXH duy nhất cho các chính sách, tạo sự thống nhất và thuận lợi trong việc quản lý, tiếp cận phát triển, cũng như hỗ trợ đối tượng.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dam-bao-an-sinh-xa-hoi-truoc-cuoc-cach-mang-4-0.aspx